Với thành tích đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế 2023, Võ Hoàng Hải, học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội lập kỳ tích chưa từng có, khi là học sinh đầu tiên giành Huy chương Vàng hai năm liên tiếp khi mới học lớp 11. Trước đó em cũng đã giành được Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế 2022. Mới đây, Hải đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho những thành tích đã đạt được trên đấu trường quốc tế.

Học Vật lý như chơi một trò chơi

Sau một năm hoãn và hai năm tổ chức dưới hình thức trực tuyến, kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế 2023 được tổ chức trực tiếp tại Nhật Bản. Phần thi thực hành cam go. Các bộ thí nghiệm được phát tận tay thí sinh để làm trực tiếp, đòi hỏi kỹ năng thực hành nhuần nhuyễn và tính cẩn thận khi sử dụng các dụng cụ thí nghiệm. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của kỳ thi năm nay so với 2 năm được tổ chức online trước đó. Độ khó của bài thi thực hành khiến Hoàng Hải không nghĩ mình sẽ lại giành được “Vàng”. Vậy nên khi đón nhận “cú đúp” 2 năm liên tiếp đạt huy chương Vàng tại đấu trường Olympic, Hải nói em xúc động và bất ngờ.

Ở tuổi 17, hiếm người làm được như Hải. Song, đằng sau sự huy hoàng đó là cả một hành trình khổ luyện. Thời gian ôn luyện đội tuyển, Hải và các bạn sống trong kí túc xá, mọi thời gian gần như giành hết cho bộ môn Vật lý. Mọi thứ đều phải chủ động từ sinh hoạt, cân bằng giữa việc học tập với duy trì sức khỏe.

“Kể từ thời điểm tập trung đội tuyển, khó khăn mà chúng em đối mặt là việc phải nạp nhiều kiến thức mới và phức tạp trong khoảng thời gian ngắn 1 -2 tháng. Kể từ khi diễn ra Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á cho đến khi diễn ra Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế chúng em có 4 buổi/tuần tập trung làm các thí nghiệm từ sáng, chiều, tối. Đó là khoảng thời gian mệt mỏi, khó khăn”, Hải chia sẻ.

Từ khi còn nhỏ, Hoàng Hải đã có hứng thú với rất nhiều môn học. Tuy nhiên, càng học em càng cảm thấy Vật lý có sức thu hút đặc biệt. “Nó (Vật lý) là sự giao thoa hoàn hảo giữa Khoa học và Toán. Môn Toán thì thuần về lý thuyết. Các môn khoa học Hóa và Sinh thì có nhiều thứ cần nhớ và em luôn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức. Trong khi đó, với Vật lý thì em cảm giác được rằng hiện tượng Vật lý nên là như vậy, thế giới nên vận hành như vậy. Em cảm thấy kiến thức “tuôn” vào đầu em rất dễ dàng”.

Có lẽ vì vậy, Hoàng Hải luôn giữ một thái độ vô tư khi học môn Vật lý. Hơn cả một môn học, Vật lý giống như một trò chơi. Hải kể, sau những giờ thi "căng thẳng" ở các môn Văn, Sử, Địa... em thường lấy bài tập Vật lý ra ngồi làm để xả stress.

“Bản thân em thấy, Vậy lý là thứ rất vui, mang lại cho em cảm giác hưng phấn mà khó có môn học, hoạt động nào khác có thể đem lại được. Chính vì vậy em luôn giữ phong thái vô lo, vô tư, hơi tưng tửng và hơi trẻ con với môn học này. Nhưng, thực sự em cũng mong giữ được tâm lý như vậy vì nhờ đó em duy trì được ngọn lửa đam mê Vật lý”.

Có những lúc Hoàng Hải “mắc kẹt” rất lâu trong một bài tập vật lý và chìm vào cảm giác mệt mỏi, không có hướng giải. Nhưng cũng có những bài tập khiến Hải hứng thú đến mức có thể ngồi 5 - 6 tiếng đồng hồ để tìm tòi những các cách giải khác nhau.

Tự nhận mình học tập theo cảm hứng, Hải nói khi có cảm hứng, em thường cố gắng không ngắt mạch suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, để tránh áp lực, bình thường em chỉ làm bài tập trong 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Sau đó, em giành 5-10 phút nghỉ ngơi, nghe nhạc, nhắn tin với bạn, chơi game thư giãn đầu óc. Ngoài ra, mỗi ngày nam sinh Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên còn giành 30 phút tập thể dục, chạy bộ để rèn luyện sức khỏe.

Ước mơ trở thành thành nhà Vật lý

Hồi nhỏ, khi đọc sách danh nhân thế giới, Hoàng Hải biết đến nhà bác học Marie Curie. Bà là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, người đầu tiên đoạt hai giải Nobel ở 2 lĩnh vực khác nhau là Vật lý và Hóa học. “Em rất ngưỡng mộ bà vì thời đó phụ nữ không có quá nhiều cơ hội học tập. Thời điểm đó, quê hương của bà cũng đang bị ngoại xâm nhưng mặc cho những hoàn cảnh khó khăn, bà vẫn nỗ lực học tập, vươn lên trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới, đạt được những công trình nghiên cứu xuất sắc. Em cũng mong được như bà, tìm kiếm kiến thức mới, giúp ích cho con người, đời sống, y tế và những lĩnh vực khác”.

Khi kể về thần tượng của mình, Hải cũng chia sẻ mong muốn trở thành nhà khoa học nghiên cứu về Vật lý. Quá trình ôn luyện đội tuyển và tham gia các kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á và Quốc tế, được tiếp xúc với những nhà giáo, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam càng củng cố thêm mơ ước này của Hải.

Mục tiêu năm 2024 của "chàng trai vàng"

2 năm liên tiếp thi Olympic Vật lý quốc tế, cả 2 lần đều giành huy chương Vàng, Hoàng Hải cho rằng, học sinh Việt Nam mạnh ở phần lý thuyết nhưng lại yếu hơn bạn bè quốc tế ở kỹ năng thực hành.

“Các bạn ở những quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được tiếp cận với bộ thí nghiệm thực hành từ sớm nên kỹ năng thao tác tay rất tốt. Nhờ vậy các bạn hiểu phương án thí nghiệm nhanh và thao tác tốt. Trong khi với chúng em, để làm được điều này thì cần giành nhiều thời gia thực hành trên đội tuyển để đạt được mức điểm chấp nhận được”, Hoàng Hải cho rằng để khắc phục điểm yếu của mình thì “chúng ta phải chăm hơn họ”.

Giành được Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế ngay khi học lớp 10 và 11, bước sang năm lớp 12 cũng sẽ tham dự kỳ thi này, Hải cho biết em có chút áp lực. Tuy nhiên, áp lực này không quá lớn. “Đối với em, tham dự kỳ thi cảm giác lớn nhất là tò mò liệu lần này có thêm góc nhìn mới nào không? Mình có cần luyện thêm kỹ năng mới nào không?”.

Hải nói rằng, mục tiêu tới đây của em khi tham gia kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế sẽ hơi khác so với 2 năm đầu. Thay vì tập trung vào thành tích, “chàng trai vàng” của đội tuyển Vật lý muốn tìm hiểu thêm phương pháp học tập của bạn bè quốc tế để giúp cải thiện thành tích của Việt Nam trong những năm tới.

Theo nam sinh Chuyên Khoa học Tự nhiên, điều quan trọng nhất giúp chinh phục đỉnh cao, đó là: luôn giữ được ngọn lửa đam mê và phải quyết tâm nỗ lực theo đuổi đam mê đó.