Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ GD-ĐT tuyên dương 400 nhà giáo xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước. Chiều nay (18/11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có cuộc gặp thân mật với đại diện các nhà giáo xuất sắc, tiêu biểu. Nhiều tâm tư, nguyện vọng được các nhà giáo chia sẻ tại cuộc gặp với người đứng đầu ngành Giáo dục – Đào tạo.

Không có chính sách hỗ trợ, số lượng giáo viên bỏ việc còn tăng

Thay mặt cho 400 giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý tiêu biểu, thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình mong muốn toàn xã hội dành niềm tin lớn hơn cho ngành giáo dục.

Theo thầy Hùng, một số tiêu cực, hạn chế của ngành trong những năm vừa qua đã làm không ít người thất vọng. Tuy nhiên, bên cạnh hạn chế, đa số giáo viên vượt khó, vươn lên.

“Đừng đặt điểm nhìn chỉ vào một vài vụ việc, mỗi người hãy nhìn xa hơn để thấy bao thầy cô vượt núi băng đèo cõng chữ lên non, đã vượt biển khơi đến những hòn đảo lớn nhỏ để gieo mầm tri thức. Ngay trong những thành phố lớn, mỗi thầy cô giáo hằng ngày chăm sóc, giáo dục 45-50 học sinh”, thầy Hùng cho rằng niềm tin đồng cảm của toàn xã hội là điều GV cần trên con đường đổi mới giáo dục đầy chông gai, thử thách.

Không dừng lại ở niềm tin, thầy Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn sự đồng hành, chung tay với sự nghiệp giáo dục của toàn xã hội.

“Mong phụ huynh không còn tư tưởng “trăm sự nhờ thầy” để rồi bỏ qua vai trò gia đình trong việc hình thành phẩm chất năng lực cho con cái. Mong tất cả người Việt Nam sau 18 tuổi đều nhận ra trách nhiệm nêu gương cho con trẻ. Nhà trường dạy chúng nói lời hay làm việc tốt nhưng bài học ấy chỉ thấm thía khi ra khỏi cổng trường các con nhìn thấy những người xung quanh mình cũng đang sống có trách nhiệm, làm việc tốt, nói điều hay, nói đi đôi với làm".

Mong muốn thứ 3 mà thầy Hùng nhắc tới là Nhà nước có chính sách thiết thực nâng cao đời sống giáo viên, mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống chính là lý do khiến nhiều giáo viên bỏ nghề, rẽ ngang sang hướng khác, không đi hết con đường mình đã chọn.

“Thực tế nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều nghề khác để duy trì cuộc sống. Không có chính sách hỗ trợ giáo viên thì số lượng giáo viên bỏ việc trong những năm tới còn gia tăng”, thầy Hùng chia sẻ.

Cuối cùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình mong các cấp quản lý và các nhà trường tiếp tục có giải pháp đào tạo bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Đồng thời, các chương trình bồi dưỡng cần thiết thực hiệu quả giải quyết những khó khăn mà thầy cô dạy chương trình mới đang gặp phải.

“Công tác quản lý không nên có sự gò ép hành chính mà nên tạo hành lang cho thầy cô thỏa sức sáng tạo. Nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết để hoàn thành mục tiêu đổi mới đề ra”.

"Đất nước, nhân dân đang đặt kỳ vọng vào nhà giáo"

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, gần 3 năm qua, đại dịch Covid đã tác động đến mọi mặt đời sống. Tuy nhiên, với tinh thần “ngừng tới lớp không ngừng học tập”, toàn ngành giáo dục đã chuyển trạng thái sang dạy học ứng phó dịch bệnh, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

“Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên toàn ngành nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi, thích ứng. Sự hy sinh, tận tâm và trách nhiệm của các thầy cô đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ toàn ngành, củng cố niềm tin vượt khó trên chặng đường dài đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo nước nhà”.

Theo Bộ trưởng, trước yêu cầu mới của đất nước và thời đại, đặt mình bối cảnh giáo dục toàn thế giới, còn nhiều việc phải phấn đấu, nỗ lực, cố gắng nhưng chính chúng ta là những người làm thay đổi nền giáo dục đất nước.

“Đất nước, nhân dân đang đặt kỳ vọng vào nhà giáo. Thời đại cho ta tầm nhìn, bản thân chúng ta đoán định tương lai, mỗi thầy giáo cô giáo có sứ mệnh tiên phong với tương lai đất nước, không thể ngồi than vãn với sự tụt hậu so với thế giới, chờ thời cơ mà chủ động đón trước thời cơ tìm giải pháp hành động”.

Ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sự đồng hành tư tưởng và giải pháp là chìa khóa thành công, khát khao chân chính hiện hình thôi thúc và lật dậy đam mê cống hiến trong trái tim, khối óc người thầy người cô.

Bộ trưởng khẳng định, không ai thay thế được người thầy trong chăm lo nuôi dưỡng ước mơ và hình thành giá trị cơ bản cho thế hệ tương lai. Giáo viên không chỉ hướng người học tập trung kiến thức mà đồng thời phải dạy học trò trái tim biết rung động trước cuộc đời, có tâm hồn thanh cao rộng lượng, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

"Nói điều này để chúng ta ý thức trọng trách vinh quang của nhà giáo, mỗi nhà giáo giáo nhận thức chính nhà giáo sáng tạo, vị tha, thông qua công việc cao quý của mình, chúng ta phải cho mọi người thấy rằng đồng hành với tiến trình phát triển là hạnh phúc của tất cả chúng ta nhưng hành trình này là núi cao vực sâu đầy gian nan vất vả, không có con đường nhung lụa dễ dàng phía trước chúng ta”.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng trao Bằng khen cho 400 nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam./.