Tại hội thảo Giáo dục năm 2023 về "Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQG Hà Nội nói, đánh giá hiệu quả đào tạo đại học không thể nhìn vào học phí. Hiện nay đầu tư cho giáo dục đại học trên một sinh viên của nước ta đang thấp nhưng hiệu quả đạt được khá cao.

Tuy nhiên, ông Quân cũng đặt vấn đề, nếu cứ đào tạo đại học tràn lan vì học phí thấp, doanh thu cao và đánh giá một trường đại học thông qua doanh thu nghìn tỷ, 1.500 tỷ, đào tạo quy mô lớn mà không biết sinh viên ra trường sau này chất lượng đến đâu, hiệu quả như thế nào thì chúng ta lại quên mất bài toán về hiệu quả mà trong kinh tế gọi là chi phí cơ hội.

Liên quan đến tự chủ đại học, ông Lê Quân nhìn nhận nếu so sánh 10 năm trước thì hiện các trường đại học Việt Nam có quá trình thay đổi rất lớn. Nhưng đây là quá trình tự chủ với rất nhiều việc mới cần phải đánh giá và điều chỉnh.

“Các ĐHQG được cho là đang hưởng cơ chế tốt nhất nhưng trong quá trình làm vướng rất nhiều, trong đó vướng nhiều liên quan đến quy định pháp luật. Luật do chúng ta xây dựng, nếu quá trình triển khai bị vướng có thể dẫn đến độ trễ 3-5 năm, thời gian đó chúng ta có thể làm rất nhiều thứ”, GS.TS Lê Quân chia sẻ.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết cho một số cơ chế đặc thù khác nhau, nhưng chưa có cơ chế đặc thù về giáo dục đại học.

Từ thực tế tại ĐHQG Hà Nội, ông Quân nói, tự chủ đại học thì bài toán Hiệu trưởng rất quan trọng: “Bây giờ đại học không phải là cơ quan quản lý hành chính mà đòi hỏi sự năng động rất cao. ĐHQG Hà Nội giờ tìm được một hiệu trưởng giỏi cũng rất khó khăn. Trong vài năm qua đã có 2-3 đồng chí xin thôi nhiệm vụ hiệu trưởng chuyển sang vị trí khác”.

Một vấn đề khác khiến GS.TS Lê Quân băn khoăn đó là đầu tư cho giáo dục đại học, trong đó, có đầu tư nghiên cứu khoa học. Giám đốc ĐHQG Hà Nội dẫn chứng, một năm cơ sở giáo dục đại này được ngân sách cấp khoảng 75 tỷ cho hoạt động khoa học công nghệ. Trong khi đó, ĐHQG Hà Nội có gần 3.000 tiến sĩ, 6 viện nghiên cứu. Trung bình mỗi viện nghiên cứu được ngân sách hỗ trợ 1,5 tỷ/năm.

“Suất đầu tư như vậy là bất cập. Nếu không đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ rất khó khăn vì khoa học công nghệ ở Việt Nam hay trên thế giới môi trường đại học phải là nơi để làm điều đó”, ông Quân nói.

Mặc dù theo GS.TS Lê Quân, hiện nay trong cơ cấu chi từ học phí thì 8% dành cho khoa học công nghệ. Như vậy, mỗi năm ĐHQG Hà Nội trích từ nguồn học phí được 160 tỉ để chi cho khoa học công nghệ. Nhưng khoản kinh phí này cũng chỉ ưu tiên cấp cho những đề tài bồi dưỡng giáo viên, đề tài cơ sở và giải quyết bài toán hỗ trợ làm tăng thu nhập cho giảng viên. "Tuy nhiên, không ai đi làm khoa học công nghệ lại dùng học phí.

Các đại học xếp hạng cao vừa rồi cũng chỉ trông vào học phí để có thể tăng ranking. Có một số trường đại học họ đầu tư khoa học công nghệ đến 200 tỷ nhưng cũng lấy nguồn từ học phí. Như vậy, bền vững rất khó khăn”, GS.TS Lê Quân nêu quan điểm.

90% sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc nhưng doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại

Nói về chất lượng đào tạo của các trường đại học, Đại tá Dương Xuân Phượng, Phó Giám đốc Học viện Viettel đánh giá về cơ bản chất lượng đào tại hiện nay rất tốt, rất ổn.

Riêng đối với Tập đoàn viễn thông Viettel, đội ngũ nhân sự chủ chốt cơ bản tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Công nghệ (ĐHGQ Hà Nội), Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Những người này thường có văn bằng 2 hoặc thạc sĩ kinh tế ở các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương mại và Học viện Tài chính. Trong đó, 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, Đại tá Dương Xuân Phượng cũng nêu thực tế, trong quá trình sử dụng lao động, Viettel nhận thấy còn tồn tại khoảng cách xa giữa nội dung đào tạo tại trường đại học và thực tế doanh nghiệp.

Cụ thể, chương trình tài năng Viettel Digital Talent đã tổ chức tuyển chọn thực tập sinh tài năng và đã nhận được gần 2.000 hồ sơ ứng viên giỏi, xuất sắc. Tuy nhiên, trong số này chỉ có hơn… 100 sinh viên đạt yêu cầu.

Trong đó, khi khảo sát kỹ hơn 100 sinh viên này thì 3/4 các em tự nhận thấy những gì mình được học chỉ đáp ứng được khoảng 75% yêu cầu công việc, chỉ khoảng 2% cho rằng với những gì mình được trang bị có thể đáp ứng 90% yêu cầu doanh nghiệp. “Còn lại chúng tôi phải đào tạo lại. Một số kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn của sinh viên chưa đáp ứng được”, ông Phượng nói.

Một bất cập khác được Đại tá Dương Xuân Phượng chỉ ra đó là việc đánh giá, phân loại sinh viên khi tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên khá, giỏi, xuất sắc chiếm 99%.

"Ngày xưa nhiều sinh viên trung bình nhưng thực hành tốt, còn nay sinh viên xuất sắc nhưng chúng tôi cũng vẫn phải dạy lại nhiều", ông Phượng nói.

Từ thực tế này, ông Dương Xuân Phượng kiến nghị cần có cơ chế chính sách chung để đánh giá lại thực chất chất lượng đào tạo sinh viên hiện nay. Không nên để tỷ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc quá cao để cuối cùng doanh nghiệp phải đánh giá lại.