Theo chuyên gia bảo vệ trẻ em, bác sỹ Nguyễn Trọng An, các bậc cha mẹ luôn muốn đi du lịch đến một nơi có nhiều điểm tham quan hấp dẫn với các hoạt động vui chơi vui vẻ. Tuy nhiên, nếu bạn mang theo con nhỏ, điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu địa điểm bạn định đến có những nguy cơ gì đối với trẻ, từ đó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi.
“Khi đi du lịch khâu chuẩn bị là rất quan trọng. Thứ nhất, các bậc phụ huynh phải tìm hiểu kỹ về điều kiện khí hậu, địa lý, văn hóa... nơi mình định đến và có sự chuẩn bị kỹ cho con. Thứ hai, các bậc phụ huynh cần mang theo các vật dụng cần thiết để xử lý các vấn đề phát sinh có thể xảy ra như bị tai nạn thương tích hoặc gặp vấn đề gì đó về sức khỏe. Thứ ba, luôn quan đến việc giữ gìn sức khỏe cho con từ những thứ đơn giản như chuẩn bị áo ấm nếu đến những nơi có thời tiết lạnh”, BS Nguyễn Trọng An khuyến cáo.
Đuối nước là một trong những tai nạn các phụ huynh cần hết sức lưu tâm khi đến những nơi có bể bơi, sông suối, ao hồ hay biển. Khi cho trẻ bơi, phụ huynh phải mặc áo phao cho trẻ, đặc biệt phải luôn quan sát, để mắt đến con trong suốt quá trình vui chơi. Theo anh Đinh Văn Hải, một giáo viên dạy bơi, nếu chẳng may xảy ra đuối nước, tuyệt đối không được dốc ngược người trẻ lên vai rồi chạy mà phải nhanh chóng ép tim và hà hơi thôi ngạt cho trẻ.
Anh Đinh Văn Hải cũng lưu ý, trước khi xuống bể nên khởi động trước để làm nóng cơ thể, giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với môi trường. Với những bé dưới 5 tuổi chỉ ngâm dưới nước tối đa khoảng 30 phút. Với những bé trên 5 tuổi cũng chỉ nên ngâm nước tối đa là 60 phút, tùy theo thể trạng của các bé. Không nên chọn thời điểm nhiệt độ ngoài trời quá cao như cuối buổi sáng, buổi trưa và đầu buổi chiểu. Thời gian đó bể bơi rất nóng, nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ dưới nước chênh lệch nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cùng với tai nạn đuối nước, trong một chuyến đi du lịch có thể xảy ra rất nhiều vấn đề đối với trẻ nhỏ như bị ngộ độc, thương tích, hóc dị vật hay bị lạc...Chính vì vậy, bên cạnh việc để mắt đến trẻ thường xuyên, theo chuyên gia bảo vệ trẻ em Nguyễn Thị An, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị cho con các kỹ năng. Khi đến một địa điểm mới, cha mẹ nên nói với con khu vực chơi này có những mối nguy nào. Ví dụ đâu là vùng an toàn để bơi; đi vào rừng có thể có những nguy cơ gì, cách phòng tránh như thế nào; cách thoát hiểm ra sao khi gặp hỏa hoạn...
“Tuy nhiên, việc trang bị các kỹ năng cho con là một quá trình dài. Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho bé từ sớm. Nếu trước chuyến đi mới hướng dẫn một loạt, trẻ không thể nhớ được”, chuyên gia bảo vệ trẻ em Nguyễn Thị An nhấn mạnh.
Trẻ nhỏ vốn rất hiếu động và nghịch ngợm. Ở lứa tuổi mà mọi thứ xung quanh còn lạ lẫm với mình, bé sẽ có xu hướng sục sạo từng ngóc ngách để khám phá. Theo BS Hoàng Văn Cường, Tổ chức Giáo dục sức khỏe Wellbeing, chỉ cần bạn lơ là một giây, bé sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tầm nhìn và không biết điều nguy hiểm gì đang chờ bé phía trước.
BS Cường chỉ ra 3 nguyên tắc vàng các bậc phụ huynh cần lưu ý khi đi du lịch với trẻ em: “Thứ nhất, luôn luôn để trẻ nhỏ trong tầm mắt; thứ hai, không bao giờ được chủ quan; thứ ba, dự phòng được những tai nạn có thể xảy ra và luôn luôn có những phương án dự phòng”.
Đi du lịch cùng với trẻ em không chỉ đơn giản là “xách ba lô và lên đường”. Trước những nguy cơ nguy hiểm luôn luôn tiềm ẩn xung quanh thì cha mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như luôn luôn quan sát, để ý con trẻ, đồng thời cũng phải trang bị cho bản thân mình và trẻ em những kiến thức và kỹ năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.
Nghe tư vấn của các chuyên gia tại đây: