Yêu thích môn Lịch sử từ năm lớp 3

Lê Quang Nhật có được tình yêu với lịch sử cùng niềm tự hào dân tộc từ cảm hứng được truyền từ ông nội. Ông nội em là một chứng nhân lịch sử, một cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ, thương binh 2/4. Những câu chuyện lịch sử đầu tiên mà em được nghe kể, chính là từ ông. "Nhỏ thì có chuyện hành quân tránh máy bay Mỹ tuần thám trên đường Hồ Chí Minh, lớn thì là chuyện thế sự từ đông tây kim cổ", Nhật kể lại.

Tủ sách của ông nội cũng chính là tủ sách Lịch sử đầu tiên mà em vinh dự và may mắn được đọc. Từ tiền đề ấy, Nhật luôn tâm niệm rằng bản thân mình cũng cần phải làm điều gì đó để xứng đáng với những gì ông cha đã đánh đổi, hi sinh vì cuộc sống hòa bình, tự do ngày hôm nay.

Sử dụng ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp làm ảnh nền đại diện Facebook

Ai trong chúng ta hẳn đều có những tấm gương, những idol để bản thân soi chiếu vào và hướng đến sự tích cực trong cuộc sống. Đối với Nhật, Võ Đại tướng là một tấm gương như thế.

Em nhận thấy một sự trùng hợp thú vị: bản thân Quang Nhật là cựu học sinh chuyên Sử trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, giờ là sinh viên trường Đại học Luật. Trong khi đó, trước khi trở thành Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cụ Võ Nguyên Giáp giai đoạn 1935 - 1939 đã từng theo học và nhận bằng Cử nhân Luật tại Trường Luật khoa và Hành chính – Viện Đại học Đông Dương, đồng thời cũng là giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long (do cụ Hoàng Minh Giám là giám đốc). Điều trùng hợp là trường Hà Nội - Amsterdam nằm trên con đường mang tên cụ Hoàng Minh Giám.

Phía dưới tấm ảnh đại diện, Quang Nhật ghi chú: “Cháu đã tự nhủ với mình là sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn theo cách của một người lính. Tự hào vì dân tộc ta có một vị Đại tướng của nhân dân!”. Ý tưởng này xuất phát từ một câu nói của tướng Giáp vào năm 1995: “Từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi”. Rất tâm đắc câu nói này của Đại tướng và Quang Nhật lấy đó làm kim chỉ nam cho bản thân mình mỗi khi đối diện với khó khăn, thử thách.

Nhiều bạn trẻ không thích môn Lịch sử do đâu?

Theo Nhật, xã hội mà các bạn trẻ đang sống là một xã hội hiện đại, nơi mà sự thực dụng, dù hữu ý hay vô tình, được đề cao hơn một bậc. Giáo dục nói chung và giáo dục Lịch sử nói riêng dẫu sao cũng chỉ là tấm gương phản chiếu thực trạng xã hội đó, mà biểu hiện rõ ràng nhất chính là việc đầu ra cho những người học Lịch sử không có nhiều, và chưa chắc tạo ra được lợi ích kinh tế đáng kể.

Thêm nữa, việc dạy học cũng như tuyên truyền Lịch sử đang gặp phải những vấn đề. Chúng ta lâu nay vẫn bị mắc kẹt trong việc nhìn nhận Lịch sử như một môn học thuộc đơn thuần, chỉ gồm những con số khô khan, những sự kiện lịch sử được nhắc đi nhắc lại nhưng thiếu sự khai mở đột phá cần thiết. Điều đó dẫn đến hệ quả là người dạy Lịch sử không biết mình đang dạy kiến thức gì và dạy như thế nào, còn người học Lịch sử chỉ biết tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà không biết học vì cái gì và để làm gì. Sự bế tắc ấy, đứng trước biến thiên của xã hội và sự du nhập của văn hóa ngoại lai, càng khiến cho môn Lịch sử trở nên yếu thế hơn trong mắt các bạn trẻ.

Việc dạy và học Lịch sử trong nhà trường cần có sự thay đổi mang tính cách mạng

Thực tế đã có nhiều bạn trẻ thật sự có thiện chí với Lịch sử nói chung, từ đó thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để lan tỏa niềm tự hào dân tộc. Ví dụ những hành động thiết thực như đền ơn đáp nghĩa trong ngày Thương binh Liệt sĩ, trào lưu phục dựng cổ phục, nghệ thuật hóa các nhân vật/sự kiện lịch sử, hay đơn giản là những dự án, CLB với những bài đăng truyền bá kiến thức Lịch sử hay dưới góc độ trẻ trung, năng động.

Tuy nhiên, sự quay lưng đối với Lịch sử đôi khi có thể bị chi phối bởi việc không thích học môn Lịch sử trên ghế nhà trường.

Vì vậy, theo Quang Nhật, hãy hướng Lịch sử tới những gì thân thuộc nhất. Nhà văn Liên Xô gốc Do Thái Ilya Ehrenburg có viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” Nếu Lịch sử dân tộc được khai thác trong cuộc đời của mỗi con người, khai thác ở cả góc độ vẻ vang hào hùng lẫn đau thương bi tráng, chắc chắn nó sẽ gần gũi hơn, khách quan hơn và có hồn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc nhìn nhận lại khách quan vị trí thật sự của Lịch sử cũng cần được xem trọng, sao cho cả người dạy lẫn người học Lịch sử có thể soi vào đó để biết được học Sử để làm gì, vì cái gì. Tựu chung lại, hướng Lịch sử tới sự thiết thực đúng với nhu cầu của xã hội là tiêu chí xuyên suốt để duy trì và phát triển thêm sức sống của nó qua thời gian.

Đồng thời, niềm tự hào về truyền thống dân tộc nếu không được hướng lái bởi sự giáo dục thế giới quan Lịch sử đúng đắn, khách quan, sẽ dẫn đến sự méo mó nghiêm trọng. Nạn xào nấu sử, lật sử hay xét lại lịch sử hiện nay chính là những biểu hiện như thế, xâm phạm những giá trị vốn có của Lịch sử. Xã hội chắc chắn cần nghiêm khắc bài trừ vấn nạn này, nhưng để làm được điều đó thì bản thân việc dạy – học Lịch sử trong nhà trường cũng cần có sự thay đổi mang tính cách mạng.

"Em tự hào vì mình là người Việt Nam, tự hào vì pho lịch sử đồ sộ và hào hùng của Tổ quốc thân yêu cùng sự cống hiến, hi sinh của biết bao thế hệ cha ông. Đó sẽ mãi là tôn chỉ, là lẽ sống để em tự tin bước tiếp trên những chặng đường tiếp theo của cuộc đời này"

- Lê Quang Nhật -