Giành huy chương khi chỉ có 2 tháng luyện tập

Là một trong 2 thí sinh mang huy chương Đồng về cho Đội tuyển Olympic Kinh tế Việt Nam ngay trong lần đầu tiên tham gia đấu trường quốc tế nhưng Đỗ Hoàng Minh, cựu HS Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đón nhận tin chiến thắng trong một tình huống khá trớ trêu.

“Trên live stream thông báo giải thưởng của ban tổ chức không xuất hiện tên nên em khá buồn, bởi vì trước đó em rất tự tin vào khả năng của mình. Kiểm tra lại điểm mà ban tổ chức gửi danh sách về và phát hiện mình không có điểm phần tự luận, em khiếu nại lên ban tổ chức, nửa đêm hôm đấy mới chính thức xác nhận có giải, lúc đấy vui và cảm thấy tâm lý được giải tỏa”.

Nghe chia sẻ của Đỗ Hoàng Minh tại đây:

Olympic Kinh tế Quốc tế (IEO) là kỳ thi thường niên trong lĩnh vực Kinh tế và Tài chính dành cho học sinh trung học. Kỳ thi do GS. Eric Maskin - người đoạt giải Nobel về Kinh tế năm 2007 làm Chủ tịch. Năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam có học sinh tham gia kỳ thi này.

Chinh chiến tại Kỳ thi Olympic Kinh tế quốc tế, Hoàng Minh và các bạn bắt buộc phải vượt qua 3 phần thi Kinh tế học, Hiểu biết về Tài chính và Ý tưởng Kinh doanh.

Phần thi đồng đội "Ý tưởng kinh doanh" là thử thách với đội tuyển Việt Nam nhưng cũng để lại cho Minh nhiều ấn tượng nhất. Đề bài yêu cầu các thí sinh phải lên kế hoạch phát triển một công ty cho thị trường xe điện ở Latvia dù không sống ở Latvia, không biết tình hình xe điện, thị trường ở đó ra sao... Các đội thi phải nghĩ chiến thuật kinh doanh trong vòng hơn 20h.

“Trong quá trình giải quyết đề thi chúng em chia việc cho nhau nghiên cứu thị trường Latvia, tìm hiểu về quá trình sản xuất xe điện và giá cả thế nào, Chính phủ Latvia có cơ sở hạ tầng, chính sách gì để thúc đẩy thị trường xe điện Latvia, tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh như Tesla hay các ông lớn khác....”. Hoàng Minh là người thuyết trình chiến thuật kinh doanh.

Ở phần thi Tài chính, Việt Nam xếp thứ 2 toàn thế giới. Kết quả này theo Minh là xứng đáng với công sức luyện tập của đội tuyển. “Quá trình ôn luyện, em làm quen với 5 bạn trong đội thi nước mình, hay nhất là chúng em nghĩ chiến thuật cho trò chơi tài chính, giả lập đưa ra quyết định về tài chính để kiếm được nhiều tiền và có cuộc sống tốt nhất trong 30 năm cuộc đời. Ở phần này, chúng em có nhiều thời gian lên kế hoạch, chiến thuật cho trò chơi và đã thành công”.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho đội tuyển Olympic Kinh tế Việt Nam chỉ có 2 tháng để làm quen với môn học mới và 1 tháng tập trung đội tuyển. Nhưng vốn là học sinh chuyên Anh, lại từng tham gia CLB Robot của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, Đỗ Hoàng Minh đã lật ngược tình thế.

“Ngay trong kỳ thi kinh tế này, phần thi tự luận không chỉ làm toán mà còn phải đưa ra lập luận và lý lẽ bằng tiếng Anh, khi đó khả năng viết luận tiếng Anh của em khá hữu dụng”.

Cũng nhờ học chuyên Anh nên những kỹ năng phân tích biểu đồ, các thuật ngữ miêu tả khái niệm kinh tế em đã được làm quen từ trước. Điều này đã tạo ra lợi thế cho Đỗ Hoàng Minh khi bước vào cuộc thi.

Kiến thức kinh tế có được nhờ sách, robot và cả trò chơi điện tử

Khi vào lớp 10, Minh phân vân giữa lựa chọn học chuyên Anh hay chuyên Toán? Dù quyết định học chuyên Anh nhưng với niềm đam mê với Toán học Minh vẫn giữ thành tích “khủng” môn Toán. Em cũng là thành viên của CLB Robot Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.

“Tham gia CLB Robot giúp em vận dụng kiến thức toán học triệt để. Khi học, chúng ta thường giải quyết vấn đề trong điều kiện lý tưởng nhưng ngoài thực tiễn sẽ có những sai số. Khi tham gia vào CLB robot em đã trải nghiệm những yếu tố đó, học thêm những kiến thức toán như giải tích, đại số tuyến tính sớm hơn chương trình. Kỹ năng toán học em học từ đó có thể chuyển hóa được cho kinh tế vì một số vấn đề như tối ưu lãi, đưa ra quyết định cần sử dụng khái niệm trong giải tích”, Hoàng Minh cho hay.

Dù ví trò chơi điện tử là "món ăn nhanh" không tốt cho sức khỏe nhưng Minh thừa nhận đôi lúc em cũng tận hưởng nó. Vô tình, những chiến thuật trong các trò chơi đã phần nào giúp em vượt qua các thử thách trong Kỳ thi Olympic Kinh tế quốc tế.

“Em học được cách kiểm soát nguồn lực tốt vì đã được làm quen, mình có ngần này điểm, ngần này thời gian trong trò chơi, mình phải dành nhiều nhất có thể để thắng. Kỹ năng đó tự động chuyển qua cho tài chính, kỹ năng kiểm soát nguồn lực là kỹ năng quan trọng mà chơi trò chơi điện tử liên quan chiến thuật sẽ giúp được rất nhiều”.

Sách là gia tài đồ sộ trong căn phòng của Đỗ Hoàng Minh, trong đó sách tiếng Anh chiếm phần lớn. Ông Đỗ Hoàng Sơn, bố của Minh, người làm trong lĩnh vực xuất bản cho biết những kiến thức kinh tế của con trai là “do bạn ấy đọc toàn sách ế, sách rất ít người mua của bố, trong đó có 6 quyển về dạy kinh tế trước đây. Là dân chuyên Anh nhưng Minh học toán vì thích và để giải quyết các vấn đề lập trình cho robot.

Trước khi giành Huy chương Đồng Olympic Kinh tế quốc tế, cựu HS trường Ams đạt giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh. Chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình, Minh cho biết mình không học theo kiểu nhồi nhét ngữ pháp mà thích nghe để học, nam sinh thỉnh thoảng vẫn bị mẹ “mắng” vì thói quen đeo tai nghe quá nhiều khi học ngoại ngữ ở nhà.

“Em nghe và đọc rất nhiều đến nỗi mẹ em bảo “con bỏ cái tai nghe ra”, em nghe video mọi người nói tiếng Anh rất nhiều, em nghĩ rằng không nhất thiết làm như vậy để học tiếng Anh giỏi nhưng em đánh giá khả năng nghe và nói của em phụ thuộc vào việc em đã tiếp xúc với tiếng Anh từ bé qua TV, Youtube và cả sách tiếng tiếng Anh”.

Mong muốn đóng góp cho giáo dục Việt Nam

Tốt nghiệp THPT, không giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa là ngay lập tức vào ĐH hay đi du học, Hoàng Minh dành 1 năm để hiểu về bản thân và có sự chuẩn bị kỹ càng nhất trước khi thực hiện dự định đăng ký vào ngành Khoa học máy tính của một trường ĐH ở Mỹ.

Còn hiện tại, chàng trai 18 tuổi vẫn đang say sưa với công việc trợ giảng online cho tổ chức STEM for Vietnam – một tổ chức dạy STEM và nghệ thuật cho học sinh.

“Hồi bằng tuổi các em, em cũng có hứng thú với lập trình, nhưng chưa có nguồn lực nên tự tìm hiểu rất nhiều. Mặc dù kỹ năng tự tìm hiểu rất tốt song em nhận thấy việc không có người hướng dẫn và tự vật lộn tìm kiến thức khi mới bắt đầu lập trình cản trở nhiều đến quá trình học. Vì vậy, việc có thể truyền đạt kiến thức mình có cho thế hệ sau khiến em cảm thấy vui và tự hào”.

Em muốn là ai sau 15-20 năm nữa? Minh cười vui vẻ trước câu hỏi này. “Đó là chuyện gấp đôi số tuổi hiện tại của em đấy. Nhưng dù là ai thì em vẫn muốn đóng góp sức mình cho nền giáo dục Việt Nam".

Em thích ngành Khoa học máy tính và cũng thích công việc nghiên cứu. Tương lai, em muốn đóng góp cho các dự án ở trường Ams vì nhiều dự án của trường chẳng hạn như CLB Robot mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em.

“Em mong sau này có tiền sẽ đóng góp cho cộng đồng, cho nền giáo dục Việt Nam và chia sẻ kiến thức kinh tế và lập trình cho các bạn nhỏ”, Minh chia sẻ về mục tiêu của mình./.