Sáng 16/8, tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam diễn ra Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023-2024 của ngành giáo dục Hà Nội. Tham dự có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng các Cục, Vụ liên quan tới các cấp học.

Đại diện Hà Nội có bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phó giám đốc Sở Giáo dục và các phòng ban liên quan, trưởng phòng giáo dục các quận huyện, thị xã, hiệu trưởng các trường THPT thuộc Sở Giáo dục, giám đốc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố cùng hơn 5000 cán bộ quản lý giáo dục của 2845 trường học, cở sở giáo dục tại 30 điểm cầu của 30 quận huyện, thị xã thuộc Hà Nội.

Báo cáo tổng kết năm học vừa qua, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã điểm lại tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023. Trong đó nhấn mạnh quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển; vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước. Toàn Thành phố hiện có hơn 2.800 trường mầm non, phổ thông với trên 64.700 lớp học, hơn 2 triệu học sinh; gần 123 nghìn giáo viên.

Thành phố tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế với 08 học sinh đạt giải quốc tế, là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 HS đạt giải trong kỳ thi chọn HSG quốc gia. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã tham mưu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội; Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chất lượng cao, trường đạt chuẩn quốc gia; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo…

Cùng với đó, ngành giáo dục Hà Nội cũng nhìn thẳng vào những hạn chế, khó khăn. Có thể kể ra như công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập; một số trường học cũ chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Công tác phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT cũng còn những bất cập.

Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại Điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn.

Hạ tầng công nghệ thông tin chưa được nâng cấp, thay thế kịp thời; hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành vẫn còn khiêm tốn.

Quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023 cũng gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật đồng bộ; giáo viên ở một số môn mới, môn “tích hợp” và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần phải đào tạo, bổi dưỡng…

Tuyển sinh trực tuyến đã được thực hiện khá bài bản ở các trường công lập. Còn một số trường dân lập, trường tự chủ vẫn chưa thực sự nghiêm túc. Một trong những quyết tâm của ngành giáo dục thành phố chính là việc triển khai tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến cho tất cả các loại hình trường, các cấp học nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, dân chủ, tránh sự phiền hà như dư luận xã hội và báo chí thông tin thời gian qua”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ngoài việc biểu dương những kết quả ngành giáo dục Thủ đô đạt được cũng không quên nhấn mạnh những nhiệm vụ cần triển khai ngay nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại từ nhiều năm, ảnh hưởng nặng nề với công tác giáo dục như quy hoạch mạng lưới trường lớp, đáp ứng cơ sở vật chất khi tốc độ đô thị hóa nhanh và tăng dân số cơ học dẫn tới thiếu trường lớp cục bộ, sĩ số học sinh cao và tình trạng quá tải diễn ra trong nhiều năm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu nhấn mạnh: Hà Nội cần dứt điểm, cố gắng làm sao năm học mới dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng đi nộp hồ sơ và đăng ký nguyện vọng cho con. "Thời đại của công nghệ số, của quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước mà còn để thế thì không nên chút nào”, ông Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý Hà Nội về kiện toàn đội ngũ giáo viên đảm bảo triển khai tốt nhất chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; cải thiện thu nhập cho giáo viên, hướng tới xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Hội nghị cũng ghi nhận những câu chuyện, những chia sẻ từ các nhà trường trong việc phát huy sáng tạo, nối dài cánh tay giáo dục, tạo sự tương trợ nhằm giảm bớt chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn nội thành với ngoại thành, Hà Nội với địa phương khác hay thúc đẩy công nghệ thông tin nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy của thầy cô giáo, của quản lí, quản trị nhà trường… Ví dụ như chuyện giáo viên trường liên cấp Marie Curie đã tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học ở Mèo Vạc, Hà Giang. Hay như phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển” với minh chứng từ sự phối hợp giữa trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, Hà Nội với trường THPT Vân Tảo.

Một số khó khăn, thách thức và đề xuất cũng được cán bộ quản lý giáo dục các cấp nêu ra tại Hội nghị. Có thể kể đến như ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đề xuất thành phố xem xét cho chỉ tiêu tuyển dụng viên chức nhân viên y tế và kế toán cho các cơ sở giáo dục, tăng cường thêm cán bộ thư viện, đặc biệt cấp mầm non bậc học mầm non. Bên cạnh đó, theo ông Thuận cũng cần có chính sách khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên có trình độ cao công tác cống hiến cho ngành giáo dục và cần cơ chế chính sách động viên khen thưởng kịp thời học sinh và giáo viên tham gia bồi dưỡng và dự thi đạt giải cao các kỳ thi quốc gia, quốc tế…

Phương hướng cho năm học mới 2023-2024, ngành Giáo dục Thủ đô cũng đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục như thiếu trường lớp, thu nhập giáo viên còn thấp hoặc đẩy mạn hơn nữa chuyển đổi số trong dạy học, quản lý giáo dục và tuyển sinh.