Ngày 19/8 tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet- ICT) và Meta tổ chức Hội thảo Giáo dục kỹ năng số trong nhà trường phổ thông Việt Nam - Công bố báo cáo tác động Chương trình Tư duy thời đại số.
Tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 70% người Việt Nam sử dụng internet, 67% người sử dụng mạng xã hội. Việt Nam cũng nằm trong top 10 của thế giới về sử dụng mạng xã hội.
Một con số thống kê khác cũng cho thấy, cứ 10 người sử dụng Internet ở Việt Nam có 3 người là thanh thiếu niên dưới 18 tuổi và đây chính là vấn đề cần phải quan tâm.
“Như vậy, mỗi người hay mỗi học sinh đều có cả cuộc sống thực và cuộc sống ảo. Vì vậy cần có sự chuẩn bị để hướng dẫn sử dụng cũng như bảo vệ các em trên môi trường internet một cách an toàn, hiệu quả”, GS.TS Lê Anh Vinh nói.
Tại Hội thảo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu bộ tài liệu hướng “Dạy học kỹ năng số và an toàn Internet dành cho giáo viên”; Giới thiệu chương trình tập huấn giáo viên sử dụng bộ tài liệu; Công bố báo cáo đánh giá tác động của chương trình đối với việc nâng cao nhận thức về kỹ năng, số về an toàn số được thực hiện bởi Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).
Bắt đầu từ năm học mới 2022 - 2023 (tháng 9/2022), cuốn tài liệu này sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi trong công tác tập huấn giáo viên.
Theo Báo cáo đánh giá tác động, 99,8% giáo viên cho rằng nội dung chương trình rất cần thiết và phù hợp để giảng dạy cho học sinh, 79% học sinh đồng ý nội dung lớp học Tư duy thời đại số rất hữu ích. Kết quả khảo sát cũng ghi nhận rõ nét sự thay đổi tích cực về kiến thức, kỹ năng và hành vi của các em học sinh khi tham gia môi trường trực tuyến
“Chuyển đổi số sẽ giúp cho học sinh có cơ hội được học tập tốt hơn nhưng đồng thời nếu không làm tốt sẽ nới rộng khoảng cách về bất bình đẳng, gia tăng sự khó khăn đối với học sinh. Nâng cao kỹ năng số không chỉ là những vấn đề cấp thiết giúp học sinh có thể sống trong một môi trường số an toàn, hiệu quả mà còn là chìa khóa giúp nâng cao chất lượng giáo dục, thu ngắn khoảng cách về giáo dục và không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2022, chương trình Tư duy thời đại số do Meta phối hợp với Vietnet ICT đã đào tạo trực tiếp hơn 3.500 giáo viên các trường THCS, THPT thuộc địa bàn 39 tỉnh/thành phố, đội ngũ giáo viên cốt cán đã mở rộng và tiếp tục tập huấn cho hơn 20.800 giáo viên khác. Tổng cộng hơn 580.000 học sinh đã được trang bị các kiến thức về Kỹ năng số và An toàn trên mạng nhờ việc trao quyền cho giáo viên tại địa phương và các đại sứ sinh viên của chương trình.
Ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong thời gian qua Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến việc trang bị các kỹ năng số cho học sinh. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhiều nội dung liên quan đến kỹ năng số cũng đã được đề cập. Ông Trí đánh giá cao sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ hỗ trợ Bộ GD-ĐT trong việc tập huấn, trang bị kỹ năng số cho giáo viên và học sinh.
“Nghiên cứu, tham khảo khung năng lực số của các nước trên thế giới để từ đó thấy được việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho học sinh đã đủ chưa? Còn thiếu những nội dung gì? Và đặc biệt những nhóm thanh thiếu niên không trong nhà trường thì cần phải làm gì để trang bị cho các em?”, ông Tạ Ngọc Trí nhấn mạnh.
Ông Tạ Ngọc Trí cũng cho rằng cần có sự phối hợp nhiều hơn nữa giữa nhà trường, gia đình và xã hội để luôn bảo đảm các em học sinh có một môi trường trực tuyến an toàn và lành mạnh.