Những lưu ý đối với kỳ thi vào lớp 10 năm 2025
Thực hiện theo công điện số 10 của Thủ tướng Chính Phủ và Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT, Hà Nội sẽ công bố môn thi thứ 3 trong tháng 2/2025. Như vậy, môn thi thứ 3 sẽ được công bố ngay tuần sau.
Ông Nghiêm Văn Bình, phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội nhắn nhủ tới học sinh lớp 9, điều quan trọng là cần chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập và nắm chắc kiến thức để có tâm thế tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Liên quan đến việc lựa chọn nguyện vọng, Hà Nội đã cho HS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập không chuyên. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải cùng một khu vực tuyển sinh phù hợp với nơi thường trú hoặc cư trú. Nguyện vọng 3 được phép đăng ký trong một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Hiện, Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh.

Liên quan tới việc đăng ký nguyện vọng, một phụ huynh chia sẻ sự lo lắng: “Tâm lý chúng tôi như chơi “lô tô” khi đăng ký nguyện vọng”. Phụ huynh này chỉ ra thực tế, Trường THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng - điểm năm trước cao bỗng dưng bị tụt xuống 23.75 vào năm ngoái. Trong khi đó, một số trường khác lại có điểm đầu vào tăng “vống” lên. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn trường phù hợp.
Về điều này, ông Nghiêm Văn Bình cho rằng phụ huynh cần tránh việc lựa chọn theo “trend”, theo thị hiếu mà cần căn cứ vào năng lực của học sinh và điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình.
Học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng. Nếu đỗ nguyện vọng 1 thì sẽ không xét tiếp nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Do vậy, cần cân nhắc kỹ các nguyện vọng vì thí sinh không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký.

Mọi năm, môn Toán và Văn nhân đôi hệ số, cộng với điểm môn thi thứ 3. Trong khi đó, theo quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới, từ năm 2025 bài thi vào lớp 10 không nhân hệ số. Tổng điểm của 3 môn thi hoặc bài thi tính theo thang điểm 10 với mỗi môn. Với cách tính điểm này, tổng điểm xét tuyển năm nay không cao bằng năm trước nhưng không có nghĩa là chất lượng giảm đi. “Chúng ta không thể so điểm chuẩn của năm nay với điểm chuẩn của năm trước mà hãy so năng lực của con mình với thực tế”, ông Bình nói.
Cần đầu tư cho việc tự học, thay vì đòi hỏi dạy thêm
Tại ngày hội, nhiều học sinh lớp 9 băn khoăn, ngay sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm được ban hành, nhiều trường chỉ còn dạy nửa buổi và dừng tất cả các hoạt động dạy thêm. Điều này khiến không ít học sinh lo lắng khi chỉ còn 4 tháng nữa là bước vào kỳ thi lớp 10.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT hỏi học sinh, “từ đầu năm đến giờ các em đã giải bao nhiêu bài tập, trả lời bao nhiêu câu hỏi? Sau khi cộng lại số bài tập và câu hỏi đó, hãy xem có bao nhiêu bài tập giống nhau, bao nhiêu bài khác nhau, hãy thống kê có bao nhiêu công thức cần dùng để giải các bài tập đó? Với bằng ấy công thức thì có bao nhiêu kiến thức cần phải nhớ?”
Ông Thành cho rằng, nếu làm được việc này, học sinh hoàn toàn tự tin vào vào khả năng của mình. “Chúng ta đã làm các bài tập này, chúng ta chỉ cần nhớ bằng này bài tập thôi, bằng này kiểu thôi chứ không phải mấy trăm kiểu, mấy trăm bài”.
Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho rằng “nếu như ngày nào cũng chờ thầy dạy, thầy cho phiếu học tập để giải, rồi lại chờ đáp án từ thầy xem có làm đúng không thì học sinh chưa tự tin. Từ đó, ông mong muốn học sinh có sự chủ động trong việc tự học, tự xây dựng kế hoạch ôn tập.
Thông tư 29 quy định việc dạy thêm trong nhà trường dành cho 3 đối tượng. Trong đó có học sinh ôn thi cuối cấp. Như vậy, các trường chắc chắn sẽ tổ chức dạy thêm để ôn tập cho các em học sinh lớp 9.
Ông Thành mong muốn cần đầu tư nhiều hơn vào việc “học thêm” thay vì “dạy thêm”. Điều này có nghĩa là học sinh cần phải tự học, học cùng bạn bè nhiều hơn. Thay vì đề nghị thầy cô tiếp tục dạy thêm thì các em hãy chủ động hỏi thầy cô những điều mà các em còn thắc mắc. “Đừng đòi hỏi thầy dạy nhiều nữa mà hãy tự mình học nhiều hơn. Bởi vì thì giờ có từng đấy. Thầy mà cứ dạy, cứ đưa bài mãi thì các em lấy đâu thì giờ để học”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Gợi ý việc xây dựng kế hoạch ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, thầy Lưu Văn Thông, hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội khuyên học sinh nên biết đặt mục tiêu. Trong đó, khắc phục những môn còn yếu và củng cố những môn đã mạnh. Quan trọng là không đặt ra mục tiêu quá to và chia nhỏ mục tiêu để thực hiện.
“Một ngày đặt ra mục tiêu dành 2-3 tiếng tự học. Tự học không có nghĩa là ngắt kết nối với thầy cô”, thầy Thông nói.
Muốn tự học thì chúng ta phải có tài liệu. Đó là phiếu học tập, đề kiểm tra của giáo viên, sách tham khảo, đề thi thử của các trường, các quận, huyện. Học sinh cũng hoàn toàn tìm được tài liệu từ internet, các diễn đàn học tập...
Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng Hậu khẳng định, dù sử dụng phương pháp nào thì học sinh cần rèn luyện thói quen tự học và nghiêm túc với quá trình đó.
Thời gian tới, các trường vẫn sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10. Điều quan trọng là học sinh cần học cách thích nghi và thực hiện “3 chuyên”: chuyên cần, chuyên tâm, chuyên sâu. “Khi có đủ 3 cái chuyên đấy thì chúng ta hoàn toàn tự tin và sẽ đạt một kết quả tốt nhất trong quá trình ôn tập cũng như tự học chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT”./.