Nghe phân tích của PGS.TS Phạm Văn Tình:
Vì sao nói "ngậm miệng ăn tiền"? Thành ngữ này có xuất phát từ một câu chuyện:
Ngày xưa có một anh chàng lười biếng, nhưng lại luôn ước ao giàu có. Một người nọ thấy thế, muốn dạy anh ta một bài học, bèn rỉ tai anh ta bảo:
- Tôi sẽ cho cậu mười quan tiền, nhưng cậu phải chịu khó im lặng, dứt khoát không nói năng gì suốt một tháng liền. Nếu cậu sai lời thì không những không được tiền, mà lại còn bị ăn đòn nữa!
- Ôi tưởng gì, dễ ợt – Anh ta nhận lời ngay.
Thế là từ lúc đó chàng lười không nói năng gì nữa. Người nhà thấy anh ta bỗng nhiên bị câm thì rất lo lắng. Họ bàn bạc chạy thầy chạy thuốc, cầu cúng mong anh khỏi bệnh. Nhưng anh chàng chỉ lắc đầu, xua tay, khiến ai nấy đều sợ hãi.
Người đưa ra lời thách kia biết tin, mừng lắm. Hôm sau anh này đến tìm gặp vợ anh chàng lười, bảo:
- Tôi có thể chữa cho chồng chị khỏi bệnh với giá hai mươi lăm quan tiền. Nhưng chị không được hé răng nói với bất kỳ ai, kể cả anh ấy!
Nhận tiền xong, anh này tìm gặp chàng lười và nói:
- Anh quả là biết giữ lời, Ta thưởng cho anh mười quan đây. Từ nay, anh có thể nói năng bình thường được rồi.
Vậy đấy! Anh chàng lười biếng, hám lợi chấp nhận “ngậm miệng” cả tháng trời nhưng rốt cuộc vẫn bị mất tiền. Trong đời sống hàng ngày, thành ngữ “Ngậm miệng ăn tiền” còn dùng để phê phán những kẻ vì lợi lộc mà im lặng, làm ngơ trước những việc làm không tốt.