Năm nay, Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) yêu cầu, cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, với quy định này các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển; tránh được những rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức có điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT….
Các cơ sở đào tạo có tổ chức các kỳ thi riêng như Kỳ thi đánh giá năng lực (HSA), Kỳ thi đánh giá tư duy (TSA)… đã công bố bách phân vị của kết quả kỳ thi riêng với một số tổ hợp của kỳ thi tốt nghiệp THPT có độ tương quan cao nhất để giúp các cơ sở đào tạo có sử dụng kết quả kỳ thi riêng trong việc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.
"Tương tự như vậy, vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố đối sánh phổ điểm và bách phân vị của một số tổ hợp phổ biến của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để hỗ trợ các cơ sở đào tạo quy đổi điểm chênh lệch giữa các tổ hợp xét tuyển của cơ sở đào tạo mình", PGS.TS Nguyễn Anh Dũng nói.

Liên quan đến việc các cơ sở đào tạo công bố bảng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển khác nhau, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cho biết, ngày 15/7, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm của các môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo quy định tại Quy chế tuyển sinh hiện hành, các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ và quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên số liệu phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các năm trước.
Bấm nghe chương trình:
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, quy chế xét tuyển cũng như quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển đảm bảo sự công bằng, tránh xảy ra tình trạng điểm cao thì trượt điểm thấp trúng tuyển.
Năm nay, ngoài điểm ưu tiên khu vực, đối tượng theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường có chính sách điểm cộng, điểm thưởng theo quy chế tuyển sinh riêng. PGS.TS Nguyễn Anh Dũng cho biết, để không xảy ra tình trạng lạm phát điểm cộng, điểm ưu tiên, quy chế xét tuyển năm nay quy định giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng để xem xét đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và đồng thời khai thác tối đa thế mạnh riêng của các em học sinh.

Liên quan đến quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển, nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%, ông Dũng cho biết, một vài năm qua, có thực trạng một số cơ sở đào tạo lạm dụng việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ trong quá trình xét tuyển, thậm chí sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như là tiêu chí quyết định đến cơ hội trúng tuyển của các thí sinh.
Trong khi đó, sự tiếp cận các bài thi để được cấp các chứng chỉ ngoại ngữ có sự khác biệt giữa các học sinh tại các vùng, miền khác nhau.
"Do vậy, Quy chế quy định các trường có thể quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển nhưng điểm môn ngoại ngữ được quy đổi từ các chứng chỉ ngoại ngữ có trọng số tính điểm xét không được vượt quá 50%. Như vậy, các các em học sinh vẫn có thể sử dụng tối đa thế mạnh của mình để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhưng vẫn bảo đảm công bằng", PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) thông tin. l/.