Những ngày qua dư luận lại dậy sóng với bài thơ “Bắt nạt” của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh in trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam).
Bên cạnh số ít ý kiến đánh giá bài thơ có ngôn từ dễ hiểu, giản dị, mang tính giáo dục khi đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm trong đời sống học đường là bắt nạt, bạo lực… thì phần đông ý kiến lại tỏ ra băn khoăn về chất lượng tác phẩm. Thậm chí không ít ý kiến gay gắt cho rằng bài thơ sử dụng từ ngữ ngây ngô, hình ảnh khó hiểu, tính nghệ thuật không cao và không phù hợp để đưa vào SGK Ngữ văn giảng dạy học sinh bậc THCS.
Liên quan đến những tranh luận này, P/V VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, tác giả bài thơ “Bắt nạt”.
Phóng viên: Những ngày qua, dư luận có những ý kiến trái chiều xung quanh bài thơ "Bắt nạt" của anh in trong SGK Ngữ văn lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Với tư cách là tác giả bài thơ, anh có chịu nhiều áp lực trước những tranh luận trên truyền thông, trong đó chủ yếu là công kích, chê bai tác phẩm?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi nghĩ mọi người có quyền chê tác phẩm nhưng vào Facebook tác giả để xúc phạm, spam liên tục trong nhiều ngày là hành vi không tốt về nhân cách và không đúng pháp luật. Tôi chỉ thấy bị làm phiền bởi những hành vi sai trái này, còn tôi tự biết chất lượng tác phẩm của mình và cũng có đủ độc giả lâu năm hiểu điều đó.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng bài thơ "Bắt nạt" có những từ ngữ ngây ngô, có chỗ lại khó hiểu, tính nghệ thuật không cao và hoàn toàn không phù hợp để đưa vào làm ngữ liệu trong SGK và giảng dạy cho học sinh lớp 6. Ý kiến của anh thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Về điều này có lẽ mọi người nên tìm hiểu thêm các bài phân tích, các bài giảng của giáo viên giỏi đăng trên mạng Internet sẽ thấy không phải như vậy.
Phóng viên: Vậy anh lý giải sao với hình ảnh “mù tạt”. Việc sử dụng hình ảnh này để ẩn dụ cho kẻ mạnh liệu có gây khó hiểu và không có giá trị truyền tải thông điệp?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Khó có ai ăn được hết một tuýp mù tạt nhỏ bé nên mù tạt vừa mạnh theo nghĩa đen vừa có thể làm ẩn dụ cho những thử thách có độ khó cao, cho những người mạnh hơn mình. Thông điệp ở đây là khơi gợi tính quân tử, lòng tự trọng của người bắt nạt. Nếu nghĩ mình bắt nạt kẻ yếu là ngầu, thử chuyển sang thử thách khó hơn hoặc nhìn lại tương quan giữa mình và kẻ mạnh hơn như tuýp mù tạt xem.
“Trêu mù tạt” có thể gợi tới một hình ảnh hoạt hình buồn cười khi bị mù tạt đuổi. Hình ảnh lúc người ta nhăn nhó khi ăn mù tạt cũng gây cười sảng khoái. Bởi vậy, việc dùng hình ảnh vừa có sức nặng vừa có sự ngộ nghĩnh như “mù tạt” là phù hợp cho thơ dành cho trẻ em và thực tế là đã có nhiều em thích và cười với hình ảnh này trong bài thơ.
Phóng viên: Trước đó, anh sáng tác bài thơ “Bắt nạt” với tâm thế như thế nào? Anh có vui khi tác phẩm được đưa vào trong SGK?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi sáng tác bài thơ năm 2015 sau một thời gian chăm chỉ tập luyện thể chất và sống tự lập, hòa đồng hơn. Nhờ đó, bên cạnh tình yêu và bạn bè, tôi có được trạng thoải mái về sức khỏe, tinh thần mà mình chờ đợi trong nhiều năm để bắt tay vào làm tập thơ thiếu nhi “Ra vườn nhặt nắng”.
Phóng viên: Có quan điểm nói, những tác phẩm - tác giả được đưa vào SGK để dạy học sinh phải là những tác phẩm, tác giả điển hình, đại diện cho thành tựu văn học trong một giai đoạn nhất định. Trong khi đó, bài thơ "Bắt nạt" chưa đạt được yêu cầu này. Anh suy nghĩ sao về điều này?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Tôi nghĩ tác phẩm đưa vào SGK nên là những tác phẩm hay nhất nhưng không nhất thiết phải là của tác giả có nhiều thành tựu. Người càng giỏi càng giỏi sớm, có nhiều tác phẩm xuất sắc của người trẻ nên sớm được đến với học sinh qua SGK, nhất là khi SGK ngày càng được xã hội hóa với nhiều bộ sách.
Còn nói về thành tựu, khi bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào SGK thì tôi đã sáng tác gần 30 năm và đã có khoảng 10.000 bài thơ, trong đó có nhiều bài chất lượng cao. Tôi cũng sớm được công nhận trong văn giới từ 20 năm trước, ngay từ tiểu thuyết và tập thơ đầu tay. Đây là thông tin để hiểu thêm về tác giả bài thơ “Bắt nạt” không phải “ma mới” như nhiều người nghĩ và tự tin “chê” bằng sự thiếu hiểu biết, chứ tôi không định khoe gì.
Phóng viên: Nếu sau này, bài thơ "Bắt nạt" không được đưa vào trong SGK nữa, anh có buồn?
Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: Trong thời gian bài thơ “Bắt nạt” đang ở trong các vòng thẩm định vào SGK thì tôi vẫn viết khá nhiều bài phê phán chất lượng làm SGK và có nói nếu vì những bài viết đó mà “Bắt nạt” không được đưa vào SGK cũng được. “Bắt nạt” chỉ là một bài trong bốn bài của tôi được mời vào các bộ SGK nhưng tôi chỉ cho bài “Bắt nạt” vào vì tiêu chuẩn chất lượng của riêng tôi.
Tôi không quá tha thiết chuyện vào SGK mà chỉ vào nếu thấy tác phẩm đủ xứng đáng, đủ hay và có ích cho các em học sinh. Nếu lúc nào đó bài thơ bị đưa ra khỏi SGK vì lí do không đủ chất lượng thì tôi chỉ buồn vì trình độ thẩm định của xã hội đáng báo động chứ không tiếc gì về danh vọng. Ngay cả khi làn sóng chê bai khổng lồ đang xảy ra thì tôi vẫn đã ở trong lòng một lượng độc giả khá lớn từ nhiều năm nay rồi. Ở trong lòng những người hiểu biết, tinh tế với nghệ thuật mới là điều thực chất.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn nhà thơ!
Nguyễn Thế Hoàng Linh (sinh năm 1982), tác giả bài thơ "Bắt nạt" là nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều người nhớ đến và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Anh đã có 7 tập thơ và khoảng 10.000 sáng tác thơ, truyện ngắn, tranh, ảnh, tản văn, bình luận, chơi chữ… trên internet. Tập thơ "Ra vườn nhặt nắng" được xuất bản lần đầu năm 2015, là tập thơ mới nhất của anh.