Nhận học bổng toàn phần trước ngày biết điểm thi tốt nghiệp THPT

Với học bạ xuất sắc suốt 3 năm THPT, Thân Trọng An đương nhiên có một “tấm vé” bước vào ngôi trường mơ ước với nhiều bạn trẻ yêu thích công nghệ, trường đại học FPT. Ngay sau đó, vượt qua những tiêu chí kỳ thi học bổng của đại học FPT, An đã xuất sắc giành học bổng toàn phần cho 4 năm học. Thông tin này được trường đại học FPT gửi tới thí sinh Thân Trọng An 1 ngày trước khi An biết tin mình là thủ khoa A1 toàn quốc.

Mẹ An, chị Đặng Thị Út thuộc tuýp người trầm tĩnh, ít nói. Nhắc tới thành tích của cậu con trai út, người mẹ chỉ thể hiện niềm vui bằng câu nói “Mình mừng cho con lắm”.

An chọn học FPT theo chia sẻ từ mẹ, xuất phát từ việc môi trường học sử dụng ngoại ngữ nhiều. An rất thích tiếng Anh và đã đoạt giải Nhì tiếng Anh cấp tỉnh. Bên cạnh đó công nghệ cũng là lĩnh vực thúc đẩy sự tò mò, khám phá và luôn thách thức với người có đam mê như An.

“Nhưng cháu nó quyết định sẽ không học ở cơ sở Hà Nội đâu. An nói sẽ vào Đà Nẵng học”. Có một chút nghẹn ngào xen trong nỗi âu lo mơ hồ của chị Út với cậu con trai.

Trước đây, chị đã kể rằng, dù biết con có năng khiếu Toán nhưng sức khỏe An không cho phép học trường Chuyên của tỉnh cách xa nhà. An có vóc dáng nhỏ, gày gò. Vậy nên cô Út không bao giờ ép con học muộn, ngược lại còn đặt lịch sinh hoạt cho con. Cứ đúng 22h30 là cả nhà đi ngủ, buổi sáng cũng chỉ dậy sớm hơn giờ đi học độ 30 phút để đảm bảo sức khỏe. Đó là những lý do khiến người mẹ không khỏi lo lắng khi con trai chọn học tại một tỉnh miền Trung xa nhà tới gần nghìn cây số.

Có giải tiếng Anh nhưng Toán mới là môn "tủ"

Bố An làm ngành điện, khá bận và cũng không nhớ tri thức sách giáo khoa nên chỉ dạy hai anh em được đến hết lớp 3, từ lớp 4 các con đều phải tự học. Các giáo viên thấy An học tốt nên đưa vào đội tuyển bồi dưỡng còn bản thân bạn chưa từng tham gia lớp học thêm nào. Nhiều lần nhìn con hàng xóm đi học, chị Út cũng hỏi con việc tìm lớp học bổ trợ, nâng cao kiến thức. An khi ấy đã trả lời mẹ: “Các bạn đi học thêm nhiều nhưng thấy điểm cũng không hơn con”.

Từ đó cô Út không lần nào hỏi con việc tìm thầy học thêm. Từ cấp THCS, An đã được các thầy cô đưa vào các lớp đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường. Ngoài lịch học chính khóa và đội tuyển, việc học hoàn toàn do An tự thu xếp. Ngoài giáo viên ở trường, anh trai An (cựu học sinh trường Chuyên tỉnh Bắc Giang) cũng hỗ trợ em học tập.

Việc học giỏi đều và xuất sắc cùng lúc nhiều môn học đã khiến cậu học trò có vóc dáng nhỏ bé này luôn đứng trước những lựa chọn không hề dễ dàng: Tham gia đội tuyển nào của nhà trường? Và rồi chính An đã chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Tiếng Anh và đem về cho nhà trường giải nhì tiếng Anh cấp tỉnh.

Chỉ cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Xuân, đồng thời dạy Trọng An môn Toán hiểu em không chọn học chuyên hay tham gia các kì thi học sinh giỏi môn Toán có lí do từ lo lắng về sức khỏe của bố mẹ với cậu con trai út.

An thích kể về thầy cô, bạn bè. 3 năm học vừa rồi với An có rất nhiều kỷ niệm. Ở đó có những buổi học nhóm cô giáo chủ nhiệm giao cho An hỗ trợ các bạn cùng tiến bộ, có những thầy cô luôn tạo động lực để học sinh vượt qua giới hạn bản thân, có buổi chụp ảnh kỷ yếu vội vàng giữa những kỳ giãn cách vì dịch bệnh.

Khi được hỏi tại sao chọn vào tận Đà Nẵng học, chắc để mẹ bớt "coi như em bé"? An cười "Thực ra không phải thế đâu. Em muốn giai đoạn tới sẽ có nhiều trải nghiệm ở một vùng đất mới. Nó cũng giống như việc học, luôn có sự tò mò thúc đẩy mình khám phá. Em nghĩ đã đến lúc cần biết thêm nhiều thứ hơn”.

Quay lại câu chuyện dứt khoát không đi học thêm, theo An đây hoàn toàn được coi như lựa chọn cá nhân. Ở lớp học thêm, các thầy cô có thể củng cố kiến thức chưa vững hoặc cung cấp thêm những dạng bài hoặc tri thức mà ở lớp chưa có thời gian giảng dạy. Còn riêng An, việc tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời lại chính là động lực cho suốt quá trình học tập.

Có thể lựa chọn Đà Nẵng cho chặng đường 4 năm đại học FPT ở cậu học sinh đặc biệt này cũng xuất phát từ cá tính tò mò, thích tự khám phá và tự bản thân chinh phục, trải nghiệm.