Kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo (28/12), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm đối với công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa (SGK) được biên soạn theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý:

Thứ nhất, nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Thứ hai, nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Vậy, dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập diễn ra như thế nào?

Bộ GD-ĐT ra văn bản không đúng chức năng, làm lợi cho NXB Giáo dục Việt Nam

Theo báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 2372 (ngày 11/4/2013) về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: Sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, xuất bản và phát hành sách bài tập).

Việc nêu sách bài tập được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành theo Thanh tra Chính phủ là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT.

Mặc dù 1 năm sau, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDDT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX nhưng Bộ chưa kịp thời ban hành văn bản về việc đình chỉ sử dụng Văn bản số 2372 nêu trên.

Và điều này theo Thanh tra Chính phủ gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo SGK, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua SGK đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.

Bất thường trong lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in

Đối với công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong việc biên soạn SGK theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội.

Đáng chú ý, từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014-2019, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầy cung cấp giấy in, chỉ có 2-3 đơn vị được NXB lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong một năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Từ năm 2014-2019, Công ty cổ phần giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp (chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB). Qua kiểm tra xác suất một số hợp đồng cho thấy, giá giấy in của Công ty này bán cho NXB cao bình quân gấp 1,7 lần giá giấy Công ty nhập khẩu trực tiếp.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, điều này cho thấy việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy NXB Giáo dục Việt Nam bán 3 loại giấy in có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu vào 5% cho các nhà thầu trúng thầu in SGK. Tuy nhiên khi xây dựng giá trần của gói thầu in, NXB tính chung vào với mức thuế của dịch vụ in SGK có thuế suất giá trị gia tăng là 10%. Điều này làm giá trần gói thầu tăng thêm 5% và làm cho gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011 cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Việc in SGK bằng hình thức giao in gia công, in trọn gói; chi phí phát hành SGK (chiết khấu)... đều xảy ra những hạn chế, thiếu sót, vi phạm.

Về cơ bản, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán của NXB có sai sót dẫn đến gia đình học sinh (là khách hàng) phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký giá từ năm 2011 (được ấn định trên bìa SGK) cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền khoảng hơn 85 tỷ đồng; việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh SGK còn một số thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá SGK đã được NXB đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý.

NXB Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tỷ lệ chiết khấu của SGK cao, chưa thực hiện tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành SGK, chưa thực hiện tái cấu trúc và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp… Trong khi NXB là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in, phát hành, kinh doanh SGK đối với SGK được biên soạn theo nghị quyết số 40/2000/QH10, gia đình học sinh phải mua SGK theo giá ấn định trên bìa sách.

Như vậy, theo Thanh tra Chính phủ, NXB Giáo dục Việt Nam có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu giá, quy định về đăng ký giá SGK.

Do thời kỳ thanh tra từ 2014-2018, trong khi đó SGK được NXB đăng ký giá từ năm 2011 nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền học sinh đã mua SGK cao hơn giá SGK mà NXB phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay.