Ngày 19/11, Bộ GD-ĐT long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). Dự Lễ Kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hơn 400 nhà giáo xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo trong cả nước.

Tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc. Khi đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT, trong đó nêu rõ: Hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam.

Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, cả nước có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập; Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục.

Ngoài ra còn có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sỹ, hơn 43.000 PGS, và 550 GS…

Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục.

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự kính trọng, tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy cô giáo trong cả nước, những người gánh vác sự nghiệp trồng người cao cả, vinh quang.

Thủ tướng nói, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc, là nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam.

“Biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Nhiều thầy cô đã vượt khó khăn, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh cống hiến với nghề. Có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục; có thầy cô tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”, Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đạt mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”, "Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế…”; Thủ tướng yêu cầu mỗi thầy giáo, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc; Phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực...

“Mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn, các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm; về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; về khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt khó… các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai; khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ.

Để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến, tại buổi Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo. Chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên giảng dạy các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại…,

“Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác”, Thủ tướng khẳng định.

Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi nhà giáo

Trong diễn văn khai mạc Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói, trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

“Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn”, Bộ trưởng nói.

Nghề giáo, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là nghề cho đi mà không màng nhận lại, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ. Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ GD-ĐT xác định đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục; Là tài sản quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quy định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển.

“Luật Nhà giáo đang được định hình và thiết kế là một bước quan trọng để hiện thực hóa chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo của ngành. Đồng thời, Bộ cũng đang phối hợp với các bộ ngành địa phương từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo, xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh, dân chủ để nhà giáo thực sự thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc của mình”, Bộ trưởng nói.

Việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên cùng với đó là những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trường lớp và các điều kiện làm việc, đặt biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1/7/2023, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo.

Cuối cùng, người đứng đầu ngành GD-ĐT mong toàn thể đội ngũ nhà giáo chung sức, vượt qua những khó khăn trở ngại.

“Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo chúng ta”, Bộ trưởng khẳng định.