Tấm bằng thạc sỹ là “điểm cộng” để mở rộng cánh cửa nghề nghiệp

Là sinh viên năm cuối đang theo học một ngành kỹ thuật tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, theo Bùi Công Trí kiến thức 5 năm trên giảng đường đại học có thể giúp em có được việc làm nhưng việc tiếp tục bổ sung tri thức sẽ giúp em tạo ra những giá trị mới, tự tin hội nhập vào thị trường lao động hơn và đặc biệt học ngay sau khi tốt nghiệp giúp em có thể tiếp thu kiến thức một cách liên tục, không bị ngắt quãng.

“Định hướng của em cố gắng là được đi du học ở nước ngoài. Bởi vì bản thân em thấy là nếu mà học ở Việt Nam thì cũng tốt. Tuy nhiên là so với cả công nghệ của các nước khác trên thế giới thì thú thật là người ta hơn mình. Cho nên em muốn là đi học thạc sỹ ở nước ngoài để có thể mở mang được tầm nhìn của mình hơn”, Công Trí chia sẻ.

Học lên thạc sỹ sau khi tốt nghiệp đại học cũng là giấc mơ ấp ủ ngay từ những ngày còn là sinh viên năm nhất của Đỗ Thị Quỳnh Chi, sinh viên ngành Kỹ thuật Thực phẩm, Đại học Bách Khoa. “Học thạc sĩ là một phần không thể thiếu trong con đường sự nghiệp của em”, Chi khẳng định.

Với một thực tế có không ít sinh viên có suy nghĩ tốt nghiệp đại học xong cứ đăng ký học lên thạc sỹ vì đằng nào cũng chưa có việc làm, theo Quỳnh Chi, như vậy là lãng phí. “Mình đã dành rất nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc để học lên cao như thế rồi mà nếu học mà không có mục tiêu, định hướng thì rất dễ làm trái ngành trái nghề mà không áp dụng được những gì mình đã học được thì em thấy rất là lãng phí.”

Không giống như Công Trí và Quỳnh Chi mong muốn tiếp tục học thạc sỹ ngay theo đúng chuyên ngành ở đại học, Thùy Linh sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Thủy lợi lại có một hướng đi riêng. Hiện tại công việc của Thùy Linh hoàn toàn trái ngược với chuyên ngành đã học. “Nếu học thạc sỹ em sẽ học trái ngành bởi vì ngoài học vì đam mê nghề nghiệp, học để bổ sung và nâng cao trình độ chuyên môn thì học cao học trái ngành biết đâu là sẽ giúp mình đón nhận được những cơ hội mới.”

Trước sự đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động, việc trang bị các kỹ năng và nâng cao kiến thức chuyên môn qua các bậc học cao hơn là nhiều bạn trẻ đang hướng tới.

Học thạc sỹ: phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp của mỗi bạn

Theo thầy giáo Đặng Minh Tuấn, giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc học thạc sỹ sau đại học có thể phân làm hai luồng. Một luồng là thạc sỹ học các môn thiên về học thuật và nghiên cứu; hai là thạc sỹ thiên về ứng dụng.

“Nếu mà các bạn muốn theo về học thuật và nghiên cứu thì việc học tiếp theo sau khi tốt nghiệp đại học là một quá trình thuận lợi về mạch kiến thức liên tục còn nếu mà các bạn lại học thạc sỹ thiên về ứng dụng thì các bạn nên dành thời gian có những trải nghiệm thực tế để từ những trải nghiệm thực tế chúng ta biết là lĩnh vực nào hay cái nhánh nào và yếu tố nào quan trọng khi mình đi học thạc sĩ nó có giá trị cao nhiều hơn, tức là nhận thức về việc ứng dụng nó sẽ tốt hơn rất nhiều khi chúng ta không biết là học xong chúng ta đi làm gì”, thầy Minh Tuấn đưa ra lời khuyên.

Với câu hỏi: có nên học thạc sỹ trái ngành? Câu trả lời phụ thuộc ở định hướng nghề nghiệp của mỗi bạn. Nếu bạn đã chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện hoàn cảnh của gia đình, môi trường xã hội thì bạn có thể lựa chọn một mạch, tức là học luôn ngành đã được đào tạo ở đại học. Việc học ngay và đúng ngành giúp bạn giữ được mạch kiến thức và không phải học thêm các môn chuyển đổi.

Còn trong trường hợp ngược lại, nếu như khi lựa chọn ngành nghề và trong quá trình học tập, bạn chưa nhìn rõ được điểm mạnh, điểm yếu của mình, bạn nên tìm hiểu thêm thông tin, trải nghiệm thực tế hoặc tham khảo ý kiến của những người đi trước. Nếu nhận thấy hướng mà mình đã chọn chưa thực sự phù hợp với năng lực của mình để đi xa hơn, bạn hoàn toàn có thể mạnh dạn đổi sang hướng khác.

"Có nên học thạc sỹ ngay sau khi tốt nghiệp?", "Có nên học thạc sỹ trái ngành?" Nếu trên hành trình nghề nghiệp của mình bạn bắt gặp những băn khoăn tương tự, nghe Hành trình nghề nghiệp để có câu trả lời cho mình: