Bất bình khi các trường thu học phí online "trên trời"

Chị Minh, phụ huynh có con học lớp 2 tại một trường Quốc tế ở thành phố Nha Trang rất bức xúc khi mới đây nhận được biểu học phí cho năm học mới. Theo thông báo này, học phí không giảm dù học online. Thêm vào đó, nhiều chính sách của năm học trước như giảm 10% học phí nếu đóng cả năm đã rút xuống chỉ còn 5%. Phụ huynh không được đóng học từng tháng, tối thiểu sẽ phải nộp theo quý.

“Đây không phải bức xúc của riêng tôi, phụ huynh của tất cả các khối lớp đều rất bất bình. Dịch bệnh suốt hơn 2 năm qua, người kinh doanh thì đình trệ, người làm trong các cơ quan đều giảm thu nhập trong khi nhà trường không giảm học phí dù chuyển sang học online.

Tôi chỉ làm một bài toán nhỏ thôi. Khi các cháu nghỉ học thì cơ sở vật chất của trường sẽ không bị tiêu hao. Tất cả những chi phí bên lề như bảo vệ, dọn vệ sinh, tiền điện, nước, xịt khuẩn khuôn viên trường thậm chí là cắt cỏ sân bóng cũng không tốn.

Chúng tôi càng không thể chấp nhận được khi nhà trường yêu cầu các cháu rất nhỏ ngồi học trật tự trước màn hình máy tính nhưng lại không ngồi nhìn vào màn hình để nghe những chia sẻ, bức xúc của phụ huynh. Tất cả chỉ là một tờ thông báo gửi đến phụ huynh và không có đối thoại”, chị Minh bức xúc.

Dạy học online không đơn thuần là bê bài giảng trực tiếp lên livestream

Trước những tranh luận về việc nhiều trường phổ thông tư thục hoặc “quốc tế” thu học phí online quá cao, TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ Giáo dục, Đai học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng trước hết phải khẳng định: bằng mọi giá chúng ta phải duy trì, đảm bảo được việc con em học hành, kể cả theo hình thức trực tuyến (online).

"Dẫu sao việc dạy học online trong suốt hơn 2 năm qua đã thể hiện sự ưu việt khi học sinh “ngừng đến trường không ngưng học tập”, các nội dung bài giảng vẫn được truyền đạt một cách cơ bản nhất. Điểm hạn chế của phương pháp này chính ở sự thiếu tương tác sư phạm giữa thầy trò trong môi trường dạy học truyền thống. Để so sánh lợi thế giữa hai phương pháp cần có những cơ sở khoa học cụ thể, chi tiết. Nhưng nhìn từ những nền giáo dục tiên tiến, chúng ta hoàn toàn có khả năng ứng dụng hình thức này", TS. Tôn Quang Cường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, dạy học online đã dần dần không còn là tình huống đột xuất nhưng vẫn bộc lộ những lúng túng, thiếu chủ động từ chính các nhà trường.

Điều này thể hiện rõ cả trong tư duy dạy học trực tuyến và cách thức chuẩn bị. Hệ quả sự lúng túng này chính ở việc không đưa ra được công thức tính toán chi phí đào tạo hay gọi nôm na là học phí ứng với cam kết của mỗi nhà trường với phụ huynh học sinh cũng như với xã hội, châm ngòi cho những mâu thuẫn, xung đột từ hai phía phụ huynh và nhà trường.

TS. Tôn Quang Cường đánh giá sự đầu tư cho dạy học online hiện vẫn khá manh mún, không đồng đều giữa khối công lập và tư thục, tùy thuộc vào lãnh đạo mỗi nhà trường mà không theo những định hướng, chiến lược chung.

Các trường ngoài công lập được đánh giá cao hơn ở góc độ chịu đầu tư cũng như nhanh nhạy trong dạy học trực tuyến. Đồng thời cũng có nhiều trường công lập đã vận động theo nhiều hình thức, có thể từ cá nhân giáo viên đam mê nghề, cũng có thể từ ban giám hiệu để dạy học online được tổ chức khá bài bản. Điều này theo TS Tôn Quang Cường nên được coi như tín hiệu đáng mừng.

Dạy học trực tuyến hoàn toàn không phải chỉ dừng ở sản xuất các video, các phiên livestream của người giáo viên. Ở đây cần tổ chức các tiến trình sư phạm trong một môi trường mới. Bản thân giáo viên muốn có bài giảng trực tuyến chất lượng phải đầu tư rất nhiều từ nội dung được số hóa, học liệu hỗ trợ, tương tác với học sinh. Ngoài ra còn chi phí bản quyền, hệ thống quản lý học tập vận hành bài bản. Toàn bộ quá trình để có được bài giảng online khác hoàn toàn phương thức truyền thống vốn đã quen thuộc.

Điều này đồng nghĩa, đầu tư cho dạy học online không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Bởi lẽ đó, nếu các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ kinh phí cũng có lý khi thu học phí để duy trì hoạt động. Phụ huynh thì lại cho rằng dạy học online không hiệu quả, mức thu là quá cao. TS. Tôn Quang Cường cho rằng chính phương thức áp đặt một chiều, không có sự đối thoại từ các nhà trường đã thổi bùng những bức xúc.

Học phí online thu thế nào là "đúng" và "đủ"?

Quanh câu hỏi mức học phí dạy học online như thế nào được cho đúng và đủ hay gọi chung là “hợp lý”? TS.Tôn Quang Cường phân tích học phí tự thân đã gồm nhiều yếu tố cấu thành: Chi lớn nhất sẽ dành cho việc giảng dạy, các chi phí khác gồm quản trị, hành chính… Cho nên phải tính đúng là cần thiết.

Thời gian nghỉ học do Covid 19, tất cả các nhà trường cần cân nhắc và đưa ra chính sách phù hợp cho phụ huynh học sinh cũng như thể hiện tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn giữa đôi bên. Các khoản chi phí cho giảng dạy cũng cần được công khai, minh bạch, biểu lộ rõ ràng sự cân bằng giữa nguồn thu với duy trì việc dạy học online, cam kết chất lượng nhà trường, trách nhiệm xã hội với phụ huynh, tạo sự đồng thuận chính là hợp lý. Việc giữ nguyên học phí hoặc giảm bao nhiêu do hai bên ngồi lại cùng thương thảo.

Theo "mách nước" của T.S Tôn Quang Cường, các trường ngoài công lập nên đưa ra hai bảng so sánh hạng mục giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến để phụ huynh hiểu những chi phí cụ thể cần và đủ để duy trì hoạt động. Trường tư ngoài chi phí giảng dạy gồm thiết bị giảng dạy, đường truyền, lương giáo viên... còn chi phí điều hành, quản trị, vận hành hệ thống. Tuy nhiên, học phí online không thể như học phí trực tiếp.

“Từ kinh nghiệm các quốc gia cũng dạy học online ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, học phí dạy học online thường giảm xuống, trong khoảng từ 25-30%, cá biệt sẽ giảm 50%", TS. Tôn Quang Cường cho biết.

Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính khi trả lời báo chí về học phí online đã khẳng định: “Bộ GD và ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như học online, Bộ không quy định mà do nhà trường và học sinh tự thỏa thuận”.

Và thực tế đang diễn ra ở nhiều thành phố như Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội, nhiều trường phổ thông khăng khăng sẽ không giảm và quyết tâm thu mức học phí đã đưa ra, phụ huynh cực chẳng đã, bỏ việc đến tận trường tập hợp phản đối. Điều này vô hình chung tạo nên một hình ảnh rất xấu xí, đặc biệt trong môi trường giáo dục đào tạo.

Thực tế này cho thấy rất cần một cuộc gặp gỡ giữa phụ huynh và đại diện các nhà trường nhằm minh bạch, công khai kinh phí đào tạo bằng hình thức online mới mong mâu thuẫn được giải quyết và đôi bên tìm được tiếng nói đồng thuận.

Và nếu chưa "thỏa thuận" được mức thu học online “hợp lý”, thiệt thòi trước tiên thuộc về học sinh khi năm học mới cận kề, việc học online ở nhiều địa phương là đương nhiên khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Lúc này, sẽ không chỉ là câu chuyện “Học phí online trường ngoài công lập- Thế nào là hợp lý?” mà còn làm mất giá trị thiêng liêng của việc đến trường. Bởi giáo dục và sản phẩm của giáo dục chính là con em các gia đình và học sinh các nhà trường.