Năm 2023 là năm thứ hai trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học. Phóng viên VOV2 phỏng vấn GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội xung quanh Kỳ thi này.
Phóng viên: Thưa ông, theo thông tin từ phía trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, nhà trường sẽ tổ chức kì thi đánh giá năng lực 1-2 đợt vào tháng 4 và tháng 5 năm tới. Xin ông chia sẻ thông tin cụ thể về những điều kiện để thí sinh tham gia?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Trong năm 2022, nhà trường cũng đã coi kỳ thi đánh giá năng lực như một phương thức xét tuyển của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Từ đó, chúng tôi rút kinh nghiệm làm một đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực nhằm có kỳ tuyển sinh với thí sinh có chất lượng tốt vào trường đại học sư phạm Hà Nội.
Để tham dự Kỳ thi này này thí sinh phải đảm bảo 2 điều kiện: Thí sinh phải có hạnh kiểm khá và đạt điểm trung bình môn học các học kỳ từ 6,5 trở lên.
Sẽ có 8 môn thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý). Đối với Toán, Văn thời gian thi là 90 phút, còn các môn khác là 60 phút.
Chúng tôi cũng đã tổ chức tọa đàm giữa các trường sư phạm với nhau và hầu hết các trường đều có một thống nhất mong muốn có một kỳ thi đánh giá năng lực và sau đó trên cơ sở kết quả có thể dùng xét tuyển cho trường mà thí sinh đăng kí .
Phóng viên: Thí sinh tham gia đợt 1 nếu chưa hài lòng với kết quả liệu có thể tiếp tục tham gia đợt 2 không?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Chúng tôi mở cho thí sinh, tức là thí sinh toàn quyền có thể tham gia các kỳ thi khác nhau cho đến khi thấy rằng mình đạt yêu cầu. Còn về số lần thi có thể là 1 hoặc 2 phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký.
Kỳ thi dự định tổ chức không phải chỉ riêng ở Hà Nội. Cho nên trên cơ sở đăng ký của các em, chúng tôi có thể cùng với các trường khác tổ chức ở nơi khác nhau để giảm tất cả những xáo trộn trong sinh hoạt của xã hội ở tất cả các nơi.
Phóng viên: Để bước vào cánh cửa đại học như mong muốn, hiện các thí sinh phải chuẩn tham gia khá nhiều kì thi như thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, thi tốt nghiệp THPT và rồi giờ thêm cả thi đánh giá năng lực. Phụ huynh và các em sẽ rất lo lắng về nội dung thi nếu chỉ học theo chương trình có đủ để thi và đạt kết quả tốt hay không. Điều này dẫn tới việc đổ xô tới các lớp học thêm. Ông có lời khuyên gì?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Chúng tôi hoàn toàn tiên lượng được những điều đó. Chính vì như vậy, nhà trường không muốn gây xáo trộn lớn. Chẳng hạn cấu trúc đề thi vẫn chủ yếu là thi trắc nghiệm đến 70 % cùng 30 % tự luận, chỉ môn Văn ngược lại 70% tự luận và 30% trắc nghiệm. Đây là cách ra đề đã rất quen thuộc với học sinh phổ thông.
Điểm thứ hai, thi tốt nghiệp phổ thông là thi theo các môn và tổ hợp các môn, chúng tôi hiện tại cũng đang làm như vậy. Một điểm nữa là thí sinh không phải chỉ có riêng ở Hà Nội mà nếu thí sinh ở các vùng khác nhau thì chúng tôi có thể tổ chức những điểm thi khác nhau, giảm việc đi lại của các em và gia đình.
Tôi khẳng định không có gì quá phức tạp vì chương trình phổ thông hiện tại đang học vẫn là chương trình của 2006, chưa theo chương trình mới nên không làm cho thí sinh cảm giác khó khăn hoặc là bỡ ngỡ trong kỳ thi, phụ huynh cũng không nên quá lo lắng. Còn thí sinh đã quen cách thi cử này rồi không quá ngại.
Chúng tôi xắp xếp thời gian thi rất gọn, dù các em thi 3 môn thì cũng chỉ trong 1 ngày, không sang ngày thứ 2. Bài thi hoàn toàn nằm trong chương trình, không cần phải ôn luyện gì ở ngoài cả. Nếu như nắm chắc và hiểu được, vận dụng được ở mức độ nhất định các em đã có thể làm bài.
Phóng viên: Đại học Sư phạm Hà Nội đã bắt đầu có nghiên cứu hoặc tính toán cho học sinh 2K7, lứa thí sinh đầu tiên của chương trình phổ thông mới 2018 ?
GS.TS Nguyễn Văn Minh: Chúng tôi đang trên đà chuẩn bị. Khi chuyển từ chương trình 2006 sang chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, bước chuyển căn bản từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực là cơ bản.
Chúng tôi phải xem xét những phẩm chất và năng lực của chương trình 2018 như thế nào và trên cơ sở như vậy thì những kiến thức cốt lõi nào để hình thành những kỹ năng năng lực như vậy. Chúng tôi sẽ phân hóa mức độ: nhận biết, vận dụng, vận dụng cao…
Chúng tôi đang chuẩn bị để lộ trình đến năm lớp 12 của lứa 2K7 tức là năm 2015 có thể yên tâm để triển khai các bước theo chương trình mới sẽ thuận lợi. Lúc đấy thì thí sinh sẽ không gặp khó khăn.
Trân trọng cám ơn ông!.
Theo dự thảo Đề án tổ chức kỳ thi độc lập đánh giá năng lực xét tuyển đại học hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Kỳ thi sẽ được tổ chức 1 hoặc 2 đợt hàng năm vào cuối tháng 4 và tháng 5.
Đối tượng thí sinh là sinh lớp 12 THPT hoặc đã tốt nghiệp THPT, có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo hệ chính quy của Trường đại học có sử dụng kết quả đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển.
Ngoài ra, kết quả đánh giá năng lực này còn mở ra cơ hội để thí sinh đăng kí xét tuyển vào các trường Sư phạm khác trên cả nước.
Năm 2023, 8 trường sư phạm lớn công nhận kết quả và dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì.
Mời các bạn bấm nút nghe chương trình: