Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:

Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
0:00
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

Từ thực tế công việc, đặc biệt dạy môn Ngữ văn, môn học được cho là góp phần hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân, cô giáo Sương Mai, giáo viên hệ thống luyện thi THPT trực tuyến QANDA study thấy nhiều bạn trẻ gặp khó trong việc bộc lộ bản thân khi rõ ràng các bạn giỏi hơn hẳn thế hệ trước trên nhiều lĩnh vực.

Cô Mai cho rằng thực ra thời nào người trẻ cũng đều gặp những khó khăn cho hành trình tự tin định vị bản thân. Cuộc sống hôm nay, giữa quá nhiều các bạn trẻ giỏi giang và ngày càng có xu hướng vượt trội càng tạo nên áp lực cho những bạn trẻ khác trong việc cất lên tiếng nói bản thân. Cùng với đó còn thêm sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nền tảng mạng xã hội khiến các bạn “choáng ngợp” giữa một thế giới bộn bề sắc màu, thành công này nối tiếp thành công khác từ bạn bè đồng trang lứa chia sẻ hằng ngày hằng giờ.

“Nhìn vào hào quang của người khác khiến ta quên đi ánh sáng thực sự của bản thân. Trong khi thực tế chưa chắc những gì thể hiện trên mạng xã hội đều đã là sự thật”, cô Sương Mai phân tích.

Những nội dung ngắn, nhanh được chia sẻ từ các mạng xã hội cũng cuốn người trẻ “chạy theo” mà không biết chính điều này khiến các bạn bị đứt đoạn trong mạch suy nghĩ và trình bày trước mọi người. Trong tâm lí học giáo dục cũng chia ra các dạng tâm lý với những biểu hiện khác nhau kiểu như người hướng nội, hướng ngoại, người phát triển khả năng ngôn ngữ trong khi người khác lại không. Vin theo yếu tố này, nhiều bạn cho rằng bản thân sẽ không thể thay đổi, khó lòng giao tiếp tốt dù cố gắng đến đâu. Theo cô Sương Mai đây là suy nghĩ sai lầm.

“Đôi khi việc tự giới hạn bản thân lại nằm trong chính suy nghĩ. Khi bạn nghĩ bạn không thể, mọi chuyện sẽ xảy đến 100%. Còn khi bạn đặt niềm tin vào bản thân, vào tương lai, vào những điều tốt đẹp và những giá trị tốt đẹp sau chặng đường dài nỗ lực, bạn sẽ gặp hái được những điều kì diệu. Hãy bắt đầu bằng niềm tin”, cô Sương Mai bày tỏ.

Niềm tin kết hợp sự kiên trì, bền bỉ cho đến một thời điểm sẽ đem lại kết quả bất ngờ. Ở đây, trong câu chuyện rèn luyện khả năng tự tin trong giao tiếp, bộc lộ quan điểm, cô Sương Mai cho rằng không cần bạn phải đặt ra mục tiêu quá lớn mà bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ. Hoàn thiện từng mục tiêu nhỏ sẽ đem lại kết quả lớn.

Ví dụ như với môn Ngữ văn, môn học được cho là giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ, hôm nay, thay vì mục tiêu viết một bài văn hoàn chỉnh, các bạn luyện cách viết từng câu đầy đủ, rõ nghĩa, tiến tới đoạn văn và rồi cuối cùng sẽ có được cả bài khúc chiết, mạch lạc, rõ ràng, đủ ý.

Hay việc đọc sách, ngay lập tức chưa thể bỏ ra cả tiếng đồng hồ hay nguyên buổi tối để đọc cuốn vài trăm trang, bạn chỉ cần 10,15 phút đọc vài trang, từng câu chuyện, chương đoạn nhỏ…Việc duy trì liên tục, kỷ luật mỗi ngày, lặp đi lặp lại, tích lũy dần để rồi thành quả đến lúc nào chính bạn cũng không hay.

“Kinh nghiệm này tôi dựa vào quy luật 1% tốt hơn mỗi ngày mình từng đọc ở cuốn “Thói quen nguyên tử”. Tác giả nhấn mạnh rằng thay vì làm những việc quá lớn thì mình nên duy trì những thói quen nhỏ. Từ đó điều kì diệu sẽ xảy ra”.

Tuy nhiên cũng theo cô Sương Mai, để thành công trong giao tiếp, để lời nói của bản thân khi cất lên có giá trị, mang trọng lượng, bản thân còn phải rèn kĩ năng “lắng nghe”. Trong nhiều trường hợp khi các bạn quá mải mê bộc lộ câu chuyện bản thân vô tình đánh mất thiện cảm từ người đối thoại. Cuộc giao tiếp bởi lẽ đó không đem lại hiệu quả, chất lượng như các bên mong muốn.

Lắng nghe có vai trò quan trọng đầu tiên của quá trình giao tiếp. Nhưng ở đây đòi hỏi sự quan tâm thực sự của bạn trong việc hiểu vấn đề. Từ đó phản hồi sẽ chân thành, có giá trị và tạo được mạch cảm xúc cho các bên trong cuộc trò chuyện và còn có khả năng kết nối ở những lần tiếp theo.

Cô Sương Mai cũng nhấn mạnh việc mọi người chấm dứt việc sử dụng điện thoại khi tất cả các thành viên ngồi trong cùng một không gian, thời gian. Việc đối thoại bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt, lắng nghe tiếng nói của nhau mới thực sự tạo nên hiệu quả, tính trọn vẹn cho một cuộc giao tiếp giữa mọi người. Một vài mẹo nhỏ cô Mai cho rằng sẽ khiến các bạn trẻ “có duyên” hơn trong các cuộc gặp gỡ, đối thoại, trao đổi.

Trước tiên cần định vị về người nghe bởi mỗi đối tượng giao tiếp lại ở độ tuổi khác nhau, cương vị không giống nhau… Việc điều chỉnh phù hợp về cách xưng hô, lựa chọn câu chuyện trở thành những yếu tố cực kì cần thiết trong trường hợp này.

Tiếp theo bạn cần lựa chọn đề tài, chủ đề cho mỗi cuộc trò chuyện, kết nối, giao tiếp và cần đáp ứng một trong hai hoặc cả hai tiêu chí gồm: Vấn đề người nghe quan tâm và bạn thực sự am hiểu, yêu thích vấn đề đem ra bàn luận.

Từ những quy tắc nhỏ kết hợp việc áp dụng linh hoạt theo cô Sương Mai sẽ giúp các bạn trẻ ngày càng tự tin hơn trong việc bộc lộ quan điểm, suy nghĩ của bản thân cũng như tạo nên được những cuộc giao tiếp hiệu quả.

“Chúng ta để ý trong việc thi nhiều chứng chỉ ngoại ngữ sẽ có đủ cả bốn kĩ năng: nghe, nói, đọc viết. Ngay như môn Ngữ văn của chúng ta hiện nay thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, việc nói và nghe cũng đã được nhắc đến nhiều hơn dù chúng ta chưa có được cách thức đánh giá năng lực này một cách chuẩn xác hơn.

Nếu bạn muốn có khả năng nói tốt hay nói cách khác là làm chủ ngôn ngữ của bản thân bạn phải rèn cả 4 kĩ năng này, gia tăng kĩ năng nào đó còn tùy thuộc nhu cầu cá nhân mỗi bạn. Khi nghe và đọc giúp bạn tích lũy vốn từ, hiểu biết và lăng kính đánh giá một vấn đề. Còn viết và nói là khi chúng ta thể hiện những tích lũy ra ngoài”, cô Sương Mai chia sẻ cách thức nâng cao khả năng giao tiếp thông qua rèn luyện bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Việc tự tin trong giao tiếp, bày tỏ quan điểm sẽ phát huy hiệu quả không chỉ cho quá trình học tập, rèn luyện ở nhà trường mà khi bước vào thị trường lao động, những bạn trẻ có khả năng giao tiếp tốt sẽ có khả năng thành công lớn hơn.