Chi phí chỉ bằng 1/3 giá thị trường

Thiết bị hỗ trợ xe lăn Automov là dạng module cơ bản, thiết bị bao gồm 2 động cơ 350W, 2 bộ nhông xích, bộ điều hướng và bộ pin lưu trữ được cố định trên 1 khung sắt để ráp vào xe lăn tay.

Chỉ cần 3-4 triệu đồng, người dùng có thể chuyển được xe lăn của mình thành xe lăn điện có đầy đủ chức năng tương đương với xe lăn ngoài thị trường. Ngoài ra, có thể giúp loại bỏ xe lăn tay dư thừa do người dùng, người bệnh sử dụng trong thời gian ngắn rồi vứt đi, gây lãng phí.

Automov kết nối truyền động trực tiếp động cơ với bánh xe thông qua 1 bộ kit dạng Module gắn cố định lên xe thay vì dùng 1 bộ đầu kéo rườm rà như những sản phẩm khác hiện có trên thị trường nhằm tăng tính thẩm mĩ, độ gọn gàng, giúp người dùng dễ dàng sử dụng.

Theo Đinh Tuấn Anh, trưởng nhóm dự án, hiện đã có những sản phẩm chuyển xe lăn tay thành xe lăn điện, chuyển xe lăn thành xe 3 bánh có xuất xứ Trung Quốc với giá 10 triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên khi lắp thành xe 3 bánh khó sẽ di chuyển trong nhà. Trong khi với AutoMov, việc gắn động cơ vào 2 bánh theo phương thức đai xích sẽ giúp người dùng có thể di chuyển trong nhà và tháo ra khi cần thiết. Hình thức gắn động cơ vào 2 bánh sau trên thị trường lúc đó chưa có sản phẩm nào tương tự.

Automov đã trải qua nhiều lần cải tiến. “Việc tính toán động cơ tương đối khó khăn vì có người nặng người nhẹ. Do đó, nhóm đã nghiên cứu để tăng công suất lớn hơn, tối ưu chi phí để sản phẩm có thể tiếp cận nhiều người dùng khác nhau", Đinh Tuấn Anh chia sẻ.

Điều đặc biệt là ngoài điều khiển bằng tay, người dùng AutoMov còn có thể điều khiển bằng đầu. Theo Tuấn Anh, bình thường người dùng chỉ điều khiển bằng tay cần nhưng nhóm dự án đã phát triển bộ điều khiển riêng, điều khiển bằng đầu cho những người không may bị khuyết tật tay.

Đồng thời, nhóm cải tiến về pin để kéo dài khoảng cách di chuyển cho xe lăn. Nhóm cũng tặng thêm pin mặt trời cho người bán vé số để khi hoạt động ngoài trời, họ tăng được khoảng cách di chuyển và giúp che nắng, che mưa.

Thiết bị chuyển xe lăn tay sang xe lăn điện đã được Đinh Tuấn Anh ấp ủ từ năm 2016 khi còn là cậu học sinh cấp 3 ở Nghệ An. Khi nhận được phát động về cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho thanh thiếu niên cấp tỉnh càng thôi thúc Tuấn Anh. "Em nhận thấy nhiều người khuyết tật xung quanh mình phải sống phụ thuộc quá nhiều vào người thân khi muốn di chuyển xa để làm việc hoặc giao lưu. Trong gia đình em cũng có 2 người thân là người khuyết tật di chuyển khó khăn. Khi muốn đi quanh làng đều phải nhờ người thân và cũng cảm thấy ngại”- Tuấn Anh chia sẻ.

Vì vậy, Tuấn Anh đã tìm cách nghiên cứu để “chế” ra 1 chiếc xe lăn điện từ chiếc xe lăn tay mà họ đang sử dụng với giá thành rẻ mà chức năng tương đương các sản phẩm khác trên thị trường. Tuy nhiên ý tưởng chỉ dừng lại ở chỗ ra một sản phẩm và cất vào một góc.

Một thời gian sau, khi được tuyển thẳng vào trường ĐH Lạc Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai), Tuấn Anh thấy nhiều người khuyết tật đi bán vé số nên mong muốn nhân rộng mô hình này càng lớn trong em.

Vào học ngành Tự động hóa - Đại học Lạc hồng, nhóm của em tham gia Cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS. Lúc đó, mới thấy những vấn đề tồn tại với sản phẩm trước đây. Nhóm đã thay đổi từ việc chế tạo cả 1 chiếc xe trở thành một module rời để có thể lắp vào những loại xe bằng tay có sẵn trên thị trường để tạo ra những sản phẩm tiện nghi nhưng chi phí không cao.

Nhận được phản hồi tốt từ cuộc thi càng thúc đẩy Tuấn Anh và các bạn mong muốn đưa sản phẩm đến với nhiều người nhất. Từ đó em và các bạn đã quyết định khởi nghiệp với AutoMov.

Từng bị “đuổi khéo” vì chế tạo xe lăn điện

Sau khi tham gia cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng EPICS, Tuấn Anh và cộng sự được hỗ trợ 150$ để nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, còn lại là tiền túi của nhóm tự bỏ ra.

Giành giải nhất, nhóm nhận được một khoản tiền thưởng, dành 1 phần để nghiên cứu và R&D sản phẩm. Hiện tại, dự án vẫn đang chạy bởi tiền túi của cá nhân Tuấn Anh.

Phòng trọ của Tuấn Anh cũng là nơi chứa đầy thiết bị phục vụ cho nghiên cứu, chế tạo sản phẩm của AutoMov. Ngoài được thầy cô, nhà trường hỗ trợ, Tuấn Anh cũng đi làm thêm để có thêm chi phí nghiên cứu. Nhưng đó chưa phải vấn đề khó khăn nhất với sinh viên khi nghiên cứu khoa học.

“Quan trọng nhất là chúng em phải tìm hiểu đúng nhu cầu thực tế người khuyết tật họ cần gì mong gì trong sản phẩm để hoàn thiện”.

Nhiều lần trực tiếp gặp người khuyết tật trình bày vấn đề để tìm hiểu thực tế, có người hợp tác nhưng cũng có người tự ti và khó khăn khi chia sẻ với nhóm. “Nhiều lúc, tụi em có hỏi “cô ơi, bọn con sắp làm xe lăn, cô cho con hỏi xíu, người ta cứ nghĩ mình lừa đảo nên “đuổi khéo”, bảo con đi chỗ khác đi, cô bận lắm! Tuấn Anh chia sẻ về những tình huống khi đi nắm bắt nhu cầu của người sử dụng.

Tuấn Anh cho biết, dự án khởi nghiệp ban đầu bán mức giá rẻ với phần lợi nhuận nhỏ nhưng sau thời gian chạy thử, Automov quyết định nhận nguồn hồ trợ từ mạnh thường quân hoặc các quỹ để tặng cho người khuyết tật, “vì việc bán lợi nhuận không cao, trong khi chúng em muốn hỗ trợ nhiều người khuyết tật nhất”.

Đến nay, nhóm đã tặng hơn 10 xe lăn cho người khuyết tật ở Quảng Bình, Quãng Ngãi và các tỉnh khu vực phía Nam./.