Thông tin này được chia sẻ tại Hội thảo khoa học Quản trị và phát triển địa phương từ tiếp cận liên ngành và khu vực học, diễn ra ngày 21/12. Hội thảo do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đề xuất các khung lý thuyết và phương pháp để quản trị địa phương một cách hiệu quả. Đồng thời, hoàn thiện Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị địa phương lần đầu tiên tại Việt Nam.

TS. Phạm Đức Anh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ở Việt Nam, quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những tiếp cận còn khá mới mẻ. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định chủ trương “đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”... Đây là lần đầu tiên, thuật ngữ “quản trị quốc gia” được sử dụng chính thức trong các văn kiện của Đảng.

Theo TS. Phạm Đức Anh, một trong những giải pháp vô cùng quan trọng tăng cường năng lực quản trị địa phương là công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trực tiếp tham gia vào công việc quản trị tại địa phương.

Ngày 16/5/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1707/QĐ-ĐHQGHN về việc bổ sung Quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có ngành Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đề án mở Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị địa phương của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã được Hội đồng chuyên môn cấp Đại học Quốc gia Hà Nội thẩm định và thông qua.

Nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực chuyên môn này, Đại học Quốc gia Hà Nội sớm có chủ trương mở Chương trình đào tạo Thạc sĩ về Quản trị địa phương, giao cho Viện Văn học và Khoa học phát triển nghiên cứu xây dựng đề án.

Nội dung của Chương trình Thạc sĩ Quản trị địa phương được xây dựng dựa trên ba khối kiến thức cơ bản, gồm: Khối kiến thức về địa phương học, khu vực học, Việt Nam học; Khối kiến thức về khoa học quản trị, quản trị công; Khối kiến thức về các công cụ và phương pháp quản trị (thể chế, chính sách, nền tảng công nghệ…).

Theo khảo sát của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, chương trình đào tạo về Quản trị địa phương ở cả bậc cao đẳng, đại học và sau đại học từ lâu đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Đức… Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là chương trình đào tạo đầu tiên về Quản trị địa phương được xây dựng.

Cũng theo kết quả khảo sát, 66,7% các cơ quan, đơn vị tại các địa phương có nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ sau đại học có kiến thức chuyên sâu, bài bản về Quản trị địa phương; 68,2% cơ quan, đơn vị có nhu cầu cử cán bộ tham gia bồi dưỡng kiến thức, đào tạo ở trình độ Thạc sĩ về Quản trị địa phương.

“Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu về Quản trị địa phương hiện nay là rất lớn”, TS. Phạm Đức Anh khẳng định.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quản trị địa phương hướng tới tối ưu nhưng cần bền vững. Trong quá trình xây dựng chương trình cần chú ý tới văn hóa, thể chế để có thể mở rộng liên kết đào tạo. Đặc biệt bên cạnh 3 trụ cột phát triển bền vững cần thêm thể chế, văn hóa, xã hội, kinh tế và môi trường.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang: Hội thảo nhắc đến vấn đề địa phương là vấn đề đang khá nóng, khi một số nơi đang tiến hành quá trình sáp nhập và mới chỉ chú ý đến những tiêu chí cứng như: Diện tích, tổng thu ngân sách… trong khi đó còn chưa chú ý đến khai thác không gian văn hóa. Đây cũng là vấn đề cần trù liệu khi triển khai chương trình đào tạo ở địa phương.

"Quản trị địa phương là khái niệm không mới ở thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất được. Thực tế, chúng ta đang cần một chương trình đào tạo bài bản, đáp ứng yêu cầu bức thiết công tác quản trị địa phương nhất là quản trị nguồn nhân lực. Cán bộ địa phương rất cần học ngay bởi họ chưa đầy đủ kiến thức về quản trị địa phương. Chương trình thảo luận đã làm sáng tỏ và bổ sung thêm chi tiết, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Đây là lĩnh vực học thuật mang tính liên ngành cao", GS.TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề mở ngành đào tạo thạc sĩ Quản trị địa phương, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGH cho biết, ĐHQGHN nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản trị địa phương. Ở Việt Nam, công tác quản trị quốc gia hay quản trị địa phương là những hướng tiếp cận còn khá mới mẻ. ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; tiên phong trong phát triển các hướng nghiên cứu mới và xây dựng các chương trình đào tạo thí điểm, dựa trên lợi thế liên ngành nhằm phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, phục vụ cộng đồng xã hội.

Từ nền móng của những khoa học chuyên ngành (Chính trị học, Khoa học quản lý, Luật học, Sử học, Văn hóa học, … ), ĐHQGHN dần phát triển hướng nghiên cứu về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành. Một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển hướng nghiên cứu và đào tạo về quản trị địa phương từ tiếp cận liên ngành và dựa trên nền tảng khu vực học chính là VNU-IVIDES.

ĐHQGHN đã sớm có chủ trương mở chương trình đào tạo thạc sĩ về Quản trị địa phương, chương trình này ĐHQGHN giao cho VNU-IVIDES xây dựng đề án mở chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị địa phương và đào tạo và do ĐHQGHN cấp bằng.