Sự giàu đẹp của tiếng Việt đã làm nên bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt, bản sắc tức là những nét đặc trưng mà nếu mất đi thì nó không còn là nó. Theo GS Nguyễn Văn Khang, giữ cho tiếng Việt có một bản sắc đẹp đẽ tức là chúng ta phải khơi nguồn tất cả những nét giàu và đẹp. Tiếng Việt của chúng ta có thanh điệu. Thanh điệu nó như là nốt nhạc thì đó là bản sắc rất đẹp của tiếng Việt mà không phải ngôn ngữ nào cũng có.

Trong tiếng Việt, trật tự từ rất quan trọng hoặc có hàng loạt từ mang tính ngữ pháp, gọi là hư từ. Đấy chính là bản sắc của tiếng Việt. Tiếng Việt của chúng ta như là một kho lưu giữ toàn bộ quá khứ, lịch sử, truyền thống của người Việt. Chúng ta có những thành ngữ, tục ngữ rất hay như: "lá lành đùm là rách", "dậu đổ bìm leo”...

Cũng theo GS Nguyễn Văn Khang, tiếng Việt mang dấu ấn của đời sống, chẳng hạn như trong câu “bán anh em xa mua láng giềng gần” nói lên tính trọng tình nghĩa của người Việt. Ngôn ngữ tiếng Việt mang tâm hồn của người Việt và chúng ta phải phát huy nó.

Còn theo PGS.TS Phạm Văn Tình, sự giàu của tiếng Việt cũng chính là ở tính đa dạng phong phú và có nhiều giá trị. Ông cho biết tiếng Việt hiện nay có khoảng 17.000 âm tiết, tức là 17.000 thành tố có thể tạo được từ và từ 17.000 thành tố đó người ta xáo trộn và kết hợp với nhau tạo thành các từ mới và có thể nói có hàng triệu kết hợp. Riêng thuật ngữ tiếng Việt hiện nay trong tất cả các chuyên ngành đã có hàng chục vạn.

Điều đó cho thấy tiếng Việt là một cái hệ thống ngôn ngữ rất đa dạng, đa chiều và bản thân từ ngữ đó lại có những nội dung ngữ nghĩa có những biểu hiện sắc thái khác nhau.

Tiếng Việt đẹp ở chỗ là nó có một sắc thái riêng, độc đáo, thể hiện được trí tuệ dân gian và được thử thách qua hàng ngàn năm người Việt giao tiếp tiếng nói với nhau. Và có thể thấy tiếng Việt thể hiện mọi cung bậc suy nghĩ tình cảm của con người Việt Nam. Về điều này, PGSTS Phạm Văn Tình giải thích:

“Tiếng nói của người Việt là một thứ tiếng nói mà ngôn ngữ gọi là đơn âm, vì thế cho nên nó có những cái biểu hiện đặc biệt riêng. Tiếng Việt có 6 thanh điệu, một trong những ngôn ngữ nhiều thanh điệu nhất trên thế giới. Và người ta nói tiếng Việt lên bổng xuống trầm như hát và có thể nói là thể hiện được mọi cung bậc tình cảm.”

Về việc thể hiện được đa dạng các cung bậc tình cảm trong tiếng Việt, trong bài thơ “Tiếng Việt”, nhà thơ Lưu Quang Vũ cũng đã viết :

“Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh...”

Như vậy cái đa dạng của tiếng Việt cũng chính là nét đẹp, nó thể hiện cái tư duy dân gian, thể hiện văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt được ẩn tàng trong các áng văn chương, trong dân gian, truyền từ đời này sang đời khác....

Tiếng Việt của người Việt dùng để diễn tả tư tưởng văn hóa, tình cảm…. của người Việt. Thật tự hào khi một số chính khách nước ngoài đã sử dụng được một cách rất tinh tế những câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du, để thể hiện tình cảm dành cho Việt Nam. Tổng thống Mỹ Bin Clinton khi đến Việt Nam đã nói: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Hay Tổng thống Obama thì lại dùng câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây,/ Của tin gọi một chút này làm ghi"...

Hơn thế nữa, vừa qua, hai trường đại học danh tiếng thuộc khối Ivy League là Đại học Brown và Đại học Princeton tại Mỹ đã cùng hợp tác triển khai khóa học tiếng Việt đầu tiên theo hình thức học trực tuyến qua Zoom. Đây là một thông tin rất đáng tự hào vì đó là điều càng minh chứng rằng tiếng Việt của chúng ta đã có một vị thế nhất định ở trên trường Quốc tế, mà cụ thể là nước Mỹ, một cường quốc văn minh phát triển đã sử dụng tiếng Việt như một thứ ngoại ngữ để dạy cho sinh viên.

Về vấn đề này PGS,TS Phạm Văn Tình chia sẻ: "Bằng sự cống hiến của người Mỹ gốc Việt, bằng vai trò của ngôn ngữ tiếng Việt, theo tôi biết là Mỹ đã chấp nhận tiếng Việt như một ngoại ngữ trong các trường với các cơ sở dạy đại học. Trong một lần trao đổi với giáo sư Bùi Quyên Duy ở bang California, Giáo sư là một trong những người đang dạy tiếng Việt ở đó, và ông nói là trước đây chúng tôi dạy tiếng Việt chỉ là dạy cho những người muốn học tiếng Việt, muốn tìm hiểu tiếng Việt và chủ yếu là dạy cho cộng đồng người Việt. Nhưng bây giờ thì tôi dạy tiếng Việt với tư cách là một giáo viên ngoại ngữ. Tức là nếu anh biết tiếng Việt thì coi như anh đã biết một ngoại ngữ.”

Quả thật: “Chính cái giàu đẹp đã làm nên cái chất, giá trị, bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt”. Chúng ta cần phải phát huy bản sắc tinh hoa, cũng chính là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn sự giàu đẹp của tiếng Việt, văn hóa Việt để góp phần giữ vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…..