Hội thảo khoa học quốc tế “Tâm lý học, giáo dục học trong bối cảnh biến đổi xã hội” do Hội tâm lý học Việt Nam; Hội tâm lý học xã hội Châu Á và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có những chuyên gia nổi tiếng trong giới Tâm lý học thế giới như GS Min-nơ-rư Karasawa, Chủ tịch Hiệp hội tâm lý học xã hội châu Á, trưởng đoàn Nhật Bản; GS Siviza-Chen, nguyên Chủ tịch Hiệp hội tâm lý học xã hội châu Á, trưởng đoàn HongKong; Trưởng đoàn New Zeland, GS Jêm-Liu, cố vấn cao cấp Hiệp hội tâm lý xã hội Châu Á cùng GS Đa-rin, đại diện Khối dự án Kết thúc Nghèo đói và Bất bình đẳng’ GS Ê-Mi-Ko, trường đại học La Trobe, Úc; GS Cho- Heon-Sob, Chủ tịch thứ 49 Hội tâm lý học Hàn Quốc, trưởng đoàn Hàn Quốc; đến từ Philippine có GS Giô-Sê- An- tô- ni -ô và PGS Men-đi-ô-la, đại diện dự án Glow tại Philippine; Th.s Nguyễn Thanh Nhã, điều phối viên dự án hỗ trợ trẻ em, Hội tâm lý học Mông Cổ; PGS Đu-sa-đi đoàn Thái Lan cùng các nhà khoa học.

Phía Việt Nam có GS.TS Vũ Dũng, Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Tâm lý học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Tâm lý học; PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý học Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh...

Trong phiên toàn thể, Hội thảo nhìn lại bước đường hơn một nửa thế kỷ hình thành và phát triển nền Tâm lý học, Giáo dục học Việt Nam; đánh giá những thành tựu của 2 ngành khoa học này trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong giải quyết những vấn đề nảy sinh trong bối cảnh biến đổi xã hội của các quốc gia châu Á và thế giới hiện nay.

“Hội thảo nhận được 229 bài của các tác giả của 8 quốc gia Châu Á và tác giả trong nước. Các bài tập trung phân tích sự thay đổi về tâm lý con người và hoạt động giáo dục trong bối cảnh hoạt động xã hội có nhiều sự biến đổi. Hội thảo cũng đánh giá được sự tác động tích cực, tiêu cực của vấn đề tâm lý trong một xã hội biến động không ngừng. Cùng với đó sẽ là những giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy yếu tố tâm lý tích cực, hạn chế yếu tố tâm lý tiêu cực. Ví dụ như cùng với sự năng động, khả năng thích ứng tốt hơn của mỗi cá nhân trước những thay đổi lớn và đột ngột thì đồng thời cũng tạo nên nhiều hơn những lo lắng, trầm cảm và cả những hành động cực đoan như tự hủy hoại cơ thể hoặc nặng hơn là tự sát”, GS.TS Vũ Dũng, Chủ tịch Hội Tâm lý Việt Nam phân tích mục tiêu mà hội thảo quốc tế lần này hướng tới.

Trong buổi sáng, các đại biểu lần lượt nghe 3 báo cáo khoa học và 1 tham luận. Đúng như chủ đề hội thảo khoa học đặt ra, các nội dung được các nhà nghiên cứu đưa ra đều gắn chặt với những tác động từ biến đổi xã hội. Ví dụ như sự xuất hiện của Covid-19 tác động tới tâm lý xã hội đã được GS Cho đặt ra trong báo cáo khoa học nhan đề: “Sức khỏe tâm thần của cha mẹ và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong thời kỳ Covid-19 ở Hàn Quốc”. Đặt ra ở phạm vi quốc gia nhưng những nội dung trình bày của báo cáo có tính thuyết phục khi đại dịch xảy ra trên toàn thế giới. Các gia đình đều bị đặt trong những thách thức về tâm lý khi hầu hết các hoạt động của từng thành viên bị dừng đột ngột và chỉ còn khuôn gọn trong nhà.

“Trong giai đoạn vừa rồi, lịch sử loài người trải qua nhiều biến động và cũng không ai biết chắc tương lai còn những biến động nào khác. Những người làm tâm lý học, giáo dục học phải trả lời hai câu hỏi gồm: Biến động tác động tới đời sống con người thế nào ở góc độ tâm lý và tiếp đến phải trả lời việc có cách nào không để thích ứng với những biến đổi nếu có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, Hội tâm lý học Việt Nam đã làm việc với Hội tâm lý học Châu Á và nhận thấy đồng ý tưởng trong việc tổ chức hội thảo chia sẻ các nghiên cứu khoa học”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Buổi chiều, toàn bộ đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khách mời chia về 6 tiểu ban thực hiện hội thảo theo 6 chủ đề khác nhau gồm: “Sức khỏe tâm thần của người dân trong bối cảnh biến đổi xã hội”; “Những vấn đề giáo dục học và tâm lý học đường trong bối cảnh biến đổi xã hội”; “Văn hóa và sức khỏe tâm thần”; “Những khía cạnh tâm lý cảu biến đổi kinh tế”; “Áp dụng Tâm lý học trong xóa đói giảm nghèo” và “Hỗ trợ-can thiệp tâm lý và tự điều chỉnh cá nhân trong bối cảnh hiện nay”.