Ngày 11/7 tại Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và Trung tâm Đào tạo liên tục (Đại học Bách Khoa Hà Nội) ký kết thỏa thuận hợp tác về liên thông đào tạo từ cao đẳng lên đại học.

Tại buổi Lễ ký kết, ông Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho biết, hiện trường đang tập trung đào tạo trong 4 nhóm ngành chính: Cơ khí, Điện-Điện tử, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin. Đây đều là những nhóm ngành nằm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, là nền tảng cơ bản của sản xuất công nghiệp hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Đông cũng khẳng định, sinh viên tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ phải đảm bảo 3 yếu tố: Năng lực nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ và kỹ năng sống. Trường trung thành với mô hình đào tạo 30+70 (30% lý thuyết, 70% thực hành), liên kết và hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để cập nhật xu hướng phát triển từng lĩnh vực nghề nghiệp, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp...

"Sinh viên sau khi tốt nghiệp, đi làm tại doanh nghiệp nhà trường vẫn đồng hành cùng các bạn trong hành trình học tập suốt đời, nâng cao trình độ. Việc ký kết hợp tác giữa nhà trường với Trung tâm Đào tạo liên tục - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm thúc đẩy hoạt động này", ông Nguyễn Tiến Đông chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ Nguyễn Tiến Đông, việc hợp tác đào tạo liên thông trình độ Cao đẳng lên Đại học với Trung tâm đào tạo liên tục của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nhằm tận dụng nguồn lực của hai cơ sở đào tạo, kết hợp với doanh nghiệp từ đó thiết kế xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.

Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và Trung tâm Đào tạo liên tục - Đại học Bách Khoa Hà Nội tập trung vào đào tạo cấp bằng đại học hình thức vừa làm vừa học liên thông từ Cao đẳng lên Đại học; Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và Trung tâm Đào tạo liên tục - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thống nhất các ngành đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, phương thức tuyển sinh theo quy định của Đại học Bách khoa Hà Nội...

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, việc đào tạo liên thông từ bậc Cao đẳng lên Đại học theo thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo sẽ tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề mà tại Bắc Ninh và các vùng phụ cận đang có nhu cầu, trong đó ưu tiên ngành học có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn.

"Trong hợp tác đào tạo này sẽ định hướng đầu ra cho người học ngay từ đầu vào. Người học có thể hình dung hoặc nhìn thấy tương lai vị trí việc làm của mình sau này. Cùng với chính sách của địa phương, cam kết của Doanh nghiệp, cam kết của người học, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng của Đại học Bách khoa Hà Nội, trình độ, năng lực của người học được nâng cao, gắn bó với doanh nghiệp lâu dài, hạn chế tình trạng nhảy việc sau khi được doanh nghiệp đưa đi đào tạo", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Bằng cấp cao trình độ và thu nhập phải cao

Tại buổi Lễ ký kết, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, chính sách của Đảng, Nhà nước về Giáo dục-Đào tạo và Giáo dục nghề nghiệp là phát triển hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời, tạo cơ hội học tập cho mọi đối tượng trong xã hội.

Ông Bình cho rằng, việc hợp tác giữa Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ và Trung tâm Đào tạo liên tục - Đại học Bách Khoa Hà Nội là hiện thực hóa chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao trình độ của người lao động và học tập suốt đời.

Trong việc hợp tác đào tạo liên thông lên Đại học, TS. Phạm Vũ Quốc Bình lưu ý, việc thiết kế chương trình cần phù hợp với thực tiễn, trong đó có sự công nhận kiến thức, kỹ năng của sinh viên đã học trình độ Cao đẳng; Cân nhắc mở rộng đối tượng đào tạo đối với học sinh có trình độ trung cấp hoặc học chương trình giáo dục thường xuyên có thể tham gia các chương trình liên thông để nâng cao trình độ, kỹ năng.

Ngoài ra TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) kỳ vọng, từ sự hợp tác giữa các trường Cao đẳng với các cơ sở giáo dục Đại học sẽ từng bước nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, giảng viên.

"Mục tiêu cuối cùng là đặt chất lượng đào tạo, chất lượng người học và chất lượng việc làm lên hàng đầu. Đào tạo xong thì cơ hội việc làm của người học tốt hơn, thu nhập cao hơn thì việc liên thông học lên trình độ Đại học mới ý nghĩa chứ không phải học xong treo bằng ở đó", TS. Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.