Kiểm tra đánh giá theo Thông tư 22, những nảy sinh từ thực tế

Giống như hầu hết các trường phổ thông trên cả nước, từ trung tuần tháng 4, trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ, Hà Nội hoàn thiện công việc kiểm tra, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị kết thúc năm học cho học sinh toàn trường. Chỉ trừ khối 9 đang theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vẫn đánh giá theo thông tư 58/2011/TT-BGDĐT. Còn khối 6,7,8 đánh giá theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Từ quan sát 3 khối học, cô Vũ Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết theo cách đánh giá này, số học sinh xếp loại Tốt-Khá trong thang 4 mức đánh giá có nhiều hơn so với trước. Nguyên nhân ở việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 22 đã có những thay đổi tích cực khi không còn phân biệt môn chính, môn phụ và phần nào đánh giá được năng lực học sinh trong suốt quá trình học tập, rèn luyện. Toán-Văn-Ngoại Ngữ với nhiều học sinh khó đạt điểm 8,0, trong khi hiện nay, chỉ cần 6 môn đạt 8,0 và không môn nào dưới 6,5, học sinh đã được xếp hạng Tốt trong thang đánh giá 4 hạng của Thông tư 22.

“So sánh hai cách đánh giá sẽ là khập khiễng khi tiêu chí khác nhau. Đánh giá theo cách của Thông tư 22 sẽ toàn diện hơn, khuyến khích các con không có năng lực ở môn này sẽ phát huy ở môn học khác, thoáng hơn trong cách đánh giá", cô Hạnh Nguyên nhận xét.

Tuy nhiên, theo cô Hạnh Nguyên có bất cập ở việc ra đề thi. Quan điểm chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là hướng vào giáo dục toàn diện, đánh giá năng lực và phẩm chất. Tuy nhiên, dù đã được tập huấn cách đánh giá phẩm chất, năng lực cho học sinh, giáo viên vẫn chưa thể thay đổi hoàn toàn nên vẫn bị nghiêng về đánh giá kiến thức.

Năm sau, lứa học sinh đầu tiên bậc THCS mới tham gia kỳ thi tuyển sinh vào 10. Các giáo viên cũng băn khoăn liệu ngành giáo dục có thể xây dựng phương án thi cho phép học sinh được lựa chọn theo năng lực, sở trường như định hướng của Chương trình GD phổ thông 2018 hay cuối cùng vẫn phải gò về chung một khung cho tất cả học sinh? Một câu hỏi khó và mông lung cho nhà quản lý giáo dục, thầy cô và kể cả phụ huynh lẫn học sinh.

Cô Nga Blanchard, chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực du học đồng thời làm ở vị trí kết nối du học sinh Việt Nam-New Zealand, trong lần về nước tư vấn du học cho học sinh cuối cấp đợt hè 2024 đã rất bất ngờ khi tư vấn cho học sinh lớp 10-11 chuẩn bị cho du học khi học bạ của các em không có điểm trung bình hay còn gọi là GPA như khối lớp 12 cũng của năm nay và những năm trước đó.

“Cũng là điều bất ngờ với các trường ở New Zealand tuyển du học sinh Việt Nam. Hầu hết các quốc gia học sinh việt Nam du học đều yêu cầu GPA để đáp ứng ví dụ như để vào học ngành này, trường này cần mức nào. Có thể các trường vẫn chấp nhận nhưng công việc sẽ nhiều lên và phức tạp hơn như kiểu nhìn vào bảng điểm để tự xây dựng mức trung bình. Tuy nhiên nhiều trường sẽ khó để mình lý giải cho họ hiểu khi các nước khác đều có GPA”, cô Nga phân tích.

Trước một chính sách mới hoàn toàn trong kiểm tra đánh giá học sinh, cô Nga liên hệ về các trường đại học ở New Zealand để tìm hướng giải quyết. Mặt khác, với mỗi hồ sơ du học, cô Nga và các đồng nghiệp phụ trách công tác tuyển sinh tư vấn du học sẽ buộc phải ngồi tự chuyển đổi học bạ của học sinh sang điểm GPA tương ứng. Theo cách này, học sinh và chuyên gia tư vấn du học sẽ phải vất vả hơn khi không thể nhìn tổng thể với điểm GPA này sẽ có khả năng vào được những trường đại học nào và buộc phải căn cứ vào từng trường để xây dựng bảng tổng kết riêng. Đến thời điểm này vẫn chưa có phản hồi chính thức việc có hay không chấp nhận phương án này từ các trường đại học ở New Zeland.

Xét từ góc độ khoa học, việc đánh giá học sinh theo năng lực, phẩm chất khá định tính, đòi hỏi trình độ, sự sát sao, cái tâm của giáo viên và quan trọng nhất chính ở việc thay đổi thi cử mới hi vọng những đổi mới từ Thông tư 22 thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, những vấn đề nảy sinh từ cách đánh giá mới với học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhu cầu đi du học cũng cần được quan tâm và hướng dẫn kịp thời. Bởi lẽ, du học cũng được xem như xu hướng hội nhập trong giáo dục cần được quan tâm và tạo điều kiện nhằm đa dạng hóa nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh.

Thông tư chỉ là công cụ, thầy cô vẫn giữ vai trò quyết định chất lượng của kiểm tra, đánh giá học sinh

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, ban điều hành Mạng lưới Quản lý giáo dục EdulightenUp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục khẳng định hai Thông tư mới, một cho cấp tiểu học và một cho cấp phổ thông đều nhằm thúc đẩy đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh bằng việc thay đổi từ chỉ tổ chức đánh giá định kỳ sang đánh giá thường xuyên lẫn định kỳ nhằm phát triển toàn diện học sinh. Ở đây thể hiện tính nhân văn khi đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện của học sinh nhằm điều chỉnh phương thức giáo dục. Cách đánh giá theo Thông tư 22 theo bà Huyền phù hợp với đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Việc có những nơi gần 100% học sinh đạt mức cao nhất trong thang đánh giá của thông tư 22 bậc phổ thông gồm Tốt và Khá cũng không phải mới. Con lớn nhà tôi năm nay 35 tuổi, học tiểu học cách đây đã hơn hai chục năm đã có hiện tượng này rồi. Cái này gọi là bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Căn nguyên không phải việc đánh giá theo thông tư nào. Thông tư không đánh giá được mà là con người, cụ thể là thầy cô của chúng ta đánh giá. Nếu không bỏ được bệnh thành tích thì sửa bao nhiêu thông tư kết quả vẫn vậy. Quan trọng phải ở việc nghiêm túc trong quá trình thực hiện thông tư”, bà Huyền khẳng định.

Trước kết quả tỷ lệ học sinh đạt Tốt-Khá, 2 thang đầu tiên trong thang đánh giá tăng vọt ở nhiều trường phổ thông khi đánh giá theo Thông tư 22, bà Nguyễn Thúy Hồng, nguyên Cục phó Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ giáo dục và Đào tạo khẳng định công cụ đánh giá không có lỗi. Nguyên nhân ở người sử dụng công cụ này.

“Ở đây cần nhắc tới tính khách quan trong đánh giá, trong vận dụng ở mỗi nhà trường. Tỷ lệ học sinh Tốt-Khá cao, thậm chí ở mức gần như tuyệt đối, chúng ta có thể nghĩ theo hai hướng: Một là học sinh học tốt thật sự và cách đánh giá này phù hợp. Hai là thầy cô ưu ái, khuyến khích học sinh và cho mức đánh giá”, bà Hồng phân tích.

Vấn đề kết quả trung bình (GPA) nhắm đáp ứng nhu cầu du học của học sinh khi cách đánh giá theo Thông tư 22 không chia trung bình môn theo bà Hồng chắc chắn khi thực tế phát sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tốt nhất cho học sinh.

Về vấn đề này, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng khi du học, học sinh Việt Nam phải tuân theo yêu cầu, quy định của nước sở tại. Quy định của Việt Nam trong trường hợp chưa phù hợp thông lệ quốc tế cũng sẽ dần được điều chỉnh bởi chúng ta đang hội nhập quốc tế, đặc biệt về giáo dục.

Về cơ bản bà Thanh Huyền cho rằng giáo dục đang trong giai đoạn chuyển đổi nên việc điều chỉnh kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 22 cần được thực hiện dựa trên khảo sát, đánh giá chính những thầy cô đang thực hiện công việc này ở các trường phổ thông. Các giáo viên hiện nay ngoài việc làm quen với phương pháp, nội dung dạy học mới, chương trình mới buộc phải làm quen với kiểm tra, đánh giá còn khá mơ hồ. PGS.TS Đặng Thanh Huyền khẳng định cần có những nghiên cứu thật sự khoa học, khách quan để từng bước hoàn thiện công tác kiểm tra, đánh giá phù hợp những đổi mới trong giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Ở phía trường phổ thông, bà Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Tây Hồ từ thực tế nhà trường cho rằng sau 3 năm, giáo viên nhà trường đã bắt đầu quen hơn với việc kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Nhưng hiệu quả công việc này chỉ thực sự tốt ở những nhà trường có giáo viên cốt cán được tập huấn và thực sự hiểu còn chưa thực sự phổ đều khi có những sai lệch hoặc chưa tới trong quá trình chuyển tải.

“Ý thức của giáo viên thực sự tốt và nỗ lực để tự thay đổi suốt quá trình từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên ý thức chỉ một phần còn cơ bản thầy cô cần tiếp cận cách thức từ những người thực sự có chuyên môn. Như trường tôi thường xuyên mời những người có kinh nghiệm về tập huấn nhưng các chuyên gia đầu ngành thì thực sự khó tiếp cận”, bà Hạnh Nguyên chia sẻ.