Khi ra nước ngoài du học, các bạn trẻ sẽ phải đối diện và sẵn sàng với nhiều thử thách để hòa nhập với môi trường mới, văn hóa mới với mục tiêu cao nhất: Sẵn sàng, tự tin bước vào thị trường lao động toàn cầu ngày càng rộng mở cho tất cả mọi người đến từ khắp các quốc gia, châu lục.

Đối diện với những khó khăn

Từ kinh nghiệm cả thành công và cả thất bại trong suốt hơn 20 năm hỗ trợ và làm cầu nối cho du học sinh Việt Nam tại New Zealand, cô Nga Blanchard, nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty NZiFOCUS, một nhà giáo dục cho rằng có khá nhiều khó khăn các bạn cần vượt qua để hòa nhập. Trong đó, ngôn ngữ nằm ở vị trí hàng đầu. So với thế hệ trước, du học sinh Việt Nam hiện nay đã giỏi ngoại ngữ hơn nhiều, đặc biệt Tiếng Anh với thành tích 6.0; 7.0 thậm chí 8.0 IELTS. Mặc dù có kỹ năng về học thuật nhưng các bạn thiếu khả năng sử dụng thực tế, khó khăn trong diễn đạt cho người khác hiểu.

Nhiều du học sinh còn gặp khó khi kết bạn dù sự tự tin đã được cải thiện nhiều so với trước đây. Ngay từ đầu các bạn đã tự đặt rào cản với người bản xứ, không chỉ với các bạn bằng tuổi, học cùng lớp mà còn bao gồm thầy cô giáo, hàng xóm, bạn bè khác lớp...

“Việc thể hiện sự thân thiện, muốn làm bạn với mọi người thực ra rất đơn giản. Chẳng hạn như khi vào lớp, bạn chỉ cần nở một nụ cười thôi thì đấy cũng là một hình thức mà cũng gây ấn tượng ban đầu với các bạn, với thầy cô”, cô Nga gợi ý cho những bạn chuẩn bị trở thành du học sinh.

Bên cạnh đó, các bạn cũng cần chú ý đến những khác biệt về văn hóa, lối sống của người bản xứ. Có những chi tiết tưởng rất nhỏ nhưng khiến các bạn du học sinh sốc văn hóa và gây nên những bất đồng. Ví dụ như nhà tắm ở New Zealand luôn giữ khô, trong khi ở Việt Nam nhà tắm thường ướt. Nếu ở chung với chủ nhà, khi chuẩn bị rời nhà tắm, các bạn cần trả lại sự khô ráo bằng việc sử dụng khăn lau. Hoặc ở nhiều quốc gia, trong đó có cả New Zealand, từ cám ơn, xin lỗi được sử dụng thường xuyên như một phép lịch sự tối thiểu hoặc khiến người đối diện cảm thấy thiện cảm, dễ gần hơn.

Khả năng quản lý tài chính cũng được coi như hạn chế với du học sinh Việt Nam. Nhiều bạn trong giai đoạn đầu mới sang chưa mở được tài khoản ngân hàng, được bố mẹ đưa trước tiền mặt dự kiến chi tiêu trong 6 tháng. Và toàn bộ khoản tiền đã bị tiêu hết chỉ ngay trong tháng đầu tiên.

Và đi du học là để học nhưng nhiều du học sinh hoàn toàn không có phương pháp tự học, tự nghiên cứu, vẫn tiếp tục việc học thuộc lòng như khi học ở trong nước.

“Thường những môn như toán, khoa học tự nhiên, du học sinh Việt Nam khá nổi trội nhưng những môn học liên quan tới sáng tạo, phải lập luận, tự đưa ra chính kiến thì đa phần các bạn sẽ gặp khó khăn, lúng túng và điểm không cao”, cô Nga chia sẻ từ kinh nghiệm quan sát nhiều thế hệ du học sinh.

Quản trị bản thân cũng thêm một khó khăn với du học sinh khi nhiều gia đình quan tâm, chăm sóc con em quá mức từ học hành, ăn ngủ, vui chơi. Với mỗi bạn trẻ tìm đến xin tư vấn du học, ngoài hồ sơ, giấy tờ, bảng điểm… cô Nga đều có những buổi trò chuyện, chia sẻ nhằm giúp các bạn biết được điểm mạnh điểm yếu của bản thân, hiểu được mục đích đi để làm gì, cần đạt được là cái gì trong vòng 2,3 năm tới, cần chuẩn bị những kĩ năng gì, hình dung trước khó khăn cũng như trách nhiệm của bản thân khi để có được khoảng thời gian du học, bố mẹ đã phải trả một khoản chi phí rất lớn.

Ở đây, cô Nga cũng đưa ra một lời khuyên về việc bố mẹ hạn chế việc can thiệp quá nhiều các hoạt động trong ngày của con em, làm hạn chế khả năng chủ động. Các bạn chắc chắn sẽ có những lỗi nhỏ như đi học muộn, trễ việc trả bài. Nhưng rồi tất cả đều sẽ vào guồng nếu các bạn hòa nhập nhanh vào cuộc sống mới, cô Nga phân tích. Thời gian có thể nhanh chậm tùy bạn trẻ, tùy cá tính, xuất phát điểm. Nhưng về cơ bản, khoảng 2,3 tháng việc học tập, sinh hoạt sẽ trôi chảy.

Những trường hợp nào buộc phải “giữa đường đứt gánh”?

Ngoài những khó khăn như đã nêu đòi hỏi các du học sinh phải vượt qua, về cơ bản theo cô Nga Blanchar, những khác biệt về thời tiết, món ăn không phải rào cản quá lớn. Hầu hết các quốc gia phát triển hiện nay đều có những cửa hàng kinh doanh thực phẩm, món ăn Châu Á. Trong đó món ăn Việt Nam với sức hấp dẫn đặc biệt cũng được những người Việt định cư tại các quốc gia phát triển thành mô hình kinh doanh. Không khó để các du học sinh tìm được món ăn quê nhà trên đất khách. Thời tiết ở hầu hết các quốc gia phát triển có những giai đoạn khắc nghiệt nhưng bù lại, cuộc sống ở các quốc gia phát triển với những thiết bị, phương tiện hiện đại sẽ hỗ trợ rất nhiều để các bạn vượt qua.

“Như ở New Zealand thời tiết lại rất ôn hòa, cũng bốn mùa một năm. Mùa đông chỉ đêm lạnh hơn tùy nơi, đảo nam lạnh hơn từ 5 độ 3, ban ngày 15, 17 độ, mùa hè nóng lắm chỉ 30 độ”, cô Nga cho biết.

Phân biệt chủng tộc đôi khi cũng xuất hiện nhưng cơ bản cư dân bản xứ rất thân thiện, cởi mở và dễ gần.

Lấy ví dụ về cuộc sống ở New Zealand, theo cô Nga, điểm khác biệt lớn nhất mà ngay lập tức cảm nhận được chính ở việc cư dân thưa thớt, vắng vẻ hơn. Không ít du học sinh bị sốc khi 5h chiều, nhiều cửa hàng, khu vui chơi đóng cửa trong khi ở Việt Nam, đây mới là thời điểm bắt đầu các hoạt động vui chơi, giải trí sau giờ học, giờ làm. Về điều này, cô Nga thường khuyên các học sinh của mình học cách thích nghi bằng cách khiến cho cuộc sống cá nhân bận rộn hơn bằng việc chơi thể thao sau giờ học, tự nấu ăn, làm bài tập và ngủ sớm hơn một chút.

Du học sinh về nước giữa chừng theo cô Nga rơi vào một vài trường hợp. Có thể kể đến như những bạn bố mẹ bắt đi. Nhóm các bạn trẻ này chỉ ở một thời gian rồi tìm cách để trở về. Một nhóm nữa gồm các bạn thay đổi định hướng, lựa chọn nơi mình cho rằng tốt hơn, ví dụ như việc chuyển từ New Zealand sang Canada, Mỹ, Úc…sau một thời gian học tập, rèn luyện đã đủ kĩ năng mềm và khả năng ngôn ngữ. Nhóm thứ 3 rơi vào các bạn trẻ vi phạm luật, cố tình làm những điều các nước sở tại không cho phép.

Sức khỏe cũng là điều khá quan trọng với các bạn trẻ khi phải xa gia đình. Ngoài việc biết cách tự chăm sóc bản thân thì các bạn cần học cách ứng phó với các tình huống bệnh tật khi xung quanh không có người thân, hệ thống y tế lại rất khác biệt. Thực tế, du học sinh luôn được bảo đảm chăm sóc sức khỏe từ gói bảo hiểm. Thứ hai, bộ phận chăm sóc học sinh, sinh viên quốc tế tại các trường đa số rất tốt. Bản thân cô Nga trong nhiều năm ở New Zealand cũng trực tiếp hỗ trợ du học sinh, hướng dẫn ngay lập tức cho những tình huống thực tế.

Đi làm thêm chỉ nên là thêm, học vẫn là chính

Làm thêm với du học sinh cùng lúc mang lại nhiều giá trị như có trải nghiệm thực tế của đất nước các bạn du học, nâng cao khả năng ngôn ngữ, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình hay thêm những khoản chi cho chính các bạn…Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xấu xảy đến với du học sinh như việc bị bóc lột sức lao động, bị trả công dưới quy định, thậm chí bị quỵt tiền công, bị đánh đập ngược đãi…

Tuy nhiên, lời khuyên của cô Nga là đã du học thì xác định du học là chính, đi làm thêm là phụ. "Mình khuyên các phụ huynh nên áp dụng công thức: sẵn sàng hỗ trợ các bạn tối thiểu một nửa tiền sinh hoạt phí, đi làm thêm bù đắp nửa còn lại. Một số chương trình học đi thực tế có thêm thu nhập sẽ được nhiều hơn nhưng cơ bản theo công thức này sẽ an toàn”, cô Nga đưa thêm một lời khuyên.

Nếu các bạn tập trung vào đi làm thêm nhiều, đương nhiên ảnh hưởng tới việc học. Nếu học lại, thi lại một môn ngoài vất vả thì chi phí tính ra gấp nhiều lần mỗi giờ làm thêm, chưa kể sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lí cũng như việc điểm không đủ tốt sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu lâu dài, chính yếu của việc du học.

“Các bạn trẻ phải nắm được Luật bảo vệ quyền lợi của học sinh, sinh viên quốc tế cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động để khi không đúng luật còn tự biết bảo vệ chính bản thân mình. Và nhớ không vì cái lợi nhỏ mà nương theo cái sai của chủ sử dụng, ví dụ như việc trốn thuế bằng việc trả tiền mặt...tiền chênh lệch không đáng mà mình sẽ thiệt hại nếu có vi phạm xảy ra đồng thời khiến mình mất đi sự nghiêm túc, tử tế”.

Định cư cũng được xem như nhu cầu chính đáng của nhiều du học sinh và gia đình các em khi du học là khoản đầu tư lớn về con người, tài chính, thời gian, tình cảm… Yếu tố hàng đầu để du học sinh có thể định cư chính ở yếu tố con người. Bạn cần chọn học đúng ngành nghề quốc gia du học đang cần, chuẩn bị thái độ học hỏi hòa nhập, tôn trọng văn hóa bản địa bởi mình ở vị trí khách đến. Bên cạnh đó cũng cần đem đến, giới thiệu nét đẹp văn hóa riêng của quốc gia mình.

“Du học thành công, bằng cấp chỉ là một phần thôi. Quan trọng nhất ở việc mình được làm công việc yêu thích hoặc những công việc mang lại giá trị, đạt được mục tiêu của mình trong đời, được làm điều mình yêu thích và được xã hội ghi nhận và có cơ hội để phát triển bản thân, cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình, có thể sống được bằng kỹ năng, có thể đến nơi này nơi kia”.

Trở thành công dân toàn cầu, được đón nhận ở các thị trường lao động khác nhau với mức thu nhập thỏa đáng, công việc phù hợp sở thích, cảm nhận được giá trị bản thân theo cô Nga đáng xem như mục tiêu lớn nhất, thành công nhất của việc du học.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trò chuyện: