93,13% thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tổ chức sáng 8/6, TS. Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, đảm bảo nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT (sau các lần giảm tải).

Bộ đã công bố đề thi tham khảo vào ngày 31/3/2022 và chỉ đạo các đơn vị rà soát hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi, lựa chọn những câu hỏi đã có trong ngân hàng tổ chức tốt nhất cho việc sử dụng tham khảo cho hội đồng ra đề thi trong khu vực cách ly. Đồng thời, phối hợp Cục A03 của Bộ Công an hoàn thiện quy trình ra đề thi đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật.

Phần mềm tổ chức thi đã hoàn thiện, nâng cấp phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức thi và hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ tổ chức thi; Hệ thống quản lý thi đã hỗ trợ tốt cho việc đăng ký dự thi của kỳ thi với việc năm 2022 là lần đầu tiên có đăng kỳ theo hình thức trực tuyến; phần mềm chấm thi trắc nghiệm đáp ứng yêu cầu, Cục quản lý chất lượng đã phối hợp với cục Công nghệ thông tin tổ chức kiểm tra thử phần mềm hỗ trợ ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi ở Quảng Ninh vào ngày 21-22/4 sau đó các địa phương tập huấn lại cho cán bộ làm công tác thi tại các trường, tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm 24/5 tại trường ĐH Vinh.

Về công tác đăng ký dự thi, năm nay số thí sinh đăng ký trực tuyến chiếm 93,13%, đăng ký trực tiếp chiếm 6,87%.

Đến 17h ngày 5/6 các đơn vị đã hoàn thành duyệt phiếu đăng ký dự thi trên hệ thống, tổng phiếu đăng ký dự thi 1.002.486 phiếu. Thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp là 83.196 (chiếm 8,3%). Thí sinh thi để xét tốt nghiệp và tuyển sinh là 880.101(87,8%). Thí sinh thi chỉ để xét tuyển sinh là 39.189 (3,9%).

Như vậy, năm nay số lượng đăng ký dự thi thấp hơn năm ngoái. Năm ngoái có 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi. Số lượng thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội năm nay nhiều hơn bài thi khoa học tự nhiên.

Tăng kỷ cương, giảm vi phạm

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng dù dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn đang còn hiện hữu. Chúng ta cũng đã có phương án tổ chức thi cho các đối tượng có liên quan đến dịch bệnh, đặc biệt phải lường trước và dự phòng những cái phát sinh, bất thường; đặc biệt là trong quá trình tổ chức thi, kiểm tra.

Chỉ còn 4 tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh lưu ý đặc biệt, hỗ trợ tối đa cho Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thật tốt về khâu chuyên môn cho các học sinh để chuẩn bị bước vào kỳ thi một cách tốt nhất, cả về kiến thức cũng như về phương diện tâm lý; hỗ trợ cho các học sinh ở các vùng sâu, vùng xa trong vấn đề về đi lại, lưu trú.

Đặc biệt các địa phương cần quan tâm đến khâu kiểm tra, giám sát, tăng cường các biện pháp kiểm tra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khâu liên quan đến đề thi, chấm thi, các khâu liên quan.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Kỳ thi năm nay cơ bản giữ như kỳ thi của năm trước dù có một số đổi mới về phương diện kỹ thuật. Tuy nhiên, cần phải có những lưu ý hơn mức cần thiết, bởi vì “Kỳ thi thì như phương thức cũ, nhưng mà phụ huynh là phụ huynh mới, học sinh vẫn là học sinh mới. Cho nên mỗi lần kỳ thi lại một lần chúng ta lại cùng nhau xem xét các điều kiện liên quan để mọi việc được tốt nhất”.

Qua báo cáo từ các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá, đến thời điểm này, các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động và sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp.

Thứ trưởng lưu ý, Kỳ thi tốt nghiệp nhằm mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh trong 12 năm học, lấy kết quả đó làm căn cứ xét tốt nghiệp, điều chỉnh kế hoạch dạy học, hiện một số trường ĐH vẫn lấy kết quả để xét tuyển sinh, đòi hỏi sự nỗ lực trong tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Hữu Độ đề nghị UBND tỉnh, tỉnh ủy phải có chỉ thị về công tác thi. Nhấn mạnh về công tác nhân sự, Thứ trưởng cho rằng, mọi năm tất cả quy chế, phần mềm thiết bị công nghệ thông tin đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng hạn chế, tồn tại đều do con người. Do đó, chọn nhân sự làm thi từ thành lập ban chỉ đạo thi, thành lập hội đồng thi, ban đề thi một số tỉnh làm rất chặt chẽ thông qua PA03 của các địa phương. “Đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng một số các vị trí quan trọng cần có ý kiến hoặc đề nghị PA03 các địa phương phối hợp với Sở ở vị trí này cần người có phẩm chất năng lực, chọn đúng người.

Thứ trưởng lưu ý cần làm tốt công tác tập huấn thi, đảm bảo phải có lực lượng giáo viên dự phòng để khi thầy cô giáo bị F0 đột xuất phải có lực lượng thay thế. Lực lượng dự phòng cũng cần tập huấn tốt.

Các địa phương cần chuẩn bị điều kiện vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Nơi đặt hội đồng in sao đề, đảm bảo điều kiện xung quan an ninh an toàn, phải có sự phối hợp với PA03 các địa phương kiểm tra điều kiện đặt điểm thi, điểm in sao phù hợp, đảm bảo an ninh và xây dựng phương án an toàn cho khu vực này.

“Các điểm thi, nhất là điểm thi gần nhà dân chưa đến 10m cần thận trọng khi triển khai, tất cả khu vực nhà dân cách khu vực thi 25m cần có sự quan tâm. Ở những khu vực này cần có hệ thống phá sóng mới an toàn, đề nghị PA03 có sự phối hợp”.

Thứ trưởng lưu ý các địa phương dù dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn phải có biện pháp chống dịch tốt nhất tại các trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 20 đoàn thanh tra kiểm tra công tác thi tại các địa phương, ban chỉ đạo thi thành lập 5 đoàn kiểm tra nhưng quan trọng là công tác thanh kiểm tra tại các địa phương, với quan điểm “tăng kỷ cương, giảm vi phạm”.