Mời các bạn nghe nội dung:

Lo lắng của học sinh chỉ chọn phương án dùng điểm thi tốt nghiệp THPT xét tuyển đại học

Chảo Thị Duyên Sểnh, học sinh lớp 12A1 trường THPT số 2 Bát Xát, Lào Cai vừa kết thúc cùng lúc hai kì kiểm tra tập trung toàn khối gồm bài giữa kì 2 và bài thi thử các môn lựa chọn cho kì thi tốt nghiệp THPT do nhà trường tổ chức. Ngoài hai môn Văn, Toán bắt buộc, Sểnh chọn thi tốt nghiệp bằng Sinh học và Lịch sử.

“Em khá hồi hộp và lo lắng vì bài thi trắc nghiệm phần đúng sai chỉ cần sai một câu thì trừ rất nhiều điểm. Thực sự em và các bạn bị tâm lí rất nhiều. Mới thi đề của trường em thấy có môn vừa sức, có môn thấy phải học hỏi nhiều nữa”, kết quả trả về khiến cô nữ sinh lớp 12 và nhiều bạn cùng lớp khá lo lắng.

Cũng theo Duyên Sểnh, hầu hết các bạn học của em không có điều kiện cũng như năng lực học và thi chứng chỉ ngoại ngữ cũng như các kì thi đánh giá năng lực nên cánh cửa vào đại học hầu hết chỉ trông vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, cách thức ra đề, cho điểm theo chương trình mới với sự phân hóa cũng như cho điểm theo chương trình mới khiến kì thi lần vừa rồi tạo nên “cú sốc” không nhẹ.

Đăng kí ngành Sư phạm Ngữ Văn hoặc tiểu học ở trường Đại học Sư phạm, ĐH Thái Nguyên và Đại học Tây Bắc nên với điểm thi thử chỉ mới cấp trường như vừa rồi, Sểnh khá lo lắng cơ hội đạt nguyện vọng. Giáo viên chủ nhiệm cùng các thầy cô bộ môn cũng động viên học sinh đồng thời đưa ra những hướng ôn tập tăng cường, trước mắt để có thể vượt qua kì thi thử của Sở Giáo dục và Đào tạo vào tháng 5 tới.

Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thuộc nhóm trường top đầu của thành phố. Đến hết học kì 1 lớp 12, hơn 80% học sinh nhà trường đã trang bị thêm những phương thức xét tuyển khác nhằm có được cơ hội vào những trường đại học top đầu như chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Chỉ chưa tới 20% chờ ở kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Hoàng Gia Huy, học sinh 12A4 dự định đăng kí thi Lý, Hóa ngoài hai môn Toán, Văn bắt buộc. Với tổng điểm thi thử 3 môn trong tổ hợp xét tuyển xuýt soát 27 điểm, Huy quyết định thay đổi nguyện vọng từ Trường Đại học Y sang Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc Đại học Bách Khoa dựa trên kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường này:

“Con nghĩ sẽ tiếp tục cố gắng dù cũng bị áp lực khi nhìn các bạn thi nhiều kì thi khác. Nhiều bạn trong lớp đã có đủ phương thức xét tuyển đảm bảo có chỗ trong trường đại học rồi. Tuy nhiên, kì thi thử của thành phố vừa rồi con cảm thấy ổn. Mình cứ cố gắng chắc cũng đạt kết quả”, Gia Huy chia sẻ.

Nguyễn Thông, học sinh lớp 12A5 cũng thuộc nhóm 20% đặt cơ hội vào trường ĐH Dược hoặc Y Hải Phòng từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Kết quả thi thử toàn thành phố thấp hơn con đặt ra khá nhiều nên chắc con cần cố gắng hơn nữa. Ví dụ môn Hóa là sốc nhất vì môn hóa mình có nhiều kiến thức nhưng lại phải có liên hệ thực tế”.

Thông xác định dừng học luyện chứng chỉ ngoại ngữ ngay từ đầu khi đây không phải thế mạnh. Đặt “cược” cánh cửa vào hai trường đại học thuộc diện “khó nhằn” bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Thông nghĩ bản thân cần cố gắng nhiều hơn bằng cách tăng cường thời gian học, gia tăng luyện đề.

Trần Thiện Minh, 12A2 đến lúc này đã “giắt lưng” thêm chứng chỉ HSA sau khi nhận thấy các bạn học đã trang bị thêm nhiều phương án nhằm đạt nguyện vọng ngành và trường đặt ra. Kết quả kì thi thử theo Minh khá gây “thất vọng” nhưng em nghĩ đây cũng đáng xem như trải nghiệm quý để điều chỉnh cách học luyện trong giai đoạn “nước rút”, giúp thí sinh nhìn ra điểm mạnh yếu, cẩn thận hơn với từng câu hỏi nhỏ.

Các nhà trường, các địa phương tăng cường ôn luyện

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đợt kì thi thử toàn thành phố căn cứ kết quả học sinh khối 12 đã đưa ra những nhận định.

Trước tiên, điểm số trung bình đánh giá toàn thành phố năm nay theo bà Bội Quỳnh thấp hơn cùng kì năm ngoái. Cụ thể tại trường THPT Việt Đức, môn Toán chỉ đạt trung bình gần 7 điểm và Ngữ Văn từ 8 điểm, năm nay còn hơn 7 điểm.

“Kết quả kiểm tra khảo sát chung của toàn thành phố chúng tôi có thước đo để nhìn lại cả quá trình học tập để xây dựng kế hoạch học tập trong những tháng tiếp theo của nhà trường, như tập trung luyện các dạng các em đang yếu trong các giờ ôn tập”, bà Bội Quỳnh cho biết.

Điểm khảo sát toàn thành phố của học sinh lớp 12 thấp hơn theo bà Quỳnh có vài nguyên nhân, chủ yếu do dạng trắc nghiệm mới. Dạng bài đúng sai học sinh thường phạm lỗi đọc hiểu dẫn tới làm sai. Một phần không nhỏ học sinh thiếu sự tự tin cũng ảnh hưởng đến kết quả. Nội dung điền khuyết bộc lộ những điểm yếu trong kĩ năng tính toán. Ở đây theo cô Bội Quỳnh, các dạng bài yêu cầu học sinh nắm rất chắc lý thuyết, kiến thức cộng thêm rèn luyện kĩ năng, thậm chí sử dụng cả những thủ thuật làm bài mới mang lại kết quả như mong muốn.

Trường THPT Việt Đức đang tập trung luyện các dạng bài học sinh đang gặp khó khăn và hay mất điểm. Từ đây tới kì thi tốt nghiệp THPT, nhà trường có 5 đợt tổng kiểm tra theo trường, theo cụm và theo toàn thành phố.

Cho đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đã tổ chức các kì thi thử cho học sinh lớp 12 theo quy mô cấp trường hoặc Sở giáo dục. Dưới sự chỉ đạo của Sở giáo dục, các trường THPT ở Sơn La đã tổ chức 2 lần thi thử quy mô trường. Theo dự kiến trong tháng 4 và tháng 5, học sinh sẽ tham gia 2 kì thi thử nữa.

"Qua những lần tổ chức kiểm tra hoặc thi thử thế này, ngành giáo dục đến thầy cô, học sinh đều nhận ra những hạn chế trong quá trình làm bài để có hướng khắc phục trong những tháng cuối trước kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, ông Đoàn Lê Huy, Trưởng phòng giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La cho biết.

Ngoài 5 đợt thi do nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức, học sinh Sơn La còn có cơ hội thi thử vào cuối tuần lần lượt các môn thi khác nhau trên phần mềm online do một đơn vị viễn thông cung cấp miễn phí. Hai kì thi do Sở trực tiếp ra đề, chấm và thông báo kết quả sắp tới theo ông Huy sẽ có độ khó hơn so với đề mẫu của bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thi thử nhằm giúp học sinh đánh giá lại năng lực cho kì thi tốt nghiệp THPT

Với việc định hướng xây dựng đề thi tốt nghiệp có tính phân hóa, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, bởi trên nhiều phương diện, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ tốt, tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Với lứa thí sinh đầu tiên theo chương trình 2018, việc trải qua kì thi thử do các nhà trường hay Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức ít nhiều giúp các em đánh giá được kiến thức cũng như có phương án luyện tập, làm quen với cấu trúc, định dạng đề thi, định hình được phương pháp làm bài cũng như giảm bớt áp lực tâm lý khi bước vào kỳ thi chính thức. Các kỳ thi thử cũng giúp giáo viên và học sinh đánh giá được mức độ tiếp thu kiến thức, từ đó có kế hoạch ôn tập phù hợp hơn.

“Điều quan trọng là kỳ thi thử cần được thiết kế một cách hợp lý, phản ánh đúng mức độ của đề thi thật để tránh gây hoang mang hoặc đánh giá sai năng lực của học sinh. Một số địa phương có thể đã tổ chức thi thử với độ khó cao hơn nhằm thúc đẩy học sinh cố gắng, nhưng nếu quá khó sẽ gây tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn tạo ra tâm lý lo lắng chán nản. Tuy nhiên, tôi chắc rằng sẽ không có tình trạng này bởi vừa qua Bộ GD ĐT đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho giáo viên tất cả các môn trên cả nước về công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT”, GS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT phân tích.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay như đã công bố chia tỉ lệ cấp độ tư duy tương ứng với 3 mức biết, hiểu, vận dụng các đề thi khoảng 40 : 30 : 30% với nội dung chủ yếu ở lớp 12, bám sát các yêu cầu cần đạt trong chương trình GDPT 2018 không chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT mà còn cần có sự phân hóa nhất định để phục vụ mục đích xét tuyển đại học. Cụ thể, việc thiết kế đề thi năm nay có sự điều chỉnh vừa bảo đảm mục đích xét tốt nghiệp (có sự tham gia nhiều hơn điểm số từ đánh giá quá trình 3 năm học, 50% điểm học bạ so với trước đây là 30%), vừa nhằm đảm bảo khả năng phân hóa tốt hơn. Điều này giúp các trường đại học có cơ sở tin cậy hơn trong việc xét tuyển, tránh tình trạng điểm số quá cao nhưng vẫn không đủ sức cạnh tranh vào những ngành học hot. Thêm vào đó, theo quy chế tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT mới ban hành, việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức tuyển sinh khác nhau, giữa các tổ hợp khác nhau vào cùng ngành học sẽ giúp học sinh yên tâm ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, phát huy thế mạnh các môn học mà thí sinh đã lựa chọn và học tập 3 năm trên ghế nhà trường.

Đề thi thiết kế với khung điểm hợp lý theo GS Nguyễn Ngọc Hà sẽ giúp đánh giá được năng lực học sinh, tránh tình trạng điểm số dồn quá nhiều vào một khoảng hẹp năng lực, không phù hợp với kì thi có hàng triệu thí sinh tham gia, với một khoảng biến thiên rộng về trình độ, năng lực.

“Với phương án đề thi và xét tuyển như vậy, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển mà không lo ngại nhiều về việc điểm số bị đẩy lên quá cao so với thực tế”.

Lứa học sinh 2k7 là thế hệ đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng lại có 9 năm đầu theo chương trình 2006. Điều này có thể mang đến những thử thách khi các em phải thích nghi với một cách tiếp cận mới mẻ trong thời gian ban đầu.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có những biện pháp để hỗ trợ, như hướng dẫn cụ thể về nội dung cách thức ôn tập, tổ chức tập huấn cho giáo viên về xây dựng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT trên cả nước để công tác ôn tập được sát với thực tế và mức độ kỳ thi, khuyến khích và hỗ trợ các địa phương tổ chức thi thử để học sinh có cơ hội làm quen dần chuẩn bị tâm lí trường thi tốt hơn. Tuy nhiên, sự nỗ lực cá nhân của các em và sự đồng hành từ thầy cô, gia đình chắc chẵn sẽ là những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến kết quả của kỳ thi.

Trong giai đoạn còn chưa đầy 3 tháng nữa diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT, GS Ngọc Hà có vài lời khuyên để học sinh có kế hoạch ôn tập rõ ràng và hợp lý:

Xác định những phần kiến thức, kĩ năng còn thiếu, còn yếu để xây dựng chiến lược học tập, phân bổ thời gian ôn tập hợp lý cho các nội dung ôn tập trong một môn và giữa các môn thi.

Dành thời gian luyện đề đúng mức độ, định dạng, cấu trúc, thời gian để làm quen với áp lực và rèn kỹ năng làm bài.

Tăng cường tự học, tự đọc để làm chủ kiến thức, không nên học thêm tràn lan, bởi tự học, tự đọc sẽ giúp tăng cường kết nối liên hệ với thực tiễn, những vấn đề có thể xuất hiện trong câu hỏi phân hóa đặc biệt dành cho mục đích tuyển sinh.

Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu quá mức, kết hợp nghỉ ngơi tập luyện thể dục thể thao hợp lý để bảo đảm sức khỏe cũng là điều đặc biệt quan trọng.

Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng của bản thân cũng như sự giúp đỡ của thầy cô và gia đình, GS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng các em sẽ đạt được kết quả như mong muốn trong kỳ thi sắp tới./.