Trong các quyền tự chủ đại học thì tự chủ về học thuật đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Quy chế 18 tăng cường mạnh mẽ quyền và trách nhiệm của các cơ sở đào tạo tiến sĩ theo hướng tự chủ học thuật đó.

Theo bà Thủy, trước tiên, chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, Quy chế 18 là một quy chế khung, bao gồm các quy định, các mức cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu của một tiến sĩ.

Bởi lẽ, quy chế tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học theo Luật GDĐH, với tinh thần giao nhiều quyền (kèm theo cả trách nhiệm giải trình) về đào tạo hơn cho cơ sở GDĐH.

Với vai trò quản lý nhà nước, quy chế này quy định các tiêu chuẩn tiêu chí căn bản, tối thiểu, đã tính đến sự đa dạng phong phú của các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn khung này, cơ sở GDĐH căn cứ vào mục tiêu, năng lực đào tạo mà đưa ra những quy định, yêu cầu bằng hoặc cao hơn cho việc đào tạo tiến sĩ của mình, đồng thời, công bố công khai minh bạch để cơ quan quản lý, xã hội và người học biết và giám sát, thực hiện.

Bà Thủy nhấn mạnh, việc đặt ra các tiêu chí như thế nào sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cơ sở GDĐH đó khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của mình.

Thứ hai, việc xây dựng, ban hành Quy chế 18 song song với xây dựng ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của GDĐH, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF).

Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai VQF, các hội đồng nhóm ngành, khối ngành sẽ xây dựng các chuẩn chương trình đào tạo (gồm các yêu cầu tối thiểu) với các đặc thù riêng, chặt chẽ hơn cả về đầu vào, đầu ra, có thể cao hơn so với chuẩn theo trình độ và phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề đào tạo.

Căn cứ vào chuẩn tối thiểu (theo trình độ, theo nhóm ngành…), các cơ sở giáo dục ĐH có thể xây dựng quy chế đào tạo, đặt ra các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các chuẩn chung của toàn hệ thống, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề đào tạo cũng như năng lực thực tiễn của cơ sở đào tạo, từ đó khẳng định uy tín đào tạo của mình.

Không nên mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt

Trong những yêu cầu được nêu tại Quy chế, hiện được quan tâm nhất là yêu cầu liên quan đến công trình, sản phẩm khoa học của nghiên cứu sinh.

Bà Thủy cũng khẳng định về vai trò, ý nghĩa của bài báo, công trình khoa học đối với việc đào tạo tiến sĩ. Đây là một trong những minh chứng, chỉ số để đánh giá chất lượng học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong quá trình đạt tới học vị tiến sĩ.

Tuy nhiên, việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.

Quy chế 08 năm 2017 có quy định công nhận các báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện, chưa xem xét cụ thể mức độ uy tín của hội nghị hay hội thảo. Quy chế 18 đã quy định cụ thể hơn về những ấn phẩm được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá, và các hội nghị khoa học cũng phải thuộc danh mục WoS/Scopus.

So với thời điểm ban hành Quy chế 08 năm 2017, hiện nay, các tạp chí, ấn phẩm trong nước đã có nhiều đầu tư về nguồn lực và chuyên môn, đã có sự thay đổi nhiều về chất. Không chỉ là diễn đàn khoa học, đây còn là nơi công bố các nghiên cứu, tư vấn chính sách… có ý nghĩa thực tiễn với Việt Nam, được thành lập và hoạt động dưới sự cho phép và quản lý của các cơ quan chức năng.

Trên thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế. Những đóng góp của hệ thống ấn bản phẩm khoa học trong nước hoàn toàn xứng đáng được nhìn nhận đánh giá khách quan và công bằng hơn.

Bên cạnh yêu cầu đầu ra, việc đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ còn thể hiện ở các quy định từ đầu vào, nhưng quan trọng hơn là quá trình học tập, có nỗ lực và tiến bộ, có sự chuẩn bị kỹ về kế hoạch, thời gian học tập, nghiên cứu…

Bộ GD&ĐT trong thời gian tới sẽ tập trung tăng cường giám sát (cùng với sự giám sát của giới khoa học, của toàn xã hội) đối với quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh trong các cơ sở đào tạo.

Liệu có dẫn đến tình trạng tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ tràn lan?

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, Quy chế đã quy định rõ việc sinh hoạt chuyên môn của nghiên cứu sinh là quyền lợi và trách nhiệm, thực hiện như đối với giảng viên trợ giảng hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Như vậy, việc đào tạo không thể tràn lan, mà phải tập trung vào việc học thật, học có chất lượng. Nghiên cứu sinh phải cân nhắc kỹ khi quyết định theo học, và cần phải được cơ quan cử đi học tập, nghiên cứu một cách chính thức theo hình thức chính quy.

Trong giai đoạn trước đây, Quy chế 08 đã có những đóng góp quan trọng trong việc đặt ra các chuẩn đầu ra nhấn mạnh các công bố quốc tế, từ đó tăng cường quản lý chất lượng đầu ra của đào tạo tiến sĩ.

Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, những thay đổi trong quy chế mới là điều phù hợp.

Ở vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT cần đặt ra các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp và giám sát việc thực hiện triển khai. Chúng ta sẽ cùng tiếp tục nỗ lực và có giải pháp cả trong hoạch định chính sách và thực thi trong thực tiễn để đấu tranh và hướng tới chất lượng thực chất.