Dự kiến phương án tuyển sinh vừa được một số trường đại học công bố gây nhiều trang cãi khi sử dụng tổ hợp xét tuyển "lạ", không có môn học chính liên quan trực tiếp đến chương trình/ngành đào tạo.

Cụ thể, ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 4 tổ hợp xét tuyển thì có 2 tổ hợp không có môn Lịch sử là C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Tương tự, năm nay trường Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử, trường cũng xét tuyển theo bốn tổ hợp, trong đó chỉ có duy nhất một tổ hợp có môn Lịch sử là C03 (Văn, Toán, Sử).

Ba tổ hợp còn lại đều không có môn này, gồm: D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), C04 (Văn, Toán, Địa), C14 (Văn, Toán, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Đối với ngành Sư phạm Vật lý, trường Đại học Thủ đô Hà Nội xét tuyển với bốn tổ hợp nhưng chỉ có duy nhất một tổ hợp có môn Vật lí là C01 (Văn, Toán, Vật lí). 3 tổ hợp còn lại đều không có môn này, gồm: D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), C02 (Văn, Toán, Hóa) và C04 (Văn, Toán, Địa).

Trường đại học Đồng Tháp xét tuyển ngành sư phạm Vật lí xét tuyển các tổ hợp Toán - Văn - tiếng Anh, Toán - Văn - Hóa, không có môn Vật lí.

Ngoài ngành sư phạm hóa học xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Vật lí; Toán - Văn - tiếng Anh; Sư phạm Sinh học tuyển tổ hợp Toán - Văn - Hóa...

Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng tăng 5 tổ hợp xét tuyển so với năm ngoái. Trong đó đáng chú ý, ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ sinh dược có 8 trong số 9 tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh học.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đưa ra các tổ hợp xét tuyển không có môn học chính liên quan trực tiếp đến chương trình/ngành đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Ngoài Toán, Ngữ văn là hai môn học nền tảng thì phải có môn năng khiếu, nổi trội liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo.

"Nếu học yếu các môn Vật lí, Hóa học... trong những năm đầu đại học thí sinh sẽ rất vất vả khi học các môn Vật lí cao cấp, Hóa cao cấp. Nhiều sinh viên bị đuổi học cũng vì lý do này", PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, các cơ sở đào tạo buộc phải mở rộng cơ hội, điều kiện cho thí sinh và đưa ra nhiều phương thức/tổ hợp xét tuyển khác nhau để "vét" thí sinh. Nếu không "siết" chặt sẽ dẫn đến sự lãng phí nguồn lực đầu tư của gia đình, nhà trường và xã hội.

"Những tổ hợp xét tuyển 'lạ' không có môn chính liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo thường được thí sinh đặt ở các nguyện vọng phía dưới để nếu không trúng tuyển các nguyện vọng yêu thích phía trên thì vẫn trúng tuyển 'vớt'. Tuy nhiên khi trúng tuyển sẽ rất khó theo học hoặc học nhưng không có sự đam mê", PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Chọn tổ hợp xét tuyển phải gắn với năng lực "thật"

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT học sinh chỉ thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn (trong số các môn đã học trong chương trình lớp 12). Cách tổ chức môn thi này sẽ tạo ra 36 tổ hợp chọn 4 môn thi tốt nghiệp và sinh ra 81 tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học.

Để mở rộng nguồn tuyển, trong mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường đại học đã mở rộng tối đa tổ hợp môn xét tuyển. Có trường sử dụng tới 20 tổ hợp xét tuyển cho một ngành.

Ths. Đặng Minh Tuấn, giảng viên trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) phân tích, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển có thể mở ra cơ hội cho thí sinh nhưng cũng là "con dao hai lưỡi". Nếu lựa chọn các ngành nghề lĩnh vực Khoa học xã hội quá trình tích lũy kiến thức có thể chỉ cần tập trung trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng đối với các ngành liên quan đến Khoa học tự nhiên quá trình tích lũy kiến thức dài hơn.

"Nếu trúng tuyển bằng tổ hợp không có môn học chính liên quan trực tiếp đến ngành học dù thí sinh có cảm giác đủ năng lực học tập nhưng khi nền tảng chuyên ngành không có sẽ tạo áp lực tâm lý dẫn đến chán nản trong quá trình học", Ths. Đặng Minh Tuấn nêu quan điểm.

Báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2024 của Bộ GD-ĐT cho thấy, có hơn 200 lượt phương thức xét tuyển không có thí sinh xác nhận nhập học. Ths. Đặng Minh Tuấn cho rằng đây là điều cảnh báo cho việc mở rộng tổ hợp/phương thức xét tuyển không mang lại hiệu quả. Nếu tổ hợp/phương thức xét tuyển không xét đến nhu cầu, năng lực thực tế của người học thì dù có tạo ra cơ hội thì cũng không ai mặn mà.

"Các cơ sở đào tạo cần đánh giá lại chiến lược tuyển sinh cũng như xem xét nghiêm túc nguồn tuyển học sinh của mình như thế nào", Ths. Đặng Minh Tuấn nói.

Đối với thí sinh, Ths. Đặng Minh Tuấn khuyến cáo cần thận trọng khi lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển đại học. Bởi quá trình học đại học đại là một hành trình dài nên việc chọn tổ hợp phải gắn với năng lực thật.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng những điều chỉnh về quy chế, cách thức tuyển sinh dù thay đổi theo hướng nào thì phải tạo được niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học. Theo đó, việc điều chỉnh (nếu có) phải được ban hành sớm, mang tính ổn định để thí sinh, phụ huynh sớm có định hướng để đến giai đoạn cuối phổ thông, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng những quy định này vẫn có hiệu quả đối với thí sinh.

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 29/3, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị bổ sung hướng dẫn về nguyên tắc xác định tổ hợp môn xét tuyển.

Về nguyên tắc cơ bản, những môn là điều kiện trong chương trình ĐH mà học sinh không học trong chương trình phổ thông thì các trường không được tuyển.

Trong trường hợp, nhà trường đưa ra tổ hợp không có môn đó thì phải kèm theo điều kiện thí sinh phải học môn học này ở bậc phổ thông hoặc có điểm thi tốt nghiệp đạt mức nào đó trở lên.