Bộ GD&ĐT khẳng định không có chuyện "tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 đến 12" mà đây là 2 trong 7 "ngoại ngữ 1" để lựa chọn giảng dạy trong trường phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12. Mỗi học sinh bắt buộc phải học một thứ tiếng nước ngoài trong 7 "ngoại ngữ 1" đó.

Bên cạnh đó, căn cứ vào "ngoại ngữ 1" (Tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Đức), học sinh có thể chọn 1 trong 7 ngoại ngữ này là ngoại ngữ 2 (không bắt buộc). Ví dụ, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ 1 thì có thể chọn học tiếng Pháp, hoặc tiếng Nga hoặc tiếng Nhật hoặc tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Hàn hoặc tiếng Đức như ngoại ngữ 2.

Tuy nhiên, liên quan tới việc thí điểm giảng dạy tiếng Hàn, tiếng Đức phổ thông hệ 10 năm vẫn còn những ý kiến khác nhau, phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn PGS.TS Ngô Minh Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội):

Quan điểm của PGS thế nào khi Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm giảng dạy tiếng Hàn, tiếng Đức thuộc nhóm "ngoại ngữ 1" trong trường phổ thông?

Tôi cho rằng đây là một quyết định tất yếu, là chuyện bình thường thôi. Luật Giáo dục cũng nhấn mạnh, chúng ta phải tạo điều kiện cho người dân học các ngoại ngữ mà xã hội có nhu cầu, tức là cả tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng, ngoài hợp tác với các nước nói tiếng Anh còn có mối quan hệ sâu sắc về mọi mặt như văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị... với nhiều quốc gia khác. Mặc dù so với tiếng Anh nhu cầu học các ngôn ngữ khác ít hơn nhiều, nhưng nhu cầu lại rất rõ rệt, chẳng hạn như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung...

Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 đã quy định học sinh học ngoại ngữ 1 từ lớp 3. Và ngoại ngữ đó có thể là tiếng Anh hoặc tiếng khác. Nếu nói về các ngoại ngữ được chính thức giảng dạy trong trường phổ thông, trước đây, chúng ta đã quy định tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc là "ngoại ngữ 1" là 4 ngoại ngữ chính thức, được dạy như ngoại ngữ 1 theo chương trình 7 năm (từ lớp 6). Sau đó, năm 2003 tiếng Nhật được đưa vào dạy thí điểm như “ngoại ngữ 1” từ lớp 6 và năm 2007 tiếng Nhật chính thức trở thành môn ngoại ngữ thứ 5 được giảng dạy tại các trường phổ thông. Năm 2016, tiếp theo tiếng Anh được đưa vào giảng dạy như “ngoại ngữ 1” từ lớp 3 (theo chương trình 10 năm), tiếng Nhật cũng được đưa vào giảng dạy thí điểm từ lớp 3 với tư cách là môn “ngoại ngữ 1”. Bây giờ, chúng ta tiếp tục thí điểm đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào dạy từ lớp 3 như là "ngoại ngữ 1”. Tôi cho rằng, quyết định này rất tốt bởi nó tăng thêm cơ hội cho học sinh và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Nhiều người trên mạng xã hội có sự hiểu sai lệch, cho rằng học sinh bị bắt buộc học tiếng Hàn hay tiếng Đức từ lớp 3. Tuy nhiên đây là sự hiểu nhầm. Đúng là theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành năm 2018, môn ngoại ngữ 1 được thực hiện từ lớp 3, nhưng các em có thể học tiếng Anh, hoặc chọn tiếng Nhật, hay tiếng Hàn, tiếng Đức… Việc chọn ngoại ngữ nào phụ thuộc vào điều kiện của từng trường học, từng địa phương, của từng phụ huynh chứ không có sự ép buộc.

Nhiều người cho rằng, việc lựa chọn ngôn ngữ nào đó là "ngoại ngữ 1" để giảng dạy trong trường phổ thông cần căn cứ vào sự phổ biến, tỷ lệ dân số thế giới sử dụng ngôn ngữ đó. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi cho rằng, đầu tiên phải dựa vào nhu cầu của đất nước mình. Chương trình giáo dục cần được xây dựng trước hết từ nhu cầu của xã hội, của đất nước mình, phục vụ dân tộc mình đầu tiên. Thứ hai, cũng cần quan tâm đến nhu cầu của quốc tế và khu vực, bởi vì trong thời đại hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo theo hướng quốc tế, có thể làm việc ở nước mình hoặc làm việc ở nước ngoài.

Riêng đối với tiếng Hàn, theo đánh giá của bà, nhu cầu xã hội, nhu cầu của người học như thế nào?

Tiếng Hàn là một trong những ngôn ngữ có nhu cầu cao của xã hội. Nếu đơn thuần nhìn vào nhu cầu thì những năm gần đây tiếng Hàn, tiếng Nhật có nhu cầu rất lớn, do mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Việt Nam với Nhật Bản đang phát triển rất mạnh, số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản ở Việt Nam ngày càng tăng, số lượng người Việt Nam đi học và làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tăng lên nhanh chóng. Mặt khác, mặc dù có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng ta cũng thấy là những năm gần đây số lượng người Hàn Quốc và Nhật Bản đến Việt Nam làm việc hoặc du lịch rất đông. Điều đó tạo nên nhu cầu lớn về việc dạy- học tiếng Hàn và tiếng Nhật. Bên cạnh tiếng Hàn và tiếng Nhật, tôi thấy tiếng Trung cũng có nhu cầu rất lớn.

Việc quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông với tư cách là "ngoại ngữ 1", chúng ta cần phải chuẩn bị những gì, thưa bà?

Trước mắt tiếng Hàn, tiếng Đức được đưa vào với tư cách là môn thí điểm. Trước đây khi chúng ta đưa môn tiếng Nhật với tư cách là "ngoại ngữ 1" theo chương trình 7 năm cũng phải trải qua 2 vòng thí điểm. Thí điểm về chương trình, về sách giáo khoa cũng như việc triển khai dạy- học trên thực tế. SGK được sử dụng hai vòng, được đánh giá hàng năm từ góc độ người dạy và người học, sau đó được chỉnh sửa và được ban hành chính thức. Chu trình thí điểm cho việc giảng dạy chương trình tiếng Nhật 7 năm trước đây hết đúng 10 năm (từ năm 2003 đến 2013). Tương tự như thế, khi đưa tiếng Nhật vào dạy lớp 3 từ năm 2016, Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện chu trình thí điểm.

Tiếng Hàn hay tiếng Đức cũng vậy. Khi đưa vào thí điểm cũng phải chuẩn bị từ cấp độ quản lý nhà nước, chỉ đạo xây dựng chương trình thí điểm, xây dựng SGK thí điểm, tổ chức các hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm, chuẩn bị đội ngũ giáo viên v.v.. Chúng ta cũng nên huy động sự cộng tác, giúp từ phía các cơ quan của nước bản ngữ. Các trường tham gia chương trình thí điểm cũng cần phối hợp nhịp nhàng với phòng giáo dục, sở giáo dục, Bộ GD&ĐT, cần nắm vững và truyền đạt chính xác tới phụ huynh các thông tin về vị trí, vai trò của môn học, của ngôn ngữ đó… trên tinh thần là cùng đồng lòng để tạo cơ hội tốt nhất cho học sinh.

Trân trong cảm ơn PGS.TS Ngô Minh Thủy!