Trong 2 ngày 14 và 15/9, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức hội thảo quốc tế “Nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh vì một ASEAN thịnh vượng”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến; bao gồm các phiên họp toàn thể, các phiên song song, thuyết trình, áp phích và thảo luận nhóm.

Đây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, giáo viên, nhà nghiên cứu, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan cùng nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia cùng thảo luận, chia sẻ về thực trạng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng nhau thảo luận về sự đa dạng về hình thức giảng dạy tiếng Anh; cùng trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả thực tiễn. Mục đích của Hội thảo là thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Anh trong khu vực ASEAN vì Tiếng Anh là ngôn ngữ chung, đặc biệt trong bối cảnh dịch chuyển của các nước ASEAN và sự phát triển của khu vực, hướng đến một ASEAN thịnh vượng chung ."

Cũng theo GS Lê Anh Vinh, "vai trò người thầy bây giờ rất khác trước đây. Trước đây người học chủ yếu dựa vào bài giảng của các thầy cô và sách giáo khoa, ngày nay người học có thể học tiếng Anh qua app với sự hỗ trợ của AI, giúp học sinh phát âm đúng và sửa được cả những bài viết, bài luận. Thế nhưng vai trò của người thầy luôn cần thiết ở chỗ, giúp các em định hướng và gợi mở để các em yêu thích và hiều được ý nghĩa của việc học Tiếng Anh "..

Lần đầu tiên được tham gia Hội thảo quốc tế, cô giáo Nguyễn Thu Hương, giáo viên trường tiểu học Thiên Tân (Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ: "Hội thảo rất hữu ích với giáo viên, đặc biệt là giáo viên phổ thông trong việc nâng cao trình độ chuyên môn. Tham gia hội thảo quốc tế, được chia sẻ những kinh nghiệm của cá nhân, được nghe báo cáo của các chuyên gia, những người có nhiều nghiên cứu khoa học về lĩnh vực giáo dục nói chung, về giảng dạy tiếng Anh nói riêng sẽ giúp cho các thầy cô mở rộng kiến thức. Đồng thời, tham gia thuyết trình cũng là cơ hội để giáo viên thực hành kỹ năng mục tiêu của mình.

Theo cô Hương, hiện nay dù công nghệ thông tin tác động rất lớn đến việc dạy và học tiếng Anh nhưng vị trí của một giáo viên cấp tiểu học vẫn rất cần thiết với học sinh. Có những kỹ năng tương tác mà chỉ giáo viên trên lớp mới có thể hỗ trợ được học sinh, bên cạnh đó là giúp cho các em tự tin và phát triển một số năng lực khác về ngôn ngữ. Sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh cùng tốt lên.

Với kinh nghiệm 15 năm trực tiếp dạy tiếng Anh cho học sinh bậc THPT, cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên trường THPT Bình Dương (tỉnh Bình Định) chia sẻ, ở trường THPT Bình Dương, việc học tiếng Anh của học sinh còn gặp khó khăn, hạn chế. Bản thân thầy cô rất cố gắng cải thiện chuyên môn, tham gia thêm các khóa học online mở rộng kiến thức, tham gia hội thảo và viết sáng kiến cải thiện chất lượng. Tuy nhiên việc tham gia hội thảo quốc tế lần này giúp cô học hỏi thêm những phương pháp hay để khơi gợi niềm đam mê tiếng Anh cho học sinh.

Thầy Triệu Văn Dũng, giáo viên dạy Tiếng Anh ở trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, có thâm niên 11 năm dạy tiếng Anh, cho biết: Do đặc thù của trường nghề, đào tạo cả 2 hệ trung cấp và cao đẳng nên năng lực của học sinh không đồng đều. Tài liệu giáo trình do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đưa ra mức độ yêu cầu không cao nên việc nâng cao trình độ cho học sinh rất khó khăn. Bên cạnh đó, giáo viên không có cơ hội trau đồi kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên theo thầy Dũng: "Tiếng Anh giúp cho học sinh trường nghề có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập tốt. Trong quá trình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà trường tạo động lực cho học sinh học tập, trong đó có việc học Tiếng Anh. Với các mối liên kết với Chính phủ Pháp, Úc, Đức, nhà trường đã tổ chức giảng dạy, liên kết với các Trung tâm dạy Tiếng Anh, cấp chứng chỉ B1 cho học sinh. Sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của các em rất tốt, thông qua đó làm động lực cho các em khác học tốt tiếng Anh.

Quá trình 21 năm công tác giảng dạy tiếng Anh, thầy Lâm Sơn Hải, giáo viên dạy tiếng Anh ở trường THPT Điện Hải, huyện Đông Hải,tỉnh Bạc Liêu, nhận thấy rõ sự khác biệt: trước đây học sinh học tiếng Anh để thi vào các trường đại học, ngày nay xã hội phát triển, học sinh chủ động học Tiếng Anh để có thể hỗ trợ cho công việc nên trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần thay đổi, nâng cao để giúp học sinh phát triển. Ý thức được những thách thức và yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh khi CNTT phát triển mạnh, người thầy cần đổi mới phương pháp. Thầy Hải đang tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ với đề tài "Đổi mới phương pháp giảng dạy Tiếng Anh trong trường phổ thông".

Trường tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm, Ba Đình, Hà Nội là cơ sở giáo dục tiên phong đi đầu trong việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh khá hiệu quả. Cô hiệu trưởng Lê Thị Mai Hương cho biết: Học sinh lớp 1 lớp 2 của trường đã được làm quen với tiếng Anh. Nhà trường triển khai đồng thời nhiều biện pháp: Giáo viên được tham gia nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, tiếp cận phương pháp dạy học mới, khuyến khích tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục có liên quan đến tiếng Anh. Bên cạnh đó nhà trường tổ chức các sân chơi, các cuộc thi cho các em học sinh, tạo điều kiện để nhiều học sinh được tham gia, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối thường xuyên, có chương trình trao đổi học sinh với một số trường ở nước ngoài qua hình thức trực tiếp và online. Việc duy trì các dự án với học sinh Israel, Malaysia nhằm giúp học sinh nhà trường thường xuyên có cơ hội trao đổi kỹ năng Tiếng Anh. Ngoài ra các thầy cô luôn sẵn sàng tham gia các dự án về Tiếng Anh để giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm giao lưu nhiều nhất.

Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu sẽ nghe những tham luận, những báo cáo từ thực tiễn để chia sẻ kinh nghiệm, dành thời gian để thảo luận về các biện pháp giải quyết các thách thức và cơ hội trong dạy và học tiếng Anh khu vực ASEAN; xác định các chiến lược để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh thời gian tới.