Ngày 08/12/2020, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Ngoại thương đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Tổ chức giảng dạy ngoại ngữ trong các chương trình liên kết đào tạo quốc tế”.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban Đề án ngoại ngữ quốc gia – Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nước ta đang có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo quốc tế, với 352 chương trình đang hoạt động theo các chuyên ngành đào tạo khác nhau, cũng như dưới những hình thức khác nhau.

Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra một môi trường học tập mang tầm quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ và khả năng chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế về giáo dục - đào tạo nước ta trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một lượng lớn du học sinh Việt Nam không thể ra nước ngoài học tập đang có nhu cầu học tập trong các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong nước đã buộc các trường phải chú ý nhiều hơn, bên cạnh công tác quảng bá và truyền thông, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và ngoại ngữ nói riêng, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người học trong khuôn khổ các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên chưa đồng đều

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, theo quy định từ các trường đối tác nước ngoài cũng như Nghị định 86 của Chính phủ về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nước ngoài, sinh viên phải đạt trình độ 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương với mức độ chứng chỉ quốc tế Ielts 5.5 mới có thể tham gia vào các chương trình do giảng viên nước ngoài giảng dạy, đồng thời được nhận bằng do nước ngoài cấp.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Kiều Trang, Viện trưởng Viện hợp tác quốc tế, Trường ĐH Thương Mại, thách thức trong việc triển khai các chương trình đào tạo, liên kết quốc tế hiện nay là trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên chưa thể đáp ứng được ngay yêu cầu các đối tác. “Trình độ ngoại ngữ của sinh viên chưa đều, giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài”.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy các chương trình liên kết quốc tế thì nâng cao chất lượng ngoại ngữ là yếu tố bắt buộc. Theo bà Nguyễn Mai Hữu, nhiều cơ sở giáo dục ĐH triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện nay dành riêng 1-2 năm đầu tiên cho việc đào tạo ngoại ngữ. Đến năm thứ 4 sinh viên được rà soát lại xem đã đạt được năng lực ngoại ngữ bậc 4 hay chưa. “Hầu hết các trường có chương trình đào tạo liên kết quốc tế tập trung chuyên sâu về năng lực ngoại ngữ, giúp sinh viên học tập trung 1 nội dung trong thời gian nhất định để đạt được kết quả, sau đó mới học các môn học khác bằng ngoại ngữ”.

Trường ĐH Thương mại đang giảng dạy 3 ngoại ngữ chính là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. PGS.TS Trần Kiều Trang cho biết, để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả sinh viên và giảng viên nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

“Giảng viên thường xuyên được tham gia lớp bồi dưỡng, lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tăng cường các trang thiết bị, phòng học, tài liệu học tập trong các chương trình liên kết đào tạo quốc tế”.

Các chương trình đào tạo liên kết quốc tế thay đổi linh hoạt trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid -19, nhiều du học sinh không thể tiếp tục học tập ở nước ngoài, do vậy xu hướng “du học tại chỗ”, lựa chọn các chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp bằng “bùng nổ” trong mùa tuyển sinh năm nay.

PGS.TS Trần Kiều Trang, Viện trưởng Viện hợp tác quốc tế, Trường ĐH Thương mại khẳng định đây là lợi thế của nhà trường, bởi hiện nay Trường ĐH Thương mại đang nhập khẩu nhiều chương trình đào tạo nước ngoài.

“Nhờ các thiết bị học tập hiện đại, trong bối cảnh dịch Covid -19, các giờ học vẫn, các buổi bảo vệ luận văn, phỏng vấn, gặp gỡ giảng viên nước ngoài vẫn đảm bảo đúng tiến độ thông qua hình thức trực tuyến”.

PGS.TS Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức học online đều phải được sự cho phép của phía đối tác. “Với các trường đối tác, việc học online không có gì xa lạ. Họ phối hợp với chúng tôi tổ chức hệ thống dữ liệu bài giảng, tài liệu học tập, phối hợp với giảng viên trong giảng dạy. Việc cung cấp, trao đổi thông tin giữa 2 trường nhanh chóng, thuận lợi”.

Hiện nay, Trường ĐH Ngoại Thương có 15 chương trình đào tạo liên kết quốc tế với những chuyên ngành khác nhau. Trong đó, nhà trường hướng tới những chuyên ngành mới, đáp ứng nhu cầu thị trường như quản trị khách sạn quốc tế, truyền thông.

Một trong những khó khăn khi triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế trong thời dịch Covid-19, theo PGS.TS Hồ Thúy Ngọc đó là có nhiều mô hình hợp tác, buộc sinh viên phải ra nước ngoài mới lấy được bằng.

Tại ĐH Ngoại Thương, những chương trình liên kết với Mỹ, Canada, Đài Loan, sinh viên buộc phải học ở nước ngoài tối thiểu 2 năm. “Bối cảnh Covid-19, sinh viên đi như thế nào, học ra làm sao, an toàn như thế nào trong quá trình di chuyển sang các nước?

“Mặc dù thời gian qua, trường ĐH Ngoại Thương đã thành công trong việc gửi sinh viên sang Hàn Quốc, Singapore, Anh, Canada, Mỹ nhưng khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tình huống xấu nhất là các em không thể ra nước ngoài học tập do đóng cửa biên giới, chắc chắn nhà trường sẽ có hình thức đào tạo thay đổi phù hợp để các em hoàn thành việc học, lấy được bằng”, bà Ngọc khẳng định. Tại ĐH Ngoại Thương nếu không đi được các em vẫn có thể chuyển sang ngành khác học toàn phần tại Việt Nam và lấy bằng của đối tác tại Việt Nam.