Nhiều đại biểu cho rằng việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Một số đại biểu cho rằng, việc học trực tuyến không thể thay thể việc học trực tiếp nhưng đang là giải pháp tất yếu, tối ưu để bảo đảm cung cấp kiến thức và an toàn cho người học.

Nói về khó khăn của việc học trực tuyến hiện nay, đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh dẫn chứng: “Việc đường truyền không ổn định, thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khi sử dụng công nghệ, thiết bị còn hạn chế cả về chất và lượng, việc quản lý học sinh chưa hiệu quả là những tồn tại nhiều nơi gặp. Mặt khác, việc học trực tuyến kéo dài còn gây nên những tác động tiêu cực tới sức khỏe của cả người dạy và người học. Học sinh nảy sinh tâm lý lo lắng do bị giảm tương tác với thầy cô và bạn bè. Bên cạnh đó, giáo viên cũng nảy sinh áp lực tâm lý khi một tiết dạy, trăm mắt nhìn, “khán thính giả” không chỉ là học sinh mà còn là phụ huynh, dư luận và cả mạng xã hội.”

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội lại cho rằng: “Dịch bệnh tiếp tục phức tạp khiến học sinh ở nhiều địa phương không được đến trường, phải học trực tuyến trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều em học sinh không thể tiếp cận với điều kiện học tập trực tuyến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, đề nghị ngành giáo dục có chính sách bảo đảm sự đồng đều về chất lượng dạy và học trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, Chính phủ cần sớm có hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân khó khăn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao.”

Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên lại nêu thực tế ở địa phương mình: “Tỉnh Điện Biên hiện thiếu hàng nghìn giáo viên, việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giảm biên chế lại căn cứ vào số biên chế hiện có tức là tinh giảm khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định. Các tỉnh miền núi địa hình chia cắt giao thông đi lại khó khăn, 1 trường có nhiều điểm trường, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, vì vậy việc cắt giảm số người làm việc hàng năm để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến ngày càng thiếu giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.”

Cũng đồng quan điểm này, các đại biểu đã kiến nghị Bộ Nội vụ cần xem xét, nghiên cứu đến các yếu tố của các tỉnh miền núi đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát thực tế để có giải pháp sớm tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này. Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cơ quan chuyên môn cần xem xét lại tình trạng nhiều thí sinh điểm rất cao vẫn trượt đại học trong kỳ thi vừa qua, nguyên nhân là do đâu? Cách giải quyết vấn đề này như thế nào? Các đại biểu cho rằng, cần tìm ra các giải pháp phù hợp hơn công tác giáo dục trong thời điểm hiện nay; cần phải triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch…Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa để nâng cao chất lượng bài giảng, phát huy khả năng tự học của học sinh và sinh viên./.