Nghề cơ khí không còn là độc quyền của nam giới

Giờ thực hành của sinh viên năm thứ 3 tại xưởng thực hành cắt gọt kim loại trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP. Hà Nội, thầy giáo Ngô Duy Hiệp đang hướng dẫn học viên đặt thông số cũng như căn chỉnh máy cắt gọt kim loại trên bàn điều khiển. Học viên sẽ phải nhớ trình tự đặt lệnh, lựa chọn số thông số và sau khi bấm nút các em sẽ chỉ việc theo dõi hoạt động của máy.

“Nghề cơ khí hiện nay thay đổi mạnh mẽ về trang thiết bị, phát triển mạnh công nghệ CNC. Giờ đỡ nhiều rồi, không còn vất vả, nặng nhọc nữa. Có những công ty đạt chuẩn cơ khí thậm chí có thể đi găng tay trắng để làm nghề”, thầy Duy Hiệp chia sẻ về sự thay đổi của nghề cắt gọt kim loại.

Thuộc ngành kỹ thuật có tính ứng dụng cao, phục vụ đời sống và quá trình sản xuất, cung cấp công cụ, máy móc thiết bị cho các ngành khác, đào tạo nghề cơ khí nói chung, trong đó có cắt gọt kim loại sẽ cung cấp cho học viên những kiến thức liên quan đến tính toán, thiết kế, phân tích kĩ thuật cùng chế tạo các máy, thiết bị cơ khí trong các hệ thống sản xuất công nghiệp.

Hình ảnh người lao động ngành cơ khí lấm lem dầu mỡ, kín mít trong đồ bảo hộ lao động trong không gian nóng nực, đặc quánh mùi nhà xưởng theo thầy Hiệp cũng đã thay đổi nhờ công nghệ. Nhưng trong suy nghĩ và tư duy của nhiều người vẫn tồn tại những định kiến về nghề.

Tuy nhiên theo thầy Hiệp, những năm trở lại đây chứng kiến sự thay đổi, nhiều bạn trẻ đã chủ động tìm hiểu và đến với nghề. Thậm chí, tỉ lệ học viên nữ đăng kí theo học và ra nghề ngày một tăng.

“Như thời tôi học chẳng có một bạn nữ nào. Vài năm trước thì lác đác, giờ số học viên nữ tăng nhanh chóng, có khi chiếm nửa lượng tuyển sinh của ngành cơ khí. Nguyên nhân thì như chúng tôi khảo sát, nhiều nhà tuyển dụng cơ khí thích chọn nữ vì tính cẩn thận, tỉ mỉ”, thầy Hiệp chia sẻ.

“Chúng tôi tham quan Samsung, lao động cơ khí làm việc trong máy lạnh và công nhân mặc áo bảo hộ trắng làm việc bình thường. Công nghệ đã và đang tác động lớn tới ngành cơ khí. Những thiết bị gia công cơ khí đa số đều tự động, bán tự động. Phay, tiện, bào… tất cả đều được thực hiện bằng các thao tác trên máy, thầy Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP. Hà Nội cho biết.

Lao động ngành cơ khí, đào tạo không kịp nhu cầu

Tại xưởng thực hành nghề Hàn, thuộc khoa cơ khí của trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Hàn Quốc thành phố Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Khanh đang hướng dẫn cho học viên vốn là lao động của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Đông Anh gửi đào tạo.

Nghề Hàn gặp khó khăn trong tuyển sinh theo thầy Khanh là tình trạng chung của các trường nghề. Đã và đang tồn tại rất nhiều định kiện về nghề Hàn như vất vả, độc hại và thu nhập thấp.

Tuy nhiên, từ thực tế đào tạo cũng như gắn với doanh nghiệp sử dụng lao động, thầy Khanh cho rằng, nghề Hàn cũng như tất cả các nghề thuộc ngành cơ khí đều thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ, máy móc đã giảm nhẹ lao động tay chân, lao động đào tạo ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Doanh nghiệp khát lao động đến mức thậm chí phải tuyển rồi gửi vào các trường nghề đào tạo là thực tế thấy rõ.

Hiện các khu công nghiệp chế xuất trên địa bàn các tỉnh phía Nam như TP.HCM và các tỉnh lân cận luôn trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề thuộc các ngành chế tạo máy, tiện, phay, hàn… dù đăng tuyển khá nhiều.

Còn tại thị trường lao động phía Bắc, các công ty cơ khí ở các các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh cũng có nhu cầu tuyển dụng ngành nghề này khá lớn.

Theo thầy Truyền, trường Cao đẳng nghề Việt Nam- Hàn Quốc thành phố Hà Nội ở vị trí thuận lợi trong vùng công nghiệp phía Bắc Thủ đô, có khu công nghiệp Nguyên Khê, Đông Anh tập trung rất nhiều doanh nghiệp lớn, gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long Nội Bài... Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh về cơ khí chiếm tỉ lệ cao, sản xuất gia công lắp đặt các linh kiện máy móc, thiết bị cơ khí nhiều kéo theo nhu cầu sử dụng những công nhân nhân lực công nhân hoặc kỹ thuật viên có tay nghề cao. Sinh viên của nhà trường bởi lẽ đó được hưởng lợi thế, phần lớn sẽ có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

“Lương thử việc thấp nhất cũng đã được 8 triệu, các em cao có khi lên tới 14 triệu tại Samsung Bắc Ninh. Sinh viên nhiều em đã hưởng 12 triệu/tháng trong 4 tháng thực tập.

Thu nhập ổn định, nhu cầu tuyển dụng luôn rộng mở trong khi yêu cầu về tố chất để lao động trong lĩnh vực cơ khí theo thầy Nguyễn Công Truyền, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Nam-Hàn Quốc thành phố Hà Nội lại không quá cao, miễn sinh viên ra trường chịu khó. Yêu cầu về sức khỏe đủ để đi ca. Ngoài ra lao động ngành cơ khí còn cần khả năng có thể lập trình trên hệ thống điều khiển máy móc, thiết bị. Tuy nhiên cũng không phải ở mức quá khó, cần cù, chịu khó và quen thao tác đều có thể làm được và làm tốt.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung tìm hiểu về nghề cơ khí tại đây: