Khi con chọn nghề, bố mẹ mông lung:

Bùi Đạt đã 2 năm nay làm chuyên viên thiết kế cho tập đoàn Pcorp. Đây là một trong 2 công ty anh có thời gian gắn bó lâu nhất kể từ khi ra trường cách đây 4 năm. Số lần nhảy việc nhiều nhưng theo Đạt, mỗi hành trình đều đánh dấu sự trưởng thành về nghề cũng như làm dày hơn kỹ năng thích nghi môi trường làm việc mới.

Hành trình đến với nghề của Đạt bắt đầu từ đam mê hội họa. Vẽ tốt và lại được học khá bài bản nhưng để theo đuổi hội họa, gắn với bảng màu giá vẽ thì lại không thực sự là điều anh mong muốn. Khả năng, đam mê mỹ thuật cộng thêm tri thức về xu hướng nghề nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin khiến Bùi Đạt quyết định chọn thi ngành thiết kế đồ họa khi bước vào năm học cuối cấp THPT.

“Một công việc quá mới và quá đặc thù ở thời điểm mình quyết tâm theo đuổi. Mọi người chưa hiểu, chưa biết nhiều nên khi ấy bố mẹ có nói với mình: không biết sẽ giúp con kiểu gì? Xin việc cho con ở đâu? Phụ huynh luôn mong muốn con cái ổn định và có thể hỗ trợ những bước đầu vào đời nên lo lắng cũng là điều dễ hiểu” - Bùi Đạt nhớ lại.

Nhưng thực tế, từ hồi học năm thứ 3 trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương, anh đã có được những khoản thu nhập đầu tiên từ những doanh nghiệp, đơn vị start-up bằng chính ngành thiết kế đồ họa đang được đào tạo.

Đạt chia sẻ, Thiết kế đồ họa có thể xem như một trong những công việc hứng thú nhất trên thế giới. Một công việc rất đặc thù và rất mở nên không khó để tìm việc. Mức thu nhập hoàn toàn dựa vào năng lực của mình và nếu không trau dồi bản thân, nâng cao trình độ thì thu nhập sẽ không thể nâng lên. Và vì là công việc của thời đại nên tập trung đông đảo lực lượng lao động trẻ. Nhảy việc được coi như một xu thế khá phổ biến ở công việc này dù nhiều công việc khác cũng xảy ra câu chuyện tương tự.

"Mình làm việc bằng cả đam mê và có thu nhập nhưng khi hạ thấp mục đích kiếm tiền thì sản phẩm được đầu tư tâm huyết và giá trị vượt khỏi dự kiến để thành một thứ gì đó to lớn hơn, có khi làm nên thương hiệu cho doanh nghiệp, khi khác còn vì cộng đồng. Và mình thường tự gọi đó là “di sản” của bản thân với nghề nghiệp” - Bùi Đạt chia sẻ thêm.

Thiết kế đồ họa đến thời điểm này đã là một khái niệm khá quen thuộc. Nhưng năm 2013, khi Hồng Phương chọn học ngành này ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp lại cực kỳ mới mẻ, mơ hồ.

“Mình may mắn khi mẹ là người nhìn thấy tiềm năng hội họa và đầu tư cho mình theo học từ bé và đồng hành trong suốt quá trình thành nghề. Khi mình chọn học thiết kế đồ họa bố mẹ cũng khá lo lắng về đầu ra vì chưa có hình dung về công việc cụ thể. Thế nên suốt quá trình học phụ huynh cũng tìm hiểu rồi giới thiệu chỗ bác này, cô kia có công việc liên quan đến thiết kế với mong muốn mình sớm ổn định. Tuy nhiên, vì có tuổi trẻ, có bạn bè và thầy cô cũng như có những phương thức hiện đại hơn so với bố mẹ trong tìm kiếm công việc nên từ năm thứ 3 mình đã làm thêm ở doanh nghiệp đúng lĩnh vực được đào tạo” - Hồng Phương nhớ lại.

Thiết kế đồ họa - liên tục thay đổi để đáp ứng yêu cầu công việc

Thiết kế đồ họa dù làm việc, thao tác trên máy tính dựa vào các phần mềm nhưng lại đòi hỏi học hỏi và sáng tạo không ngừng. Hồng Phương đã từng có thời gian chuyển hẳn sang công việc khác, “tự cho phép nhấn nút F5 để khối óc được ngừng nghỉ và cân bằng để mình phải thực sự thoải mái mới có thể trở lại công việc. Thực ra khi đã làm nghề rồi thì khó bỏ hẳn vì công việc sáng tạo luôn thú vị, hấp dẫn”.

Nhảy việc, theo Phương hầu như là điều khó tránh với những bạn trẻ theo đuổi công việc thiết kế đồ họa: “ Các nhà tuyển dụng sẽ rất sợ việc này và mình cũng không khuyên các bạn nhảy việc liên tục. Nhưng với phần việc liên quan đến sáng tạo nếu ngồi yên vị một nơi sẽ khiến chính bản thân cùn mòn khả năng tạo nên những điều mới mẻ. Mặt khác, ở mỗi đơn vị sẽ buộc bạn phải làm quen với một hoặc một vài phần mềm kĩ thuật mới. Đây chính là động lực, là doping để bạn hăm hở với bản thân và công việc mỗi ngày”

Theo thầy Nguyễn Đức Lân, giảng viên khoa Thiết kế đồ họa trường Sư phạm nghệ thuật Trung ương thiết kế đồ họa có thể xem như loại hình nghệ thuật ứng dụng, kết hợp hình ảnh, chữ viết và ý tưởng một cách sáng tạo để truyền đạt thông tin hiệu quả qua các ấn phẩm và các bản trực tuyến.

Được chia theo nhiều mảng hoạt động trên diện rộng nên thiết kế đồ họa có những đòi hỏi khác nhau tùy từng phần việc cụ thể. Nhưng nền tảng chung mà người làm chuyên nghiệp nào cũng cần theo thầy Lân gồm nền tảng về vẽ và các kĩ năng sử dụng phần mềm chuyên biệt để tạo nên sản phẩm thiết kế đồ họa đúng yêu cầu đặt ra.

Bên cạnh đó, người làm nghề cần có kỹ năng giao tiếp tốt để trao đổi, thuyết phục và tìm tiếng nói chung với khách hàng. Ngoại ngữ, đặc biệt ngoại ngữ chuyên ngành cũng cần được người học quan tâm và đầu tư để đáp ứng các phần việc đến từ các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Để nắm vững và sử dụng các phần mềm thiết kế của thiết kế đồ họa, các trường trung cấp, các trung tâm có thể đáp ứng với thời gian đào tạo từ 3 đến 6 tháng. Nhưng để trở thành nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp thì cần một quá trình đào tạo dài hơi, từ 2 đến 5 năm.

Với kinh nghiệm đào tạo và tìm hiểu những lớp sinh viên đã ra trường, theo thầy Lân, thiết kế đồ họa được xếp vào nhóm ngành đem lại thu nhập cao đến rất cao cho người làm nghề. “Sinh viên năm thứ 3 trở đi đã có thể làm thêm với mức 8 đến 10 triệu, mới ra trường trong khoảng 9 đến 12 triệu. Mức thu nhập sẽ tính theo ngoại tệ và có thể ở mức nghìn đô nếu bạn được nhận vào các đơn vị, tập đoàn lớn”.

Xin mời các bạn bấm nút nghe câu chuyện về nghề thiết kế đồ họa từ chính những người trong cuộc