Trong suốt gần 3 năm đại dịch, hầu hết các trường phổ thông ở Hà Nội phải duy trì giảng dạy bằng hình thức trực tuyến và tạm dừng tất cả các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa vốn được đánh giá góp phần trong giáo dục toàn diện học sinh. Chuẩn bị đón xuân Quý Mão, Ngày hội văn hóa dân gian được nhà trường đầu tư cả hình thức và nội dung để vừa đa dạng hoạt động, đồng thời chuyển tải đi những thông điệp, bài học về giá trị văn hóa truyền thống tới các em học sinh.

Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, đại diện ban phụ huynh hỗ trợ các em học sinh xây dựng nội dung, chuẩn bị, tập luyện cho ngày hội diễn ra vào ngày cuối tuần trước kì nghỉ Tết.

Mỗi đội gồm 4 lớp học thuộc 4 khối học từ 6,7,8,9 được phân chia theo các "nhà" của các tộc người như Chăm, Hoa, Mường, Dao, Thái, Kinh... Tuỳ vào thế mạnh của mình, mỗi lớp tham gia các nội dung trải nghiệm khác nhau nhưng lại vẫn có sự liên kết các khối học trong một tổng thể chung trong “Ngôi nhà Tết”.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội cho biết Lễ hội xuân dân gian là hoạt động thường niên của nhà trường với mục tiêu cân đối giữa học tập văn hóa với hoạt động trải nghiệm giáo dục.

“Chúng tôi rất mừng khi huy động được từ học sinh, giáo viên đến cả phụ huynh tham gia. Điều này đã thực sự tạo nên sự gắn kết sau thời gian đại dịch”, cô Hà chia sẻ.

Điều đặc biệt nữa ở ngày hội năm nay nằm ở việc không chỉ tái hiện văn hóa dân gian Việt Nam mà còn cả của hai quốc gia Châu Á gồm Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc về các khối lớp dạy tăng cường tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Khuôn viên nhà truyền thống thuộc các tộc người ở Việt Nam cùng nhà truyền thống Nhật Bản và Hàn Quốc được dựng ngay trên sân trường. Học sinh, phụ huynh và giáo viên cùng diện trang phục truyền thống các dân tộc tạo nên một không gian đặc sắc, hấp dẫn và ấn tượng.

Hà Linh học sinh lớp 8C lần đầu tiên được tham dự Lễ hội xuân của nhà trường bày tỏ: "Khi con bắt đầu vào lớp 6 là đã bị dịch, học toàn trên máy tính. Năm nay không chỉ đi học trở lại bình thường bọn con được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm. Lễ hội văn hoá dân gian lần này lớn hơn con tưởng". Linh và các bạn được trực tiếp tham gia điệu múa của dân tộc Mường. Cô học trò lớp 8 xúng xính trong bộ váy truyền thống, tập dượt nhiều lần trước khi lên sân khấu. Và nữa, em được cùng bạn tham quan và trải nghiệm các nét văn hoá khác nhau.

"Được tham gia trong tất cả các khâu để có lễ hội như hôm nay, thầy trò đều nô nức. Thêm vào đó phải kể đến sự hỗ trợ rất lớn từ các bác phụ huynh khiến cô trò vẫn duy trì được cả việc tập luyện, chuẩn bị mà vẫn đảm bảo việc học của các con trên lớp”, cô giáo Nguyễn Thị Oanh, chủ nhiệm lớp 6E, thuộc nhóm Ngôi nhà Tày chia sẻ.

Sân trường trong buổi sáng trở thành không gian cho cuộc thi nấu cơm niêu, gói bánh chưng, thi tranh xé dán. Các lớp học tầng 1 được chọn làm điểm tổ chức các trò chơi dân gian như cá ngựa, ô ăn quan, cờ tướng...

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chị Trần Hà My, phụ huynh học sinh lớp 9A6 chưa từng có dịp tham gia trọn vẹn để hiểu quy trình làm nên bánh chưng truyền thống của dân tộc. Tại Ngày hội, được gia đình phụ huynh khác có nghề gói bánh trưng tập huấn, hướng dẫn, cùng các bạn trong lớp con, các phụ huynh như chị Hà My được thử sức trong một không gian rộn tiếng cười.

“Dù có người hướng dẫn nhưng quả thực rất khó để làm nên tấm bánh đạt yêu cầu về kích thước, phân bổ nguyên liệu. Nhưng mình rất vui vì không khí quần tụ. Mẹ con, cô trò không biết ai dạy ai khi mà nhiều bạn khéo tay thậm chí còn hướng dẫn lại. Tấm bánh có thể chưa đều, chưa vuông thành sắc cạnh nhưng sau khi tham gia dự thi được chia cho chính các em học sinh thưởng thức thành quả”, chị Hà My kể lại.

Thời gian buổi chiều là không gian của âm nhạc, dân ca, dân vũ. Những đội sạp mở màn vui và hấp dẫn. Cả giáo viên, phụ huynh, học sinh trong các trang phục dân tộc anh em nắm tay nhau để cùng bắt kịp nhịp gõ sạp và âm nhạc truyền thống. Một vài lần trật nhịp bối rối của thành viên nào đó nhận được sự cổ vũ, động viên từ khan giả, ban giám khảo như khiến không gian náo nức, thu hút hơn.

Phần thi các tiết mục văn nghệ thực sự đặt ra thách thức lớn cho Ban giám khảo trước trăm hoa đua sắc. Từ vùng rẻo cao với âm nhạc réo rắt khèn Mông tới giai điệu trữ tình của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ dưới bóng tre ngàn năm. Rồi cả những điệu múa dân gian của Hàn Quốc, Nhật Bản tưng bừng làm nên bức tranh đa sắc giữ chân khán giả suốt chương trình. Âm nhạc, trang phục, điệu múa được tôn thêm bởi phần hình ảnh sinh động từ màn hình cỡ đại chiếm toàn bộ sân khấu.

Mời các bạn theo dõi một số hình ảnh khác từ Lễ hội văn hóa dân gian xuân Quý Mão trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội: