Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030. Hội nghị được tổ chức tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham gia chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc và các đại biểu, nhà khoa học đến từ các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, có thế mạnh về nghiên cứu và đào tạo Toán học.

PGS.TS. Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện NCCCT) báo cáo kết quả 3 năm triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 (Chương trình Toán). Theo ông Hà: Chương trình bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, và một trong những nội dung quan trọng nhất đó là xây dựng được các văn bản quản lý và hướng dẫn triển khai Chương trình Toán: Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên của Chương trình do Bộ Tài chính ban hành, các kế hoạch và quy chế xét tặng giải thưởng, học bổng cho sinh viên ngành Toán do Bộ GD-ĐT ban hành,...

Chương trình Toán trong 3 năm qua đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ: đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức Toán học; thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao; hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán và hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán.

Là người tham gia vào Chương trình Toán ngay từ những ngày đầu, tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Ngay từ Chương trình Toán giai đoạn đầu tiên (2010 - 2020) đã khẳng định được những hiệu quả đối với công tác thu hút khuyến khích học sinh, sinh viên giỏi thông qua việc cấp học bổng. Việc trao học bổng thường niên như vậy đã trở thành sự động viên cho các bạn trẻ có đam mê theo học ngành toán.

Bên cạnh đó, Chương trình tổ chức các trường hè cho sinh viên, học sinh. Qua đó mời các chuyên gia đến giảng dạy, để sinh viên, học sinh có điều kiện giao lưu với nhau, góp phần nâng cao năng lực đồng đều cho các em Tham gia trường hè, các em học sinh ở tỉnh xa cũng có điều kiện để được tiếp xúc, được học tập với các thầy cô, các chuyên gia nổi tiếng. Ngoài ra chương trình cũng xây dựng các bộ tài liệu dành cho các học sinh và các thầy cô.

Trong giai đoạn hai (2021-2030), Chương trình có tổ chức thêm những hoạt động liên quan đến việc dạy trực tuyến cho một nhóm các bạn học sinh được tuyển chọn từ các đội tuyển, việc này góp phần giúp đội tuyển học sinh giỏi Toán các tỉnh nâng cao thêm chất lượng.

Đặc biệt, Chương trình Toán đã làm rất tốt nhiệm vụ kết nối và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đến trao đổi học thuật, nghiên cứu và giảng dạy. Năm 2023, đã có 90 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài về nước tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc (Hội nghị được tổ chức 5 năm 1 lần), tạo sự kết nối giữa cộng đồng Toán học Việt Nam trong và ngoài nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận về những khó khăn, hạn chế, đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2024 - 2026.

Cụ thể, Chương trình Toán phải làm sao để trong giai đoạn tiếp theo phát huy hết được thế mạnh và sức mạnh không chỉ trong lĩnh vực Toán học mà còn trong các ngành, lĩnh vực có sử dụng hàm lượng Toán cao ở Việt Nam. Làm sao để thu hút thêm số lượng học sinh giỏi Toán lựa chọn theo đuổi đam mê toán học, tăng hứng thú để có thể ứng dụng toán học nhiều hơn vào các lĩnh vực đời sống, có thể sử dụng toán học thống kê trong các ngành đào tạo khác nhau liên quan đến kinh tế, kỹ thuật và công nghệ.

Mục tiêu trong chương trình là hỗ trợ đầu tư khoảng 400 tiến sĩ toán học, muốn đạt được con số này cần có sự hỗ trợ thiết thực để thu hút các thí sinh, để họ có thể đi học tiến sĩ và chuyên tâm làm nghiên cứu (ví dụ như cấp học bổng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh các ngành Toán)- TS Trần Nam Dũng đề xuất.

TS. Tạ Thúy Anh - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Phenikaa cho biết: "Sau khi hoàn thành luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ ở trường Đại học Montreal, Canada và trở về Việt Nam vào năm 2019 chị rất lo lắng vì khi mình về Việt Nam thì mình có thể hòa nhập được với môi trường nghiên cứu ở Việt Nam hay không? Nhưng khi tuyển dụng vào Trường Đại học Phenikaa và nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030 cô đã nhận được 1 đề tài cấp Bộ và đề tài thực sự đã giúp cô có thêm động lực tinh thần cũng như hỗ trợ về mặt kinh tế để cô có thể tham gia các hội thảo quốc tế và các hội nghị trong nước. Đồng thời, cũng có thêm kinh phí để hướng dẫn các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học và để phát triển con đường nghiên cứu của mình.

Theo TS. Thúy Anh: Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học của Bộ GD-ĐT đã giúp cho các bạn học sinh, sinh viên rất nhiều, nhất là trong việc tài trợ kinh phí để các bạn có thể theo được con đường nghiên cứu toán học. Đồng thời, cũng giúp cho các bạn có thêm động lực về tinh thần, về kinh tế để cho các bạn có thể yên tâm theo con đường này. "Tôi hi vọng ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình hơn nữa giống như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học để có thể đầu tư cho các nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học nữ, các bạn học sinh, sinh viên theo con đường nghiên cứu toán và khoa học".

Tăng Trung Lộc, nghiên cứu sinh Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Chương trình toán đã giúp đỡ em rất nhiều, từ lúc học cấp 3 nhờ Chương trình toán em đã được học các trường hè bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh THPT chuyên Toán. Và việc được nhận học bổng cũng như được tham gia những buổi “Seminar”- chuyên môn ở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đặc biệt 2 tháng nay em được đến Viện làm việc cùng với nhóm nghiên cứu của thầy hướng dẫn, được nghiên cứu ở đây càng củng cố thêm tình yêu toán của em và giúp em tự tin theo đuổi lĩnh vực toán học.

PGS.TS. Lê Công Trình, Trưởng khoa Toán - Thống kê, Trường ĐH Quy Nhơn cũng ghi nhận những kết quả mà Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán đã đem lại cho việc giảng dạy môn Toán ở nhiều bậc học. Theo PGS.TS. Lê Công Trình: bên cạnh những hoạt động hỗ trợ cho nghiên cứu toán học đỉnh cao chương trình còn hỗ trợ các hoạt động ứng dụng toán học, đặc biệt là sự hỗ trợ thiết thực cho giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, rất nhiều các hoạt động về phổ biến tri thức toán học cũng đã đạt được kết quả quan trọng, tạo hứng thú cho học sinh. 

PGS.TS. Lê Công Trình cũng đề xuất trong các năm tiếp theo bên cạnh những hoạt động do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trực tiếp tổ chức, cần có sự đầu tư về tài chính, hỗ trợ về con người để các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có thể chủ động tổ chức các hoạt động của Chương trình toán. Trong giai đoạn hiện nay AI đang phát triển rất mạnh, giáo viên phổ thông và kể cả giảng viên đại học cũng đang mong muốn có những hỗ trợ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học, đặc biệt giáo viên phổ thông. Cần hỗ trợ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy toán.

PGS.TS. Phan Thành An, Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP Hồ Chí Minh đề xuất Chương trình Toán cần quan tâm đến việc phát triển toán ứng dụng, phát triển liên ngành, trước hết là với ngành khoa học máy tính đồng thời chú trọng đến sự phát triển của toán học cùng với quan hệ với các ngành khoa học khác, phối hợp với các chủ trương chính sách trong khoa học công nghệ và phát triển về kinh tế xã hội.

PGS.TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, Chủ tịch Hội Toán học thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao việc Viện NCCCT tuyển chọn giảng viên của các Trường đến Viện làm việc. Ông đánh giá việc này giống như họ được đi “du học nước ngoài”.

Tuy nhiên, ông Quân rất lo ngại việc các trường đại học hiện giờ "bỏ toán" rất nhiều và đó là tình trạng đáng báo động khi các trường chọn cái dễ để dạy cho sinh viên dễ ra trường, "điều này sẽ để lại hậu quả rất tai hại". Ông Quân cũng bày tỏ quan điểm mong muốn Bộ GD-ĐT công nhận Kỳ thi Olympic Toán học sinh viên, học sinh toàn quốc do Hội Toán học Việt Nam tổ chức để công nhận thành tích đối với các học sinh, sinh viên đạt giải, vì đây là một kỳ thi có uy tín cao đã được tổ chức nhiều năm, để đạt được giải thưởng Olympic Toán học là hoàn toàn không dễ.

GS.TSKH. Vũ Hoàng Linh - Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Cách đây 20 năm có rất ít người Việt Nam làm việc trong nước có thể đăng bài trong các tạp chí top đầu, nhưng bây giờ tình hình đã thực sự được cải thiện. Thứ hai nữa, thế hệ những người cán bộ làm toán ở Việt Nam từ các viện nghiên cứu đến các trường đại học đã có sự trẻ hóa rất mạnh mẽ nhờ hiệu quả rất lớn của một số chương trình đào tạo và từ các trường đại học và viện nghiên cứu như chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng ngành toán học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và chương trình cử nhân khoa học tài năng ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bên cạnh đó là các chương trình cao học quốc tế của Viện Toán học phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chương trình cao học quốc tế ở Khoa Toán-Tin của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia TP.HCM.

Những chương trình này đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo ra được thế hệ đội ngũ các nhà toán học trẻ xuất sắc hôm nay. Điều này để thấy rằng, phần lớn các hoạt động chúng ta làm bây giờ nhưng sẽ chỉ thấy được kết quả thực sự của nó sau 5-10 năm, thậm chí 20 năm sau.

Hiện nay, các chuyên gia Toán học mới chỉ tham gia và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng khung chương trình cho khối ngành toán và thống kê. Trong khi chương trình công nghệ và kỹ thuật, chương trình kinh tế thì nên học toán như thế nào, thời lượng bao nhiêu? cũng cần phải tính toán cho phù hợp chứ không nên rút ngắn, rút gọn phần toán học vì trong dài hạn việc này sẽ ảnh hưởng đến công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo chuyên gia chứ không phải là chỉ những người làm công việc thông thường.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những kết quả mà Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học làm được trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cũng như là khoa học liên quan đến lĩnh vực toán học. Tuy nhiên giai đoạn tới, Bộ GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm với vai trò là đơn vị quản lý Chương trình sẽ thường xuyên có văn bản đôn đốc nhắc nhở các bộ ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu làm tốt việc này.

Đối với môn Toán ở bậc phổ thông, Bộ GD và ĐT rất quan tâm đến môn học này vì tính chất nền tảng, liên quan đến toàn bộ đội ngũ nghiên cứu, ứng dụng và công nghệ của đất nước.

Đối với bậc đại học, về chương trình đào tạo thì chúng ta cũng cần phải tham khảo xu thế của thế giới, của các nước tiên tiến để xây dựng chuẩn chương trình và Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm thẩm định chương trình này.

Thứ trưởng cũng đề nghị: “cần tiếp tục nghiên cứu, tạo sân chơi cho các nhà khoa học đặc biệt là nhà khoa học trẻ. Chú trọng thu hút các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia vào các hoạt động nghiên cứu giảng dạy toán học.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong Top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học; có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp; hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.