Tối thứ Sáu hằng tuần, không gian văn hóa đình làng Việt (khu tập thể Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) lại đầy ắp tiếng nói cười của các bạn nhỏ. Trong gian phòng mang màu sắc Việt Nam xưa với những bộ áo dài và tranh tố nữ, nhóm trẻ này sẽ cùng cô Bình trao đổi về những điều họ ghi nhận được từ chuyến đi thực tế trước đó.

Cô Nguyễn Thị Thanh Bình là một dự báo viên khí tượng. Tuy nhiên như cô nói "vì yêu trẻ con mới tổ chức những lớp học cho trẻ em".

Học những điều không có trong nhà trường

Cô Bình tâm niệm, những gì các bạn nhỏ ít được học trên trường, ít có thời gian tiếp cận thì sẽ tập trung bồi đắp. Là một dự báo viên khí tượng, “người biết trước” như cô thấu hiểu rõ sự cần thiết để trang bị cho các bạn những kỹ năng sinh tồn, như xác định phương hướng hay ứng phó với những điều kiện thời tiết bất thường.

Các bạn nhỏ đến với cô sẽ được học hai buổi kỹ năng sử dụng bản đồ, biết cách đọc thông tin trên bản đồ rồi biết cách cầm bản đồ để đi đường hoặc tìm hiểu về thời tiết và kỹ năng phòng tránh thiên tai. Cô trò có những buổi thực hành trong phố cổ, cô Bình giao một nhiệm vụ dưới dạng một game (trò chơi) để các bạn nhỏ cầm bản đồ đi tìm.

Không chỉ am tường trong lĩnh vực địa lý - khí tượng của mình, cô Bình còn có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Mong muốn mang đến cho các bạn nhỏ những tri thức hiểu biết về chính dân tộc mình đã thôi thúc cô đem chủ đề địa lý - văn hóa vào trong lớp học.

"Chúng ta là người Việt. Chúng ta lớn lên trên quê hương của mình. Chúng ta cũng cần biết là cái mảnh đất hình chữ S của chúng ta, những dãy núi, những dòng sông, những cái vùng miền địa lý như thế nào. Rồi có những phong tục, tập quán gì, những nét văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc ngoài dân tộc Kinh mà chúng ta vẫn quen thuộc", cô Bình bày tỏ.

Học thông qua trải nghiệm

Điểm đặc biệt của lớp học cô Bình nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa tri thức trong lớp học và trải nghiệm thực tế để làm sâu sắc hơn những kiến thức đã được tiếp cận. Sau khi học khóa địa lý - văn hóa Việt Nam, các bạn nhỏ của lớp cô Bình sẽ được đưa đi “thực địa” ở những vùng miền khác nhau. Có thể là đi lên hồ Ba Bể để tìm hiểu về hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi hay xuống Nam Định để tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn, hoặc có thể lên một bản làng người Dao, người Thái, người H'Mông, người Tày để tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc...

Đôi khi chỉ đứng xem người Dao, họ ngồi họ vẽ cái hoa văn bằng sáp ong như thế nào hay là người diêm dân làm muối như thế nào… Những cảnh buổi chiều người dân thu hoạch muối và rất nhiều những khoảnh khắc khác sẽ cho các bạn thêm yêu quê hương Việt Nam, thêm gắn bó với quê hương Việt Nam. Đó là thứ mà rất cần thiết bồi đắp cho các bạn nhiều lên trước khi các bạn trưởng thành và tung cánh đi khắp nơi.

Để có thể đồng hành cùng các bạn nhỏ trong những chuyến đi, những tiết học địa lý - văn hóa, cô Bình phải có một vốn kiến thức sâu rộng, được tích lũy và bồi đắp theo thời gian. Tuy nhiên, việc khó nhất với cô Bình là phải làm thế nào để thực sự có thể chinh phục được các bạn nhỏ, nhất là với một người không phải được đào tạo chính ngạch qua trường lớp sư phạm. "Mình phải đặt mục tiêu là trong một buổi mình hướng dẫn, liệu có gương mặt nào uể oải, gương mặt nào chán mình sẽ phải để ý hơn, xem làm thế nào để các bạn ấy hòa nhập", cô Bình chia sẻ.

Tham gia lớp học cô Bình, các bạn nhỏ trong lớp đã thực sự có những trải nghiệm đáng giá. Hải Phong, một học sinh của lớp chia sẻ, khi học lớp cô Bình, em nhận được cách xác định vị trí của em trên bản đồ, cách tìm đường, cách sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Em có thêm những kiến thức về nền văn minh, về những châu lục, về lịch sử hình thành của thời đại phong kiến Việt Nam. Nhờ đó nó đã giúp em học tập tốt hơn ở trường.

Cô Bình hướng dẫn cho các phụ huynh tổ chức và mình đồng hành cùng các nhóm học sinh. Luôn luôn sẽ có khoảng dao động từ 6 đến 8 và nhiều là 10 nhóm cùng hoạt động. Lớp học đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh. "Sau khi con học lớp này thì con đã nhận được rất nhiều thứ, ví dụ như là tinh thần làm việc nhóm này, rồi cách tìm hiểu thông tin và biết thêm rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống cũng như các kiến thức về địa lý, lịch sử của Việt Nam mình", chị Nguyễn Thị Hằng, mẹ một học sinh chia sẻ.

Không dạy kiến thức để đi thi, cũng không dạy môn năng khiếu, lớp học cô Bình đang thu hút học sinh bằng làm giàu vốn văn hóa và trải nghiệm thực chất, điều dường như đang thiếu ở các nhà trường.

Nghe bài viết tại đây:

CTV Trà Giang