Hoàng Thu Hiền, 21 tuổi, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ. Hiền cho biết, một tháng trở lại đây ngày nào cũng phải đến 3-4h sáng mới ngủ được, thậm chí có những đêm hoàn toàn thức trắng.
Tình trạng này kéo dài khiến Thu Hiền thường xuyên cảm thấy uể oải, mệt mỏi. Chần chừ mãi, cuối cùng mới quyết định đi khám.“Lúc thăm khám bác sĩ có hỏi chế độ sinh hoạt, bệnh nền và cho làm kiểm tra mức độ lo âu thì đã bị ở mức độ 2 rồi. Bác sĩ cũng nói nguyên nhân là do tâm lý căng thẳng, stress về công việc, học tập và chế độ sinh hoạt không điều độ nên dẫn đến việc rối loạn giấc ngủ” - Thu Hiền cho biết.

Tương tự như trường hợp của Thu Hiền, Trần Đức Anh 22 tuổi, hiện đang sinh sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng thường xuyên bị mất ngủ. Đức Anh cho biết, vì tính chất công việc thường xuyên phải làm đêm nên lúc đầu thì phải cố gắng thức, lâu dần, không phải cố để thức nữa mà mất hẳn thói quen ngủ đêm.
Đức Anh thừa nhận việc liên tục thức đêm, cộng thêm lịch học trên trường khá nhiều khiến em luôn cảm thấy khó tập trung để hoàn thành công việc một cách tốt nhất: “ban ngày ở trường nên thường xuyên không tỉnh táo và không tập trung được. Lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ và thường ngủ gật trên lớp”.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đức Trung, Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết, gần đây có khá nhiều bệnh nhân trẻ đến khám vì bị rối loạn giấc ngủ.
“Theo phân loại về rối loạn giấc ngủ của thế giới gồm 6 loại thì những người trẻ đến đây khám bệnh cũng rơi vào gần như tất cả các thể của rối loạn giấc ngủ”- bác sĩ Trung nói.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu do thói quen sinh hoạt không điều độ, sử dụng nhiều đồ uống có ga, chất kích thích như rượu, bia. Bên cạnh đó áp lực từ học tập, công việc và cuộc sống hiện đại cũng là yếu tố gây căng thẳng, khiến giấc ngủ bị xáo trộn.
Theo bác sĩ Trung, việc bị rối loạn giấc ngủ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe. “Chất lượng giấc ngủ kém sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ban ngày như không tỉnh táo khi tham gia giao thông. Bệnh nhân sẽ mất tập trung. Ngoài ra mất ngủ kéo dài sẽ gây những bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm, kéo dài nữa sẽ dẫn tới các bệnh lý về tâm thần” - Bác sĩ Trung nhấn mạnh.
Bác sĩ Trung khuyến cáo khi bị rối loạn giấc ngủ trong khoảng 2 tuần và các hoạt động ban ngày bị ảnh hưởng thì bắt buộc phải đi khám, không nên chủ quan. Để cải thiện giấc ngủ, người trẻ cần điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, tránh dùng chất kích thích, chất gây nghiện, đặc biệt sử dụng các phương tiện công nghệ cần hiệu chỉnh làm sao cho phù hợp. Ngoài ra trong y học giấc ngủ còn có âm nhạc liệu pháp, hương liệu liệu pháp các bạn trẻ có thể sử dụng./.