Phát động từ ngày 31/8-15/10, Ban Tổ chức cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” đã tiếp nhận hơn 80.000 bài dự thi, hơn 60.000 video, gần 200.000 hình ảnh bài viết của thí sinh ở 45 tỉnh/thành phố gửi về hưởng ứng cuộc thi.
Ước chừng cuộc thi đã tiếp cận được hơn 3,2 triệu người, thu hút sự tham gia, phối hợp triển khai của các Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, hệ thống các trường tiểu học trên toàn quốc.
Địa phương có số học sinh tham gia cuộc thi đông nhất là tỉnh Bắc Giang với hơn 1 vạn bài dự thi; TP Hà Nội có hơn 7.000 bài dự thi; tỉnh Đồng Tháp gần 4.000 bài dự thi, tỉnh Bến Tre hơn 4.000 bài dự thi, tỉnh Bắc Ninh hơn 3.000 bài dự thi, tỉnh Thái Nguyên hơn 3.000 bài dự thi,... Ngoài ra, một số tỉnh/thành khác cũng có hàng nghìn thí sinh tham gia như: Hà Nam, Hoà Bình, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Phú Yên, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu,…
"Hơn 80.000 thí sinh tham gia đều rất đáng khen ngợi, tự hào bởi các em đã dám thử sức mình, chiến thắng bản thân ở sân chơi đòi hỏi hình thành và phát huy rất nhiều đức tính như kiên trì, tập trung, chỉn chu, tạo tiền đề cho sự phát triển bản thân trong tương lai...", ông Nguyễn Mạnh Huy, Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Huy, cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” góp phần phát triển phong trào gìn giữ, tôn vinh chữ đẹp Việt Nam ở phạm vi toàn quốc. Do đó, ngoài tiêu chí kết quả điểm số đạt được của thí sinh, Ban Tổ chức còn xem xét ở một số tiêu chí khác như: Tiêu chí quốc tịch, vùng miền, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, thí sinh nghị lực vượt khó.
Kết quả, Ban Giám khảo đã trao 3 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba, 20 giải Tư. Ngoài ra, Ban tổ chức trao một số giải thưởng phụ với tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 300 triệu đồng.
Trong số các thí sinh đoạt giải Nhất có thí sinh Yui Yoshizaki (lớp 4US - trường Liên cấp Dạ Hợp, Hoà Bình) - cô bé mang hai quốc tịch Việt Nam - Nhật Bản gây ấn tượng bởi nét chữ đẹp.
“Từ nhỏ, em đã được gia đình, thầy cô khích lệ, động viên luôn ý thức, gìn giữ nét chữ Việt. Bà em thường nói rằng, trải qua gian nan khổ luyện để cải thiện nét chữ, chúng ta sẽ học được chữ nhẫn, biết tỉ mỉ và khéo léo hơn. Để có được nét chữ đẹp, cần luyện tập chăm chỉ, kiên trì và bền bỉ theo thời gian. Em luôn cố gắng tập viết mỗi ngày”, Yui Yoshizaki bày tỏ.
Đánh giá về chất lượng các bài dự thi năm nay, TS. Xuân Thị Nguyệt Hà - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” lần thứ nhất, cho biết: Trong số hàng vạn bài dự thi năm nay, rất nhiều bài, thí sinh viết đúng mẫu chữ được quy định tại Quyết định 31 ngày 14/6/2002 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành mẫu chữ viết trong trường tiểu học. Đặc biệt, có nhiều bài dự thi trình bày đúng, đẹp và có sáng tạo.
“Để chọn ra các bài viết xuất sắc nhất, Ban Giám khảo đã làm việc một cách công tâm, khách quan, vì một cuộc thi công bằng, minh bạch cho tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi”, TS. Xuân Thị Nguyệt Hà nói.
Trong số các thí sinh lọt Top 150 dự thi Vòng Chung kết, nhiều thí sinh truyền cảm hứng bởi tình yêu với nét chữ Việt.
Đơn cử như thí sinh Hoàng Quốc Hưng (lớp 5B, trường Tiểu học số 2 Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Mặc dù từ khi sinh ra đã không may mắn như các bạn đồng trang lứa, song cậu bé không tay Quốc Hưng vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn “luyện nét chữ, rèn nết người”.
“Em mong rằng, tất cả các bạn học sinh trên cả nước hãy chăm chỉ học tập, cố gắng phấn đấu. Với một cơ thể bình thường, các bạn có thể ước mơ bất cứ điều gì và chắc chắn các bạn sẽ thực hiện được ước mơ đó. Em làm được và các bạn cũng sẽ làm được”, Quốc Hưng chia sẻ thông điệp khi tham gia cuộc thi.
Trong khi đó, Đặng Hoàng Minh, học sinh lớp 1/6, Trường tiểu học Hiệp Thành (tỉnh Bình Dương) cho hay, sau khi tham gia cuộc thi, được các thầy, cô hỗ trợ tận tình, em ước mơ mai này sẽ trở thành thầy giáo để đứng trên bục giảng và dạy học sinh viết chữ đẹp.
Cuộc thi “Chữ đẹp tuổi thơ” lần thứ nhất do Tạp chí Trẻ em Việt Nam (Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) phối hợp với VPP ERAS Việt Nam tổ chức với ý nghĩa tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh.
- 3 giải Nhất (mỗi giải gồm 15.000.000đ, Giấy chứng nhận và quà tặng):
1. Thí sinh Phạm Mai Lâm Đan – Lớp 2C trường Tiểu học Chiến Thắng (Thái Nguyên)
2. Thí sinh Yui Yoshizaki – Lớp 4US trường Liên cấp Dạ Hợp (Hòa Bình).
3. Thí sinh Lưu Hà Phan – Lớp 4A1 trường Tiểu học Điện Biên 1 (Thanh Hóa).
- 4 giải Nhì (mỗi giải gồm 5.000.000đ, Giấy chứng nhận và quà tặng):
1. Thí sinh Nguyễn Thị Linh Nhi – Lớp 2C trường Tiểu học Phường Hồ số 2 (Bắc Ninh);
2. Thí sinh Trần Ngọc Mai – Lớp 2A1 trường Tiểu học Nông Nghiệp (Hà Nội);
3. Thí sinh Huỳnh Ngọc Trân Trâu – Lớp 5B trường Tiểu học Trưng Vương (Phú Yên);
4. Thí sinh Ngô Thị Minh Tâm – Lớp 5H trường Tiểu học Tương Giang (Bắc Ninh).
- 4 giải Ba (mỗi giải gồm 3.000.000đ, Giấy chứng nhận và quà tặng):
1. Thí sinh Vũ Như Nguyệt – Lớp 5B trường TH Thanh Thủy (Hà Nam)
2. Thí sinh Trần Khánh Ngọc – Lớp 4A trường TH Vân Trục (Sông Lô, Vĩnh Phúc)
3. Thí sinh Ngô Bảo Ngọc – Lớp 3C trường TH Châu Khê 2 (Bắc Ninh)
4. Thí sinh Ngô Tố My – Lớp 3D trường Tiểu học Phù Khê (Bắc Ninh)
- 20 giải Tư (mỗi giải gồm 1.000.000đ, Giấy chứng nhận và quà tặng)
Ngoài ra, BTC trao các giải phụ: Giải Nét chữ đầu đời, giải Nghị lực, giải Sáng tác ngắn hay nhất, giải Truyền thông về cuộc thi tốt nhất...