Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn đã tổ chức Lễ Công bố các Chương trình tài trợ năm 2023 vào ngày 16/1/2024 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Quỹ VINIF tổ chức Lễ công bố cho tất cả các chương trình tài trợ khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi giữa các nhà khoa học uy tín, chủ nhiệm các dự án, lãnh đạo các trường, viện và các ứng viên trẻ nhận học bổng sau đại học.

Mức tài trợ cho khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023 của Quỹ VinIF là 160 tỷ đồng. Năm 2023, Quỹ VINIF triển khai 7 chương trình tài trợ lớn, bao gồm: Dự án KHCN; Học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước; Học bổng sau Tiến sĩ trong nước; Hợp tác đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu; Lưu giữ các giá trị VHLS; Khóa học ngắn hạn và giáo sư thỉnh giảng; Hợp tác, tài trợ sự kiện và hội thảo.

Sau khi trải qua các vòng đánh giá của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực, Quỹ VINIF xét duyệt để tài trợ 16 dự án khoa học công nghệ tuyển chọn từ 170 hồ sơ đăng ký; 300 suất học bổng thạc sĩ, tiến sĩ tuyển chọn từ 824 ứng viên; 90 suất học bổng sau tiến sĩ tuyển chọn từ 229 ứng viên; 8 dự án và 17 sự kiện văn hóa lịch sử từ 65 hồ sơ; và 40 hội nghị, hội thảo, bài giảng đại chúng.

Chia sẻ trong phần phát biểu khai mạc Lễ công bố, GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF cho biết, sau 5 năm liên tiếp triển khai và mở rộng nhiều chương trình tài trợ cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, Quỹ VINIF đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.

Không chỉ về mặt thành tích tài trợ hay các kết quả đạt được từ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, mà còn là sự thay đổi trong tư duy nghiên cứu khoa học, sự hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trên cả nước, sự kết hợp giữa doanh nghiệp với trường, viện để chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, sự tận tâm, chính trực và có trách nhiệm với đất nước của một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ được Quỹ VINIF hỗ trợ.

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) GSTS Trần Hồng Thái ghi nhận những đóng góp ticchs cực của Quỹ VINIF rất phù hợp thực tiễn, và hỗ trợ thêm cho các chương trình, các nguồn lực quốc gia đang rất cần.Kết quả, đã tạo ra 1.000 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế, 500 sản phẩm khoa học công nghệ dưới nhiều dạng, 200 giải thưởng khoa học và công nghệ, hàng trăm sáng chế và giải pháp hữu ích cùng trên 20 doanh nghiệp start-up, spin-off và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Trong số các dự án khoa học công nghệ được nghiệm thu, các dự án thương mại hóa sản phẩm thành công và các dự án chuyển giao công nghệ/thành lập doanh nghiệp start-up, spin-off, lần lượt chiếm tỷ lệ lên tới 21% và 50%..

“Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF đã thực hiện được sứ mệnh của mình, đó là “hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thuộc các Trường đại học, Viện nghiên cứu thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa ra các sản phẩm, các giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”, ông Thái nói.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2030. Trong đó nhấn mạnh, nguồn lực từ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.Chính phủ, các bộ, ngành sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để tạo điểu kiện hơn nữa cho Quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, như Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF tiếp tục hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực cho khoa học công nghệ, và phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân, ông Thái khẳng định.

Điểm lại những kết quả mà Quỹ VINIF đã đạt được, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF chia sẻ, 5 năm với Quỹ VINIF là một sự liên tục theo đuổi mục tiêu của mình và cũng là quá trình với các đột phá về mở rộng các chương trình: Thu hút người tài về đất nước bằng chương trình postdoc, hợp tác thúc đẩy việc lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, đề ra các quy chế khoa học và thực chất trong xét chọn và nghiệm thu các công trình khoa học, tổ chức chuỗi bài giảng đại chúng để lan tỏa kiến thức và ý thức về việc xây dựng và phát triển khoa học và văn hóa.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam chia sẻ, ở vị trí của ông có rất nhiều trăn trở. Đó là làm thế nào để Bệnh viện phát triển theo được định hướng chuyên sâu, đi đầu và dẫn đầu trong công tác khám chữa bệnh nhi khoa tại Việt Nam và kết nối các đồng nghiệp làm công tác nhi khoa ở mọi miền đất nước có được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm việc tốt hơn, có được nhiều phác đồ điều trị đồng thuận hơn.Những trăn trở này đã khiến ông phải tích cực hơn: phân tích thực trạng môi trường khám chữa bệnh nhi khoa, mô hình bệnh tật hiện nay, tìm hiểu kỹ hơn các quy định hiện hành, tìm kiếm các nguồn lực tốt nhất để có thể thực hiện tốt hơn trong nhiều lĩnh vực: chuyên môn khám chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

TS Trần Minh Điền và các đồng nghiệp rất mừng khi Dự án “Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam” đã được phê duyệt tài trợ. Đây là dự án đăng ký thành công nổi bật của Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2023 và ông cảm thấy trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ này.

“Chúng ta cùng nhau cam kết thực hiện tốt nhất các sản phẩm sáng tạo đã đăng ký, mỗi một sản phẩm thực hiện hãy là tâm, là trí để đi vào đời sống kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng và thay đổi cho một cá nhân tốt hơn, một tổ chức mạnh hơn, cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn”, PGS.TS Trần Minh Điển bày tỏ.

Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF được thành lập từ tháng 8/2018, sau 5 năm hoạt động với nhiều Chương trình tài trợ về khoa học công nghệ (KHCN), giáo dục đào tạo (GDĐT), văn hóa lịch sử (VHLS) để hỗ trợ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tài năng trẻ trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam, Đến nay, Quỹ VINIF đã trợ lực cho hơn 3.000 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các bạn trẻ có năng lực và niềm đam mê nghiên cứu khoa học.Khách quan và công tâm, hướng tới những giá trị đích thực là tôn chỉ và cách lựa chọn đối tượng để hỗ trợ và đồng hành, quỹ VinIF đã và đang nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng của các nhà khoa học.

Là người công tác trong ngành văn hóa , trực tiếp hàng ngày làm việc với di tích, chị Lê Mai Phương, nhân viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình thuộc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế - 1 trong những tác giả có đề tài nghiên cứu được Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF tài trợ rất xúc động và vui mừng.

Làm việc ở trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, nơi hiện lưu giữ hai di sản văn hoá thế giới đó là quần thể di tích Cố đô Huế và các loại hình âm nhạc truyền thống Cung đình Huế, trong di tích đó có một nhà hát, chuyên nghiên cứu, sưu tầm và phục hồi tất cả di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có nghệ thuật tuồng. Theo lời chị Phương: Như tình hình chung của cả nước, nghệ thuật tuổng đang dần dần mai một vì thiếu vắng khán giả. Trong đó nghệ thuật vẽ tuồng-một trong những yếu tố tạo nên bản sắc cũng như tạo nên giá trị nghệ thuật tuồng cũng theo đó mà dần dần mất đi. Trước bối cảnh đó, người làm công tác văn hóa như chị luôn trăn trở khao khát muốn làm điều gì đó khôi phục lại nghệ thuật này để lưu truyền cho các thế hệ sau. Chính vì vậy chị Mai Phương đã quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu về bảo tồn nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng. Chị rất bất ngờ khi nghiên cứu của mình lại được quỹ VINIF biết đến và là 1 trong 8 nghiên cứu trong lĩnh vực Văn hóa được lựa chọn cấp kinh phí để tiếp tục phát triển đề tài. Hiện nay tất cả các loại hình nghệ thuật, cả các di sản văn hoá phi vật thể đều được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhưng rất nhiều loại hình văn hóa phi vật thể và vật thể đang ở trong tình trạng là cần phải được bảo vệ. "Trong khi kinh phí của nhà nước không đủ để chi trả, tôi mong muốn không chỉ mỗi Nhà nước mà các tổ chức XH khác cùng quan tâm để bảo vệ vì đây là giá trị chung không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nhân loại", chị Mai Phương chia sẻ.

Em Trần Thị Trà My, sinh viên khoa Hoá học, trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) là Á khoa ngành hóa dược năm 2023, với những kết quả nghiên cứu khoa học của mình trong quá trình học, Trà My đã vinh dự được nhận học bổng cử VINIF để học thạc sỹ và theo đuổi ước mơ của mình. Phương cho biết, với sự hỗ trợ này em sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu để cống hiến cho nền khoa học nước nhà.

Chắp cánh cho những khát vọng nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học và những bạn trẻ để học có thêm động lực và điều kiện vật chất để đi tiếp con đường khoa học, tạo ra những giá trị phục vụ cộng đồng là cái đích của Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF.

TS Phan Bình Nguyên, Giảng viên Khoa Cơ khí, trường ĐH Thủy lợi chủ đề tài Hệ thống quản lý nhiệt dành cho pin, thiết bị điện tử và các thiết bị công suất khác của xe điện cho biết: Đây là một chương trình rất bổ ích và hữu ích cho các nhà nghiên cứu trẻ, vì chương trình này cũng tạo điều kiện tài trợ để các nghiên cứu khoa học được tiếp cận, được nghiên cứu đưa vào thực tế. Nó cũng là một nguồn động lực rất là lớn để giúp cho mình có thể tiếp tục theo con đường nghiên cứu ngay cả sau khi đã hoàn thành chương trình tiến sĩ ở nước ngoài.

Không chỉ quan tâm đến những lĩnh vực nghiên cứu mang tính thời thượng, Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF quan tâm đến các lĩnh vực xã hội, trong đó có công nghệ, y học và văn hóa. Đề tài "Bảo tồn và phát huy giá trị mái đá cổ phía bắc" là cách giải bài toán nhằm bảo tồn, phát huy và phục vụ tốt các hoạt động phát triển du lịch. Hay đề tài nghiên cứu của nhóm bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “Thiết lập khoảng tham chiếu cho các dấu ấn sinh học trong máu ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam”… là những đề tài, dự án thiết thực, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra cần có phương án giải quyết. Bên cạnh đó, hàng trăm suất học bổng sau ĐH cho các nhà khoa học trẻ giúp họ đi tiếp con đường nghiên cứu khoa học, đưa trí tuệ giải quyết các vấn đề của nhân loại toàn cầu đã khiến VINIF những thực sự là bệ phóng của các nhà khoa học.

PGS TS Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN - ĐHQG HN đơn vị có nhiều đề tài khoa học, nhiều sinh viên được nhận tài trợ của Quỹ cho rằng: Các giải thưởng và tài trợ của quỹ VINIF là một nguồn động viên vô cùng lớn cho các nhà khoa học và cơ sở chuyên về lĩnh vực nghiên cứu như trường KHTN thì có thể nói các nguồn tài trợ tương đối lớn so với các nguồn khác, thứ hai là cơ chế tài chính khá là thông thoáng và minh bạch.

Khách quan, minh bạch là mục tiêu mà ViniF đưa ra khi lựa chọn dự án, đề tài, khảo sát sàng lọc hồ sơ tài trợ. Chính vì vậy, trong số hàng trăm đề tài nghiên cứu, hàng nghìn suất học bổng tài trợ của Quỹ không chỉ là món quà vật chất có giá trị giải quyết những khó khăn cho công tác nghiên cứu mà còn góp phần chuẩn hóa việc lựa chọn đề tài nghiên cứu để cấp kinh phí tài trợ. Tính khách quan, minh bạch ấy cũng là động lực, là niềm kiêu hãnh cho các tác giả, nhóm tác giả của các đề tài nghiên cứu, là niềm tự hào gắn với trách nhiệm của các nhà khoa học đối với đơn vị tài trợ và đối với cộng đồng xã hội.