Bỏ môn Sinh học để "đáp ứng nhu cầu xã hội"

Thời điểm này, khi rất nhiều trường Đại học công bố thông tin tuyển sinh, dư luận đã dấy lên những lo ngại, băn khoăn trước thông tin một số trường đào tạo khối ngành Y tuyển sinh một số tổ hợp không có môn Sinh học.

Cụ thể như Trường Đại học Y Dược Thái Bình, bên cạnh những tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), nhà trường mở rộng xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh như: D07 (Toán, Hoá, Anh); A00 (Toán, Lý, Hoá) và A01 (Toán, Lý, Anh). Các tổ hợp này được xét tuyển vào một số ngành: Y khoa, Y học dự phòng, Dược học, Y học cổ truyền, Kỹ thuật xét nghiệm y học. Tương tự, Trường Đại học Y tế Công cộng cũng có nhiều ngành xét tuyển không có môn Sinh như ngành Y tế công cộng, ngành Dinh dưỡng, ngành Phục hồi chức năng…

Trường Đại học Y - Dược, ĐH Thái Nguyên từ mùa tuyển sinh trước đã xét tuyển thêm tổ hợp không có môn Sinh học là D07 (Toán, Hóa, Anh) đối với các ngành đào tạo của trường, trong đó có ngành Y khoa.

Theo lý giải từ phía các nhà trường thì việc buộc phải có môn Sinh học trong đào tạo ngành Y “là suy nghĩ truyền thống. Học ở bậc phổ thông là những kiến thức nền tảng. Học tốt Sinh học ở bậc này không có nghĩa là vào trường Y bạn đó sẽ học tốt”. Một số trường đại học đào tạo Y khoa cũng cho rằng trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ, cụ thể Tiếng Anh rất quan trọng cho cán bộ y tế trong tương lai.

Không cần môn Sinh học là đi ngược với quy tắc của ngành Y thế giới

Tuy nhiên, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng năng lực Sinh học là yêu cầu không thể thiếu với người làm nghề thầy thuốc.

“Ngành y là tiếp xúc với con người, con người bản chất là sinh học. Anh không hiểu thì cảm nhận về nghề nghiệp khó. Chưa nói ngoài cảm nhận sinh học, rất nhiều bệnh lí liên quan đến di truyền, học Sinh học mới hiểu tường tận. Quan điểm của tôi, tuyển chọn một người làm nghề thầy thuốc kèm đòi hỏi có năng lực sinh học là yêu cầu xác đáng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh phân tích.

Các trường tuyển sinh viên Y không có môn Sinh học cho rằng chỉ cần các em có nền kiến thức cơ bản thật tốt và có tư duy khoa học. Bạn là người giỏi Toán, có thể bạn giỏi cả Văn, nhưng không ai dám khẳng định bạn giỏi Toán thì sẽ giỏi Văn học, Sinh học. "Tôi đề nghị nên đưa ra tiêu chí một người làm thầy thuốc phải có cảm nhận về Sinh học thật tốt, PGS. TS Đậu Xuân Cảnh nêu quan điểm.

TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng đồng quan điểm khi cho rằng liên quan tới sức khỏe con người, ngành Y có những đặc thù và yêu cầu riêng. Việc không dùng môn Sinh để tuyển sinh là đi ngược với quy tắc chung của ngành Y thế giới trong tuyển sinh.

"Năng lực tư duy của mỗi người quyết định việc sau này họ sẽ làm gì khá nhiều. Ở Việt Nam, khối B dùng để tuyển sinh vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Y khoa đã coi Sinh học như một năng lực cần ưu tiên cho những người theo học để công tác trong ngành Y. Các Quốc gia trên thế giới đều coi Sinh học như nền tảng quan trọng, quyết định để tuyển sinh viên ngành Y.”, TS Lê Đông Phương nhấn mạnh.

Theo TS Lê Đông Phương, bỏ môn Sinh học trong tuyển sinh ngành Y rất có thể dẫn đến tình trạng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu học tập hoặc thậm chí cho ra lò những thầy thuốc thiếu tư duy về sinh học, về con người.

"Trường hợp thứ nhất, sinh viên được tuyển vào không đủ khả năng theo đến cùng, việc bỏ học gây lãng phí cả tiền bạc, thời gian cho người học, gia đình và xã hội. Khả năng tiếp theo, sinh viên đó vẫn học để qua các kì thi, tốt nghiệp ra trường, bước vào thực tế nghề sẽ không trở thành thầy thuốc giỏi. Điều này vô cùng nguy hiểm với xã hội khi ngành Y liên quan mật thiết tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người", ông Đông Phương phân tích.

Thời gian từ nay đến thời điểm tuyển sinh không còn nhiều. Tuy nhiên, với một ngành nghề đặc thù như Y khoa thì việc bỏ Sinh học, môn học cơ bản, nền tàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng đầu ra của những người làm công việc liên quan tới sức khỏe, tính mạng cộng đồng.