Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguyên giảng viên cao cấp của Khoa Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học - Xã hội và nhân văn việc không thống nhất trong cách viết “i” và “y” trong các văn bản báo chí, các xuất bản phẩm và các loại văn bản của các cơ quan là do trước đây chúng ta đã quen với cách viết truyền thống có thể nói đã khá hợp lý.

Tuy nhiên từ năm 1980, Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã ban hành "Một số quy định về chính tả tiếng Việt" trong đó đồng nhất việc viết chữ "i" và "y". Quy định nêu:

“Riêng trường hợp các âm tiết có nguyên âm “i” ở cuối thì viết thống nhất bằng "i" thí dụ: kì dị, lí trí, mĩ vị đều viết "i", trừ vần uy, như duy, tuy, quy,... viết "y" ở cuối".

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho rằng những người xây dựng quy định đã quên mất một điều là khi hình thành chữ quốc ngữ, các nhà sáng lập đã có ý đồ rất rõ: các từ Hán Việt viết “y” và thuần Việt viết “i”. Như vậy, quyết định này đã không chú ý yếu tố nguồn gốc từ vựng của tiếng Việt.

Điểm thứ hai, khi ra quyết định đồng nhất “i”, nhà quản lý đã không tính đến yếu tố hội họa của con chữ. Khi thể hiện trên trang giấy, với những chữ cái chiều cao chỉ ngang với chữ “i” thì không sao, nhưng với những chữ cao hơn như “h”, “k” khi kết hợp với “i” ngắn sẽ không đẹp, không cân đối. “Tại sao “hy sinh” người ta viết "y" là bởi vì nó cân đối với chữ “h”- PGS Nguyễn Hữu Đạt ví dụ.

Chính vì những điều chưa hợp lý của quy định nên mới xảy ra tranh chấp trong cách sử dụng. Ví dụ từ “lí luận”, các xuất bản phẩm, luận văn, luận án đều viết “i” theo quy định. Nhưng có tạp chí “Lý luận và phê bình trung ương” vẫn để “y”. Việc không thống nhất này rõ ràng gây khó khăn cho người sử dụng, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Vì vậy, đến một thời điểm nào đó cần xem xét lại quy định, thống nhất lại theo cách hợp lý hơn…