Đây là thông tin PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT chia sẻ tại Ngày hội lựa chọn nguyện xọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2023 diễn ra tại ĐH Bách Khoa Hà Nội sáng nay (22/7).

Toàn quốc có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhưng thời điểm này trên hệ thống mới ghi nhận gần 390.000 thí sinh (chiếm 37%) đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Mặc dù không phải toàn bộ thí sinh tốt nghiệp THPT đều đăng ký vào ĐH, CĐ nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp so với thời cùng thời điểm năm ngoái. Điều đó cho thấy, nhiều em vẫn đang chờ đợi và chưa ra quyết định cuối cùng.

Đến thời điểm này, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất vẫn nằm ở TPHCM và Hà Nội. Đây là 2 địa phương này có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT cao nhất.

Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển trên số thí sinh dự thi cao nhất là Bình Dương 53%, tiếp theo là Bạc Liêu, TPHCM, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang... đa số tập trung ở các tỉnh miền Nam, trong khi thí sinh miền Bắc có phần cẩn trọng hơn.

Đến 17h ngày 30/7, thí sinh kết thúc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thí sinh đừng đợi giây phút cuối cùng mới thực hiện thao tác. Bởi, kinh nghiệm những năm qua cho thấy, nhiều em chờ đợi những ngày cuối cùng, những giờ cuối cùng mới truy cập vào hệ thống để đăng ký sẽ có thể gặp tình trạng nghẽn mạng, dẫn tới những rủi ro không mong muốn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho biết, hiện số thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất trên hệ thống khá nhiều, với 72.000 em. Điều đó cho thấy các em tự tin vào nguyện vọng của mình.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy không nên đăng ký quá ít nguyện vọng, rủi ro có thể xảy ra.

“Đương nhiên, các bạn xét tuyển sớm ở nhiều trường ĐH-CĐ, gần như chắc chắn đỗ vào trường đó chỉ cần đặt nguyện vọng đó lên nguyện vọng 1 là đáp ứng. Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Mặc dù xét tuyển sớm nhưng vẫn có giai đoạn hậu kiểm, có những điều kiện sơ tuyển mà sau khi kiểm tra lại có thể chưa đáp ứng, do đó các em phải nghiên cứu kỹ”.

“Không nên chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất vì lỡ có những rủi ro xảy ra thì chúng tôi còn xét tiếp những nguyện vọng 2, 3 ...để giảm thiểu rủi ro”.

Trái lại, theo bà Thủy, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng không cần thiết vì vừa lãng phí nguồn lực vừa không sử dụng hết nguyện vọng đó.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khuyên thí sinh cần có chiến thuật phân bố nguyện vọng phù hợp, “không bỏ trứng vào 1 giỏ”, san sẻ những nguyện vọng xét tuyển ở những nhóm trường, nhóm ngành có mức độ cạnh tranh khác nhau.

Không nên dồn nguyện vọng vào 1 nhóm trường cao nhất, 1 nhóm ngành hot nhất bởi nếu không trúng tuyển thì xác suất không trúng các ngành còn lại sẽ cao.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh khi đăng nhập vào hệ thống cần thực hiện từ đầu đến cuối quy trình. Đừng để thao tác giữa chừng thì dừng lại hôm sau làm tiếp. Phải kết thức quy trình để đảm bảo hệ thống đã ghi nhận những điều chỉnh, sửa đổi, đăng ký./.