Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030 là nội dung quan trọng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 29 của Bộ Chính trị vừa được Thủ tướng chính phủ ký quyết định ban hành. Việc hiểu đúng về hướng nghiệp, phân luồng cũng như có hệ sinh thái hướng nghiệp cùng những công cụ phù hợp được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả.

Phân luồng hướng nghiệp không đơn giản chia tách nhằm đẩy học sinh sang học nghề hay lựa chọn theo trào lưu

Hướng nghiệp là nội dung bắt buộc ở các trường phổ thông, đặc biệt từ thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thông qua môn học Trải nghiệm- Hướng nghiệp. Trước đó, học sinh khi bước vào năm học cuối cấp sẽ được phân luồng với mục tiêu cân bằng thị trường lao động, giảm sự thiếu hụt lao động nghề được đào tạo.

Việc đặt chỉ tiêu phân luồng sang hướng nghề trong nhiều năm đã đặt áp lực lên vai học sinh, phụ huynh và cả giáo viên ở cuối bậc THCS. Nhiều trường hợp, giáo viên vì thành tích hay áp lực giảm số lượng thí sinh đăng ký thi vào 10 đã “ép” học sinh của mình bỏ thi. Việc phân luồng từ góc độ này không chỉ mất đi giá trị hướng nghiệp mà còn khiến không ít phụ huynh, học sinh mặc cảm bị “đẩy” sang học nghề.

“Thực tế, phân luồng và hướng nghiệp ở Việt Nam lâu nay thường bị hiểu lầm như một sự “chia tách” cứng nhắc giữa học tiếp THPT hay chuyển sang học nghề, dẫn đến không ít phụ huynh và học sinh mang tâm lý mặc cảm, coi học nghề là lựa chọn thấp hơn. Đây là một cách hiểu chưa đầy đủ”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chủ biên SGK Công nghệ 9 Định hướng nghề nghiệp, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống nêu quan điểm.

Ở cấp học THPT, trong nhiều năm, các nhà trường hầu như chỉ tập trung cho kiến thức, điểm số , thi cử mà chưa coi trọng công tác hướng nghiệp. Kết quả có thể nhìn thấy rõ ràng trong việc chọn ngành chọn nghề. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc tới thực trạng quá nhiều học sinh chọn ngành kinh tế, bỏ rơi khoa học, kỹ thuật như một hệ quả của hướng nghiệp không hiệu quả.

“Phân luồng và hướng nghiệp, theo mục tiêu cao hơn, không phải là phân loại học sinh theo kiểu “tốt” hay “kém”, mà là quá trình giúp các em tìm ra con đường phù hợp nhất với năng lực, sở thích và tiềm năng của bản thân. Mỗi người có một thế mạnh riêng: có em phù hợp với học thuật, nghiên cứu; có em lại tỏa sáng trong các nghề kỹ thuật, sáng tạo hay thực hành. Tôi tin rằng khi hiểu đúng, phụ huynh và học sinh sẽ thấy đây là một hành trình khám phá đầy giá trị, thay vì áp lực hay mặc cảm”, thầy Hà phân tích thêm.

Quan trọng hơn, theo thầy Phạm Mạnh Hà, việc phân luồng không phải là “đóng khung” mà phải mở ra cơ hội để các em phát triển tối đa khả năng của mình, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực.

Nhìn trở lại thực tế công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông hiệu nay, một số ít nhà trường đã bắt đầu hướng tới sự chuyên nghiệp bằng những ngày hội hướng nghiệp. Ở đó có các chuyên gia, sử dụng những ứng dụng, những bộ công cụ hướng nghiệp được nhiều quốc gia sử dụng nhằm giúp học sinh nhận diện được điểm mạnh yếu của bản thân trong lựa chọn nghề nghiệp.

Nhưng do chưa có được nguồn công cụ hướng nghiệp chính thống ứng dụng cho công tác hướng nghiệp, đã xảy ra tình trạng nhiều nơi mời “chuyên gia tự phong” với các công cụ thiếu khoa học như sinh trắc vân tay hay thần số học. Điều này càng khiến phụ huynh và học sinh hoang mang trước “ma trận” thông tin, dẫn đến tốn kém mà không định hướng được hướng đi sau tốt nghiệp, hoặc không chọn được nghề nghiệp phù hợp, khiến công tác phân luồng của nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Hướng nghiệp không phải là “tiên tri” tương lai, mà là quá trình đánh giá toàn diện dựa trên các yếu tố như sở thích, tính cách, năng lực và giá trị nghề nghiệp – những thứ thay đổi và phát triển theo thời gian. Các phương pháp như sinh trắc vân tay có thể gây tò mò, nhưng chúng không thể thay thế được các công cụ tâm lý học hiện đại như mô hình Holland hay Big Five, vốn đã được kiểm chứng qua nhiều nghiên cứu quốc tế. Thêm nữa, việc phụ huynh bỏ chi phí từ thấp đến cao cho những dịch vụ này đôi khi chỉ mang lại cảm giác yên tâm tạm thời, chứ không giúp học sinh thực sự hiểu mình và chọn nghề phù hợp”, thầy Mạnh Hà khẳng định.

Career Passport- Hộ chiếu hướng nghiệp hướng tới sự phù hợp với học sinh Việt Nam

Thực tế công tác hướng nghiệp nói chung và thực hiện chỉ thị 29 của Bộ Chính trị, đã đến lúc cần có những bộ công cụ trong đo lường, đánh giá nhằm giúp học sinh và phụ huynh nhận ra điểm mạnh yếu, sự phù hợp trong nghề nghiệp thực sự khoa học và phù hợp với điều kiện tâm lí, ngành nghề, thị trường lao động ở Việt Nam.

Công cụ nhân trắc hướng nghiệp toàn diện Career Passport ra đời nhằm đáp ứng thực tế: học sinh Việt Nam thường khó chọn nghề do không đánh giá đúng năng lực, đam mê và điểm mạnh yếu của mình. Trong khi các công cụ đánh giá toàn diện để tư vấn chính xác lại đang rất thiếu.

“Với hơn 20 năm nghiên cứu, tôi muốn tạo một hệ thống khoa học, dễ dùng, dựa trên lý thuyết hiện đại nhưng “may đo” cho học sinh Việt Nam, giúp các em, phụ huynh và giáo viên định hướng nghề nghiệp hiệu quả”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết.

Career Passport tập trung phát triển một bộ công cụ dựa trên khoa học, được điều chỉnh cho học sinh Việt Nam, hướng tới kết quả đáng tin cậy và thiết thực. Hướng nghiệp theo thầy Mạnh Hà cần thực hiện theo hành trình khám phá bản thân, không phải lời hứa hẹn “biết tất cả” từ những phương pháp thiếu căn cứ.

Cần một hệ sinh thái hướng nghiệp và ở đó gồm các công cụ hỗ trợ đảm bảo yếu tố khoa học và phù hợp.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, để xây dựng một hệ sinh thái giáo dục phân luồng hướng nghiệp hiệu quả, chúng ta không thể chỉ trông chờ vào một yếu tố đơn lẻ như chương trình trải nghiệm, bài trắc nghiệm hay tư vấn chuyên gia. Nó đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ từ nhiều phía.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức xã hội. Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cần hiểu rằng phân luồng không phải là “chia cao thấp”, mà là tìm hướng đi phù hợp với từng cá nhân. Đây là nền tảng để thay đổi tư duy.

Thứ hai, tích hợp hướng nghiệp vào giáo dục từ sớm. Chương trình trải nghiệm ở trường phổ thông là bước khởi đầu tốt, nhưng cần được thiết kế có hệ thống, kết nối với các công cụ khoa học như Career Passport để đánh giá sở thích, năng lực học sinh một cách cụ thể.

Thứ ba, vai trò của nhà trường và giáo viên. Giáo viên cần được đào tạo để trở thành người hướng dẫn, kết hợp với chuyên gia và các bài trắc nghiệm, thay vì chỉ dựa vào tư vấn bên ngoài. Nhà trường cũng cần phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề để học sinh thấy rõ cơ hội thực tế.

Thứ tư, hỗ trợ từ chính sách và cộng đồng. Nhà nước cần đầu tư vào công cụ hướng nghiệp, cơ sở dữ liệu ngành nghề, và tạo điều kiện để học nghề cũng hấp dẫn như học đại học. Cộng đồng, bao gồm phụ huynh và doanh nghiệp, cần tham gia để tạo môi trường thực hành và định hướng.

Tóm lại, hệ sinh thái hướng nghiệp bắt đầu từ nhận thức, được củng cố bởi giáo dục và công cụ khoa học, nhưng phải gắn với thực tiễn qua sự phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ dựa vào một yếu tố thì chưa đủ, mà cần một cách tiếp cận toàn diện.

Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, một bộ công cụ hướng nghiệp đạt chuẩn và mang giá trị cho học sinh phổ thông gồm các tiêu chí:

Thứ nhất, cơ sở khoa học vững chắc. Công cụ phải dựa trên các lý thuyết đã được kiểm chứng, như mô hình sở thích nghề nghiệp Holland, tính cách Big Five hay lý thuyết Đa trí thông minh, thay vì những phương pháp cảm tính hay thiếu bằng chứng.

Thứ hai, phù hợp lứa tuổi và bối cảnh văn hóa. Học sinh phổ thông, từ THCS đến THPT, đang trong giai đoạn phát triển tâm lý và nhận thức, nên câu hỏi và cách đánh giá cần dễ hiểu, gần gũi với đời sống và đặc điểm của các em tại Việt Nam.

Thứ ba, đánh giá toàn diện. Công cụ cần xem xét nhiều khía cạnh của học sinh – sở thích, tính cách, năng lực, giá trị nghề nghiệp và kỹ năng – để đưa ra bức tranh tổng thể, giúp các em nhận diện điểm mạnh, điểm yếu và xu hướng nghề nghiệp.

Thứ tư, tính ứng dụng cao. Kết quả phải cụ thể, dễ hiểu, không chỉ dành cho học sinh mà còn hỗ trợ giáo viên và phụ huynh trong việc định hướng, phân luồng, tránh chung chung hay mơ hồ.

Thực tế, rất khó để có một bộ công cụ hướng nghiệp duy nhất phù hợp tuyệt đối cho tất cả học sinh thanh thiếu niên trên mọi châu lục và quốc gia. Lý do là mỗi vùng miền, quốc gia có đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội và hệ thống giáo dục khác nhau, ảnh hưởng lớn đến sở thích, giá trị nghề nghiệp và cơ hội việc làm của học sinh.

Tuy nhiên, thế giới có những bộ công cụ nổi tiếng như RIASEC của Holland hay MBTI, được sử dụng rộng rãi và có thể áp dụng ở nhiều nơi vì tính phổ quát của chúng trong việc đánh giá sở thích và tính cách. Dù vậy, để thực sự hiệu quả, những công cụ này thường cần được điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh địa phương. Chẳng hạn, một nghề “hot” ở Mỹ có thể không tồn tại hoặc không hấp dẫn ở Việt Nam.

“Với Career Passport, tôi không hướng tới một công cụ “phù hợp tất cả” mà tập trung phát triển nó cho học sinh Việt Nam, dựa trên các lý thuyết quốc tế nhưng được “Việt hóa” về ngôn ngữ, câu hỏi và bối cảnh. Tôi nghĩ rằng một bộ công cụ tốt không cần phải “toàn cầu hóa” hoàn toàn, mà nên tối ưu hóa cho đối tượng cụ thể để mang lại giá trị thực tiễn cao nhất”.

Ở các nước như Phần Lan, Singapore, công cụ chủ yếu tích hợp vào trường học, lồng ghép chương trình, có giáo viên, chuyên gia hỗ trợ. Mỹ thì gia đình cũng dùng độc lập qua nền tảng online. Career Passport thiết kế cho trường Việt Nam, nhưng khuyến khích phụ huynh tham gia để tăng hiệu quả định hướng.

Ở các quốc gia tiên tiến, công cụ hướng nghiệp chủ yếu là một phần của hệ thống giáo dục phân luồng tại trường học, nhưng cũng có thể được gia đình sử dụng bổ trợ, tùy vào mức độ chủ động của phụ huynh và học sinh. Career Passport thiết kế nó để phù hợp với nhà trường Việt Nam, nhưng thầy Mạnh Hà khuyến khích phụ huynh tham gia để tăng hiệu quả định hướng cho các em.