Ngoài lối nói lái, người xưa còn có nhiều kiểu chơi chữ khác cũng rất thú vị, chẳng hạn như : “Bà già đi chợ Cầu Đông, bói xem một quẻ có chồng lợi chăng ?/ Thầy bói gieo quẻ nói rằng lợi thì có lợi mà răng không còn.”, “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, hay là câu “tài cao học rộng làm chi, hai chữ ê – f cũng thi vị đời”... Trong những trường hợp này, các câu ca dao, tục ngữ đã biến chuyển một cách tài tình thông qua thủ pháp đồng âm,...

Vậy thủ pháp đồng âm được sử dụng trong chơi chữ như thế nào? Chuyên gia ngôn ngữ, TS Đỗ Anh Vũ giải thích về một số câu ca dao tục ngữ sử dụng thủ pháp chơi chữ này.

Câu “Bà già đi chợ Cầu Đông, bói xem một quẻ có chồng lợi chăng ?/ Thầy bói gieo quẻ nói rằng lợi thì có lợi mà răng không còn”, theo TS Đỗ Anh Vũ, đây là một câu ca dao nổi tiếng sử dụng chơi chữ bằng thủ pháp đồng âm.

Trường hợp này có hai chữ lợi, chữ thứ nhất là “bói xem một quẻ có chồng lợi chăng?”, chính là ích lợi, ý muốn hỏi chồng là tốt hay không tốt? Còn một chữ lợi khác, khi ông thầy bói gieo quẻ nói : “lợi thì có lợi mà răng không còn”. Chữ lợi ở đây đi liền với chữ răng, thuộc về răng hàm mặt.

Câu này mang tính chất đùa vui qua ý diễn tả hành động bà già mà vẫn còn nghĩ tới việc lấy chồng, thật bất thường! Rồi chuyện ông thầy bói nói là lợi thì có lợi mà răng không còn, điều này ám chỉ bà già có thể đã bị móm, không còn răng mà chỉ còn lợi thôi, và như vậy thì lấy sức đâu ra để mà lấy chồng! Ở đây tiếng cười bật ra một cách rất hóm hỉnh. TS Đỗ Anh Vũ kết luận trường hợp này là chơi chữ theo kiểu là đồng âm khác nghĩa của hai chữ lợi. TS cho rằng đôi khi tác giả dân gian cố tình nói về nghịch lý, những câu chuyện rất bất thường như ở trường hợp này bà già rồi mà vẫn muốn lấy chồng, ông thầy bói dự đoán tương lai thì lại nói theo kiểu rất nôm na, không ăn nhập gì với nhau giữa câu hỏi và câu trả lời.

Về trường hợp hai câu thơ: “Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc/ Thương nhà, mỏi miệng cái gia gia”, TS Đỗ Anh Vũ cho biết đây là hai câu thơ rất nổi tiếng trong bài “Qua đèo ngang” của bà Huyện Thanh Quan. Ở đây lối chơi chữ được thể hiện rất thú vị ở hai từ là quốc quốc và gia gia.

TS Đỗ Anh Vũ phân tích: với từ quốc, ý nghĩa thứ nhất tác giả muốn nói đến con chim cuốc, và ý nghĩa thứ hai là nói về tổ quốc. Bà Huyện Thanh Quan đã mượn chuyện miêu tả về con chim để nói lên nỗi lòng của mình với giang sơn xã tắc, để nhớ về những triều đại vàng son đã qua. Câu thứ hai là cái gia gia. Gia gia là cách gọi khác của loài chim đa đa, nhưng mà chữ gia gia ở đây theo âm Hán Việt thì nó cũng có nghĩa là nhà. Theo TS Đỗ Anh Vũ, ở đây trong cùng một câu thể hiện vừa có chữ nước, vừa có chữ quốc, vừa có chữ gia, vừa có chữ nhà... thì cái dụng ý chơi chữ của tác giả khá là rõ ràng trong việc vừa tạo ra đồng âm, vừa tạo ra đồng nghĩa để nói lên việc nhớ nước thương nhà!

Thính giả Nguyễn Hải Anh ở Hà Nội cũng thắc mắc về một câu liên quan đến việc học rộng tài cao, nghe rất đặc biệt, đó là câu: “Tài cao học rộng làm chi, hai chữ ê – ép cũng thi vị đời”. Anh Hải Anh cũng thấy khó hiểu về hai từ ê-f.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, trong trường hợp này tác giả cũng đã sử dụng lối chơi chữ đồng âm khá thú vị để nói về nghề kéo xe tay ngày xưa. TS giải thích những người kéo xe tay khi chạy trên đường thấy có chướng ngại vật cản đường, thì họ thường kêu lên là ê – ép vô, với ý là tránh ra, nép vào một bên, để có đường cho họ kéo xe. Ê – ép ở đây còn là hai chữ cái của tiếng Pháp, ngôn ngữ khá thông dụng, rất quen thuộc ở nửa đầu thế kỷ 20, và chúng ta đã có cả một đội ngũ trí thức tây học theo tiếng Pháp... TS Đỗ Anh Vũ cho rằng vế câu “tài cao học rộng làm chi” thực ra nó cũng là một câu mang tính chất đưa đẩy dẫn dắt, và thêm cả tính chất trêu đùa nữa. Ở đây ý nói là khi hoàn cảnh xô đẩy thì kể cả những người tài cao học rộng cũng có thể phải đi làm nghề kéo xe. Chơi chữ ở đây xuất hiện ở hai chữ ê, f, nó vừa là tiếng kêu của người kéo xe, nhưng nó cũng vừa là hai cái chữ cái trong bảng chữ cái của tiếng Pháp.