Điều dưỡng- lực lượng quan trọng trong phòng chống dịch covid 19

Những tiếng "tít tít" liên hồi từ máy móc, âm thanh đặc trưng của phòng Phòng hồi sức tích cực (ICU) nơi được dành để chữa trị cho các bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc những người cần được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện dường như đã quá quen thuộc với anh Chu Việt Đức, Điều dưỡng Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai kể từ khi cùng các đồng nghiệp vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Chưa ngày nào không có ca cấp cứu thở máy và diễn biến nặng. Hồi mới vào, công việc vất vả, áp lực và cả choáng ngợp với tất cả đội ngũ từ y bác sỹ đến điều dưỡng. “Sau một thời gian làm quen cũng tốt hơn”. Anh Việt Đức chia sẻ giản dị.

Bước vào khu vực Hồi sức tích cực, các điều dưỡng viên quay cuồng với cả trăm việc không tên, từ ăn uống vệ sinh, thuốc thang rồi cả các thủ thuật xâm lấn, lấy máu… Công việc luôn tay luôn chân khiến họ dường như quên luôn thời gian sáng, tối. “Thời tiết ở Sài Gòn nóng, trên mái tôn bị hấp hơi, không dùng điều hòa là đương nhiên, quạt phần nào thôi, vất vả lắm. Mặc đồ bảo hộ vào là ít phút là khó thở”. Điều dưỡng Tạ Thị Loan cho biết.

Bên cạnh những vất vả về cường độ công việc, khá nhiều điều dưỡng cũng chịu áp lực tâm lý khi chứng kiến bệnh nhân trở nặng và tử vong quá nhanh nhưng ai cũng quyết tâm "hết dịch mới trở về". Bởi lẽ "nếu mình không làm thì ai sẽ là người chăm sóc các bệnh nhân nặng không có gia đình bên cạnh?', đó là chia sẻ của nhiều điều dưỡng viên đang hết mình giữa tâm dịch.

Đây chỉ được coi như những lát cắt nhỏ về nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid 19 của đội ngũ y tế và điều dưỡng ở các tỉnh phía Nam. "Vai trò quan trọng của lực lượng điều dưỡng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân Covid 19 sẽ là điều không thể phủ nhận.” cô Trương Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bạch Mai khẳng định.

Những yêu cầu để trở thành một nhân viên điều dưỡng

Điều dưỡng viên được coi như đội ngũ quan trọng, có vị thế không thể thiếu trong hệ thống y tế. Trong đại dịch Covid-19, vị thế đó càng được thể hiện rõ hơn.

Chia sẻ về nghề điều dưỡng, cô Trương Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bạch Mai cho biết, để có một điều dưỡng đạt chuẩn đòi hỏi một quá trình đào tạo công phu, bài bản với nhiều phần học bổ trợ nhau. Từ các môn học cơ sở ngành, chuyên ngành đến những môn chung về khoa học chính trị, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học, các kiến thức về tiền lâm sàng trước khi đi thực tập tại viện. Đặc biệt, học sâu về tâm lí trở thành yêu cầu quan trọng bậc nhất để hiểu về những đối tượng như người già, người tàn tật, người ốm... mà điều dưỡng viên trực tiếp hỗ trợ.

Tốt nghiệp ngành điều dưỡng, ngoài công tác tại các bệnh viện thuộc cả hệ thống công lập, tư nhân, các trung tâm y tế, chuyên viên điều dưỡng có cơ hội việc làm tại các phòng khám thuộc y tế gia đình, phục vụ chăm sóc tại nhà. Đặc biệt trong hai năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 trở đi trở lại với biến thể Dental càng thấy rõ vai trò của lực lượng điều dưỡng trong suốt quá trình điều trị, phục hồi của bệnh nhân.

Ngoài công tác ở các bệnh viện, trung tâm y tế thuộc khối công lập, việc làm với các điều dưỡng viên luôn rộng mở tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trung tâm bảo trợ xã hội hoặc làm tại các gia đình khi đời sống ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động cũng được xem như cánh cửa rộng cho các điều dưỡng viên được đào tạo bài bản.

Về thu nhập của nghề, theo bà Thu Hương, trường Cao đẳng Bạch Mai đã tiến hành khảo sát từ nhiều lớp học viên ngành điều dưỡng sau khi ra trường. "Các em mới ra trường trung bình thu nhập 6,7 triệu/tháng. Có nhiều trường hợp làm điều dưỡng tại gia đình được trả mức 10 triệu. Mức thu nhập thay đổi tùy thuộc vị trí người lao động được giao đảm trách và theo sự thuần thục tay nghề, kinh nghiệm". Bà Thu Hương chia sẻ.

Tuy nhiên, điều dưỡng thuộc nhóm công việc đặc thù, cần người có phẩm chất phù hợp và tình yêu nghề. Trước tiên ở việc làm theo ca kíp nếu ở các bệnh viện. Trực đêm được coi như yêu cầu bắt buộc với các nhân viên điều dưỡng. Chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân nặng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và cả sức khỏe trong nhiều trường hợp liệt giường hoặc sau phẫu thuật, không tự di chuyển hoặc làm vệ sinh cá nhân. Kiên trì và tâm lí sẽ giúp các điều dưỡng cùng y bác sỹ phối hợp trong điều trị và phục hồi người bệnh.

Để hiểu hơn về nghề điều dưỡng với những đặc trưng, những yêu cầu với người làm nghề, mời quý thính giả bấm nghe chia sẻ: