Giáo viên F0 vẫn lên lớp

Tiết Vật lý, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa, giáo viên trường THCS Nam Từ Liêm ho nhiều, hụt hơi, mệt mỏi, giọng khàn đặc. Cô tắt camera để học sinh không nhìn thấy tình trạng của mình. Ngày thứ 2 phát hiện mắc COVID-19 là thời điểm cô Hoa cảm thấy mệt mỏi nhất. “Tôi chỉ nói với các con là cô cảm thấy hơi mệt và xin phép tắt camera vì không muốn học sinh lo lắng”.

Cô Hoa trở thành F0 sau khi trường học mở cửa được hơn 1 tuần. Dẫu vậy, cô chưa xin nghỉ ngày nào vì tại thời điểm đó số lượng giáo viên F0 ở trường đã vượt qua con số 10 kéo theo hàng loạt giáo viên trở thành F1. Những đồng nghiệp còn lại phải gồng mình với “ngồn ngộn” công việc ở trường.

Dạy trực tuyến tại nhà với 3 điểm cầu: nhà giáo viên F0 – nhà HS F0 – lớp học trực tiếp là điều chưa từng có tiền lệ. “Mỗi buổi sáng khi có tiết tôi phải vào lớp sớm hơn để kết nối với lớp online trên Teams, sau đó kết nối ở trường. Nhà trường sắp xếp một cô giáo ở lớp học trực tiếp kết nối thiết bị. Từ đó, tôi chia sẻ bài giảng lên Teams, học sinh trực tiếp ở trường và ở nhà cũng nghe được bài giảng”.

Cô Hoa gọi đây là những tiết học lịch sử. Việc kết nối đến các điểm cầu mất nhiều thời gian. Một tiết 45 phút cũng phải mất 10 phút để kết nối.

Cũng phát hiện mình dương tính với COVID-19 sau gần 1 tuần đến trường, cô Vương Hiền Hòa, giáo viên môn Ngữ Văn Trường THCS Nam Từ Liêm dẫu mệt vẫn cố gắng chưa xin nghỉ dù một tiết. Thực hiện một lớp học 3 điểm cầu, giáo viên buộc phải quan tâm, quan sát cả 2 đối tượng là học sinh học trực tiếp trên lớp và học sinh đang cách ly tại nhà.

Theo cô Hòa, với hình thức “một lớp học 3 điểm cầu”, những học sinh học trực tuyến có lẽ sẽ thuận lợi hơn so với những em học trực tiếp trên lớp vì thông tin trao đổi giữa cô và trò thuận lợi hơn. Trong khi đó, học sinh trên lớp mất rất nhiều thời gian để kết nối và âm thanh ở trên lớp cũng khó khăn hơn. Nhưng các em trên lớp có được môi trường học tập, giao lưu trực tiếp với bạn bè.

Thích nghi với hoàn cảnh dạy học ở 3 điểm cầu buộc giáo viên phải căng mình với khối lượng lớn công việc phải giải quyết. Theo cô Hiền, dù không đến trường nhưng công việc của giáo viên trải dài từ sáng sớm cho đến đêm khuya.

“Sau những tiết học, giáo viên có thể mời các con ngồi lại nói chuyện riêng, trao đổi với phụ huynh, thậm chí là hỗ trợ cả vấn đề tâm lý. Bình thường có hôm 4 tiết thì thường kéo dài tới 5 tiết hoặc hơn”, cô Hòa cho biết.

Trường xoay xở với thời khóa biểu mới

Trường THCS Nam Từ Liêm đang đóng cửa dạy online do dịch trên địa bàn đang ở cấp độ 3. Ttrước đó nhà trường ghi nhận 170 học sinh là F0 trên tổng số 893 em, 9 giáo viên cũng dương tính với COVID-19 sau 2 tuần mở cửa trường học. Số học sinh đi học trực tiếp trung bình chỉ có 5-20 em/lớp, có những lớp chỉ 3-4 học sinh. Cô Hoàng Thị Yến, hiệu trưởng nhà trường nhận định, bài toán sắp xếp nhân sự, thời khóa biểu trở thành thách thức với nhà trường.

“Có thầy cô F0, F1 thực hiện 1 tiết học 3 điểm cầu, các thầy cô ở nhà dạy trực tuyến cho những cháu ở nhà, trực tiếp trên lớp. Khi đó vẫn cần phải có giáo viên, trang thiết bị phụ trợ, ngoài đường truyền mạng còn có cả camera để thầy cô thu bài dạy, vừa phát về nhà. Thực sự những ngày đầu quay cuồng chạy”.

Tại trường THCS Đông La, Hoài Đức, Hà Nội, sau thời gian mở cửa trường học ghi nhận hơn 170 học sinh F0, 360 học sinh F1, phải học trực tuyến. Có những lớp chỉ 8-9 học sinh đi học trực tiếp. 2 tuần tổ chức đi học trực tiếp, nhà trường ghi nhận 17 cán bộ, giáo viên mắc COVID-19. Những ngày qua, cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Dung quay cuồng xử lý công việc mặc dù là F0 đang điều trị tại nhà.

Theo cô Dung, việc dạy học kết hợp khiến giáo viên và nhà trường gặp nhiều khó khăn. “Có những buổi ngay đầu giờ không vào được, học sinh đi tìm thầy cô, nhà trường phải xử lý sự cố mạng. Giáo viên vừa tương tác học sinh trong lớp vừa kiểm soát học online. Trong khi đó, số học online tăng lên một nhiều do nhiễm bệnh hoặc liên quan tới các ca nhiễm. Một số phụ huynh không cho con đến trường vì lo lắng. Nhà trường buộc phải chuyển đổi thời khóa biểu linh hoạt để phù hợp với hình thức dạy học kết hợp.

Tại trường Marie Curie, thầy hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết, lúc đầu tỉ lệ HS đi học trên 90%. Tuy nhiên, kể từ tuần thứ 5 đến nay, số học sinh F0 và F1 khá nhiều. Một số phụ huynh dù con chưa nhiễm bệnh nhưng do tâm lý do lắng nên giữ con ở nhà. Trên lớp chỉ còn “non nửa” học sinh đến trường. Với những lớp này, nhà trường quyết định chuyển hẳn sang học online ở nhà.

“Bởi vì nếu thầy cô chỉ dạy 5-10 em trên lớp, mắc camera cho các con ở nhà học online thì không hiệu quả và giáo viên vất vả”.

Theo thầy Khang, một bộ phận giáo viên trở thành F0, F1 đã dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên. “Chúng tôi áp dụng 3 phương án để xử lý tình huống này. Một là khi giáo viên F0, F1 ở nhà thì tìm giáo viên cùng bộ môn dạy học sinh trực tiếp tại trường.

Phương án 2, nếu không được cùng môn thì tìm giáo viên khác môn để dạy thay thế môn đó.

Phương án 3 đành phải vận động giáo viên F0, F1 không có triệu chứng, sức khỏe đang ổn cách ly tại nhà dạy online cho HS. Tuy nhiên, phương án này áp dụng hạn chế. Ví dụ, trong buổi học tại trường có 5 tiết, có tiết nào đó rơi vào giáo viên ngồi nhà dạy còn 4 tiết khác vẫn có đủ giáo viên dạy cho con.

“Nếu xét trên quy mô một lớp học, theo tôi từ 50% học sinh đến được trường thì nên ưu tiên lớp đó học tại trường, ngược lại hơn 50% học sinh không thể đến trường thì chuyển hẳn lớp đó học online tại nhà chứ đừng để "nửa nạc nửa mỡ", cực kỳ phức tạp, rất khó cho giáo viên và không đảm bảo chất lượng học sinh. Còn xét trên quy mô toàn trường những lớp có thể triển khai học offline tại trường thì nên duy trì vì việc đến được trường học tập hơn hẳn học online tại nhà”, thầy Khang nhận xét.

Theo thống kê gần đây nhất của Bộ GD&ĐT, ​​ cả nước có gần 3 triệu học sinh trong hơn 17 triệu học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải dừng học trực tiếp vì dịch COVID-19. Bộ vẫn duy trì quan điểm mở cửa trường học, trong đó kết hợp cả hình thức giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Với số ca nhiễm tăng cao trong thời gian qua, các giáo viên, các trường học đã phải rất nỗ lực để duy trì trạng thái trường học được mở cửa.