Huy động 8000 cán bộ, giảng viên ĐH tham gia công tác thanh tra
Từ 1/7 /2023, Luật thanh tra (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Cùng với đó, việc sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp 2023 sẽ ảnh hưởng đến một số quy định liên quan công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo nguyên tắc độc lập với các thành phần trong Hội đồng thi.
“Trước đây, trong quy chế thi, thanh tra vẫn “nhúng tay” vào ký niêm phong, giám sát coi như một thành phần của hội đồng. Như vậy là vừa thanh tra, kiểm tra, giám sát chính mình và mất đi tính độc lập. Vì vậy, sau nhiều năm chúng tôi kiên quyết báo cáo với lãnh đạo Bộ sửa quy chế thi đảm bảo hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với hoạt động khác”, ông Cường cho biết.
Theo đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra độc lập đứng ngoài theo dõi, quan sát, kiểm tra nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì lập biên bản, có kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ở khâu chuẩn bị thi, năm nay tiếp tục bố trí các đoàn của Ban chỉ đạo cấp Bộ làm việc với các địa phương. “Khác mọi năm đi kiểm tra thì năm nay là "làm việc", vì "làm việc" đảm bảo tính linh hoạt. Tại các buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh, Ban chỉ đạo của Bộ, lãnh đạo Bộ kịp thời có khuyến nghị, nhắc nhở, cảnh báo với công tác chuẩn bị của địa phương”, ông Cường cho biết.
Với khâu chuẩn bị thi có 4 đoàn làm việc của Ban chỉ đạo cấp quốc gia, sau đó tổ chức 10 đoàn kiểm tra đến 20 địa phương.
Công tác coi thi vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên có một số điều chỉnh đảm bảo linh hoạt, hiệu quả hơn trong các đoàn kiểm tra của Bộ ở các điểm thi. Đồng thời giao cho các trưởng đoàn có sự điều chỉnh linh hoạt đối với những điểm thi có những vị trí, địa điểm phức tạp, bổ sung thêm lực lượng thanh tra, kiểm tra phù hợp. “Chúng tôi giao cho các trưởng đoàn có quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra kiểm tra địa phương”.
Thành lập 63 đoàn kiểm tra do các trường ĐH chủ trì đến các địa phương kiểm tra công tác coi thi của các Hội đồng thi. Bộ dự kiến huy động gần 8000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH. Số lượng bố trí theo nguyên tắc dưới 20 phòng thi thì bố trí 2 người, từ 20-40 phòng thi thì 3 người, 41 phòng thi trở lên thì 4 người để giảm sức ép gánh nặng cho các cơ sở.
Đối với điểm thi có phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số cán bộ kiểm tra điểm thi có thể lớn hơn tùy tình hình thực tế do trưởng đoàn kiểm tra quyết định.
Công tác chấm thi vẫn giữ ổn định, tiếp tục thực hiện kiểm tra chéo. Trong đoàn kiểm tra của Bộ, người ở tỉnh này sẽ kiểm tra ở địa phương khác mà không có sự lặp lại.
Điểm mới trong công tác thanh tra để phù hợp với Luật thanh tra sửa đổi là từ 1/7, thẩm quyền ký các quyết định thanh tra thuộc cơ quan thanh tra chuyên ngành. Trước đây, theo quy định của Luật thanh tra cũ, có thể Chánh thanh tra của Bộ GD-ĐT hoặc lãnh đạo Bộ hoặc Chánh thanh tra Sở, hoặc Giám đốc sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra. Theo quy định của Luật thanh tra mới có hiệu lực từ 1/7 chỉ giao cho Chánh thanh tra Bộ, Chánh thanh tra Sở quyết định các đoàn thanh tra.
Trong trường hợp đặc biệt trưởng đoàn thanh tra có thể huy động các lực lượng tham gia.
Theo Luật thanh tra sửa đổi thì trưởng đoàn thanh tra phải là người được bổ nhiệm ngạch thanh tra. Tuy nhiên, theo ông Cường, lực lượng trong 63 sở không thay đổi vì các cán bộ làm trưởng đoàn đều bổ nhiệm từ ngạch thanh tra.
Tạo ra kỳ thi nghiêm túc nhưng vẫn nhẹ nhàng
Đây là năm thứ 4 thực hiện việc giao kỳ thi cho các địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ của thanh tra Chính phủ, thanh tra Tỉnh đối với các hoạt động giáo dục.
"Đây là công việc cũ nhưng chúng tôi luôn luôn khuyến cáo các địa phương không được chủ quan, không được nghĩ rằng công việc bình thường. Mặc dù công việc cũ nhưng mỗi năm sẽ có những tình huống khác nhau, không năm nào giống năm nào nên phải thận trọng, kỹ càng và đúng quy chế. Mọi quy trình trong công tác thanh kiểm tra theo đúng quy định pháp luật, không thể sáng tạo”.
Phương án thanh tra kiểm tra vẫn chạy theo quy định của luật thanh tra và văn bản hiện hành. Trong đó có điểm mới, phân định rõ trách nhiệm quyền hạn của các cơ quan như UBND Tỉnh, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục ĐH. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra khoa học, phù hợp không chồng chéo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khẳng định, Kỳ thi có tính chất quan trọng bởi diễn ra trong thời gian ngắn, với quy mô rộng, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhiều chủ thể tham gia và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Vì vậy, cần sự phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp của các lực lượng, trong đó có lực lượng thanh tra, kiểm tra. Nội dung thanh tra không quá phức tạp, cũng không có nhiều điểm mới, nhưng tính chất vô cùng quan trọng, yêu cầu các cán bộ làm công tác thanh tra phải nắm vững nghiệp vụ, thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.
“Nhiệm vụ của chúng ta là tạo ra một kỳ thi nghiêm túc an toàn, nhưng cũng hết sức nhẹ nhàng, không căng thẳng quá mức. Công việc của thanh tra chúng ta làm theo quan điểm là phòng ngừa, ngăn chặn, thực hiện theo đúng quy chế, đúng chức trách nhiệm vụ của thanh tra”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học xác định những khâu, tình huống dễ xảy ra tiêu cực, sai sót để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm có thể xảy ra trong khâu coi thi, chấm thi./.